Sáng 5.11, các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Định vẫn tiếp tục huy động người và phương tiện tổ chức tìm kiếm các thuyền viên trên những tàu hàng bị chìm ở vùng biển Quy Nhơn.
Khả năng sống sót là rất thấp
Theo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Định, trước
bão số 12, có 104 tàu hàng trong và ngoài nước neo đậu ở khu vực phao số 0 Cảng Quy Nhơn. Sau bão có 10 tàu bị nạn, gồm 9 tàu bị chìm, 1 tàu bị mắc cạn. Ngay trong ngày 4.11, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định và các cơ quan chức năng cùng nhiều người dân địa phương đã tổ chức cứu nạn các tàu hàng, tàu cá và các thuyền viên bị nạn.
Đến sáng 5.11, đã có 72
thuyền viên trên các tàu hàng đã được cứu sống và 3 thuyền viên tử vong, thi thể trôi dạt ở khu vực biển P.Ghềnh Ráng, TP.Quy Nhơn.
Các thuyền viên trên tàu hàng Nam Khánh 26 đang được điều trị tại bệnh viện ẢNH: HOÀNG TRỌNG
Cứu hộ tàu vỏ thép bị sóng đánh vào bờ ẢNH: HOÀNG TRỌNG
Bác sĩ Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Bệnh viên Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa (TP.Quy Nhơn) cho biết đơn vị này đã tiếp nhận và điều trị cho 41 thuyền viên của các tàu bị nạn trên biển Quy Nhơn. Trong đó, tàu FEI YUE9 (quốc tịch Panama) có 9 người quốc tịch Trung Quốc và 6 người quốc tịch Myanmar.
Đến trưa 5.11, hầu hết các thuyền viên đều xuất viện, chỉ còn 14 thuyến viên người Việt đang điều trị tại bệnh viện này và sức khỏe đã ổn định.
Theo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Định, hiện còn khoảng 24
thuyền viên trên các tàu hàng bị nạn trên biển, khả năng sống sót là rất thấp.
Điều tra việc các tàu không vào cảng trú bão
Sáng 5.11, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng cùng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh này đã tổ chức cuộc họp triển khai công tác khắc phục mưa bão và bàn biện pháp ứng phó với lũ. Nhiều đại biểu tham dự cuộc họp cho rằng sự phối hợp trong công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển của tỉnh Bình Định còn chồng chéo, không thống nhất nên hiệu quả chưa như mong muốn. Cơ sở vật chất để bảo quản thi thể thuyền viên chưa đáp ứng yêu cầu.
Tại cuộc họp, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, Trưởng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, phê bình UBND TP.Quy Nhơn về công tác thông tin xử lý các tình huống, sự cố xảy ra trên biển, đồng thời biểu dương các chiến sĩ quân đội, Công an và nhân dân TP.Quy Nhơn đã tham gia tích cực TKCN thuyền viên trên biển.
Tỉnh Bình Định họp trực tuyến để triển khai công tác khắc phục hậu quả bão, lũ ẢNH: HOÀNG TRỌNG
Sáng 5.11, nhiều nhà dân, nhiều tuyến đường ở Bình Định vẫn ngập sâu ẢNH: HOÀNG TRỌNG
Ông Dũng cũng đã giao Công an tỉnh Bình Định điều tra, làm rõ vì sao nhiều tàu hàng không vào cảng Quy Nhơn
neo đậu tránh bão mà phải neo ở phao số 0.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng giao các đơn vị trên địa bàn phối hợp với nhau để tìm kiếm các thuyền viên bị mất tích, triển khai biện pháp xử lý sự cố tràn dầu do các tàu bị chìm xảy ra, bảo an ninh trật tự khu vực ven biển, không để xảy ra tình trạng hôi của…
Ông Nguyễn Thanh Tùng chỉ đạo các ngành chức năng tập trung khắc phục hậu quả do mưa bão, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, sớm ổn định cuộc sống.
Ông Tùng cũng yêu cầu báo cáo hồ sơ, lý lịch tàu bị nạn để Trung ương triển khai công tác trục vớt và tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ 5 triệu đồng cho mỗi gia đình có thuyền viên bị chết, trường hợp bị thương phải mổ hỗ trợ 5 triệu đồng/người, những thuyền viên bị thương nhẹ hỗ trợ 3 triệu/người...
Thiệt hại 462 tỉ đồng
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết đến trưa 5.11 đã thống kê được 17 tàu cá bị chìm, 3 người chết, 6 người mất tích, 81 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 446 ngôi nhà bị hư hỏng do mưa bão gây ra.
Ngoài ra, tỉnh Bình Định còn có 50 km đường giao thông bị sạt lở, 2 chiếc cầu bị sập mố, 516 ha lúa mùa ngập, 18 ha hoa màu và 500 ha cây trồng hư hỏng, 27 lồng bè nuôi thủy sản cuốn trôi.
Tổng thiệt hại ước tính đến trưa 5.11 khoảng 462 tỉ đồng, riêng thiệt hại các tàu hàng khoảng 400 tỉ đồng.
|
Bình luận (0)