Ngày 30.9, tại Hà Nội, T.Ư Đoàn và Báo Thanh Niên tổ chức hội nghị lấy ý kiến các phóng viên trẻ góp ý Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Long Hải và Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên Đặng Thị Phương Thảo chủ trì hội nghị.
Nhà báo Bùi Văn Kiên đóng góp ý kiến tại hội nghị - Ảnh: Ngọc Thắng |
Khẳng định Đảng và Nhà nước quan tâm quy hoạch cán bộ trẻ, xây dựng đội ngũ lãnh đạo kế cận, nhưng theo nhà báo Bùi Văn Kiên (Báo Tiền Phong), vẫn còn những quy định hạn chế, thậm chí là rào cản với cán bộ trẻ khi quy định tiêu chuẩn cán bộ quá chặt chẽ về thời gian, kinh nghiệm công tác mà chưa xem xét ở góc độ trí tuệ, tài năng.
Cụ thể, Quy định 82/2004 của Bộ Nội vụ ban hành ngày 17.11.2004 về tiêu chuẩn chức danh giám đốc sở và các chức vụ thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư quy định phải đạt trình độ chuyên môn nghiệp vụ ngạch chuyên viên chính trở lên. Nhưng để đạt được trình độ này phải có 9 năm giữ ngạch chuyên viên mới được cử đi thi tuyển chuyên viên chính.
Bên cạnh đó, người được bổ nhiệm phải có 5 năm trở lên công tác trong chuyên ngành, trong đó 3 năm làm công tác quản lý về lĩnh vực chuyên môn chuyên ngành được giao. Các thông tư cụ thể hóa quy định của Bộ Nội vụ ở nhiều bộ, ngành cũng tương tự nên ít có người trẻ 35 - 40 tuổi được bổ nhiệm giám đốc, phó giám đốc sở, chủ tịch tỉnh, phó chủ tịch tỉnh...
Nhà báo Bùi Văn Kiên kiến nghị cần đổi mới các quy định tiêu chuẩn cán bộ theo hướng giảm thời gian công tác, kinh nghiệm làm việc và thi chuyên viên chính. Đây là những quy định nặng về mặt thời gian, chứ không phải điều kiện tối ưu, chứng minh năng lực, trình độ. “Nên tăng cường thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý, tạo cơ hội cho người trẻ có đủ điều kiện tham gia”, anh Kiên nói.
Nhấn mạnh xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao sức chiến đấu của Đảng là nội dung lớn đề cập trong Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII, nhà báo Nguyễn Thái Sơn (Báo Thanh Niên) góp ý giải pháp nâng cao công tác phòng chống tham nhũng.
Theo anh Sơn, khi Thanh tra Chính phủ lấy ý kiến về các biện pháp phòng chống tham nhũng, nhân dân nhiệt tình tham gia và có nhiều sáng kiến, giải pháp tốt được áp dụng hiệu quả. Cho rằng công tác phòng chống tham nhũng muốn hiệu quả, bên cạnh quyết tâm của nhà nước cần sự ủng hộ tham gia của nhân dân, nhà báo Nguyễn Thái Sơn đề xuất: Phát huy các sáng kiến, ý tưởng của nhân dân trong phòng chống tham nhũng, đưa kiến thức phòng chống tham nhũng vào các khu vực, ngành nghề dễ phát sinh hành vi tham nhũng; kêu gọi người dân cùng tham gia giám sát phòng chống tham nhũng.
Phát huy vai trò phản biện xã hội của báo chí
Quan tâm đến vai trò của báo chí phát huy dân chủ xã hội, nhà báo Lê Nhung, Trưởng ban Tuần Việt Nam Báo điện tử Vietnamnet, cho rằng có nhiều việc cần làm nhằm tạo môi trường cho báo chí phát triển lành mạnh, khích lệ báo chí phản biện. Báo chí phải được đưa tin trung thực, phản biện khách quan. Các cơ quan, tổ chức cần chủ động cung cấp thông tin, không né tránh, bưng bít để tránh luồng thông tin xuyên tạc, bóp méo làm sai lệch bản chất vấn đề. Người đứng đầu các cơ quan các cấp cần thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm hiện tượng vi phạm luật Báo chí, cản trở nhà báo tác nghiệp đúng luật.
Ngoài ra, chức năng phản biện xã hội, trong đó có vai trò của báo chí cần được thể hiện bằng luật pháp, giúp người làm báo làm việc đúng chức năng. “Lắng nghe tiếng nói phản biện từ báo chí và tạo cơ hội cho báo chí phản biện cũng là một hình thức phát huy quyền dân chủ của dân một cách công khai, minh bạch và chính thống”, nhà báo Lê Nhung bày tỏ.
Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Long Hải cho biết tổ chức góp ý trong các tầng lớp thanh niên trong đó đội ngũ phóng viên trẻ, nhà báo là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng đang triển khai trong các cấp bộ Đoàn, Hội. Đây cũng là cơ hội để người trẻ phát huy trí tuệ, trách nhiệm và cả sự tâm huyết vào một văn kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng, phát triển đất nước.
Bình luận (0)