Tết Canh Tý 2020: Phố ông đồ TP.HCM nhộn nhịp 'ông, bà đồ' trẻ

Bích Ngân
Bích Ngân
24/01/2020 11:07 GMT+7

Mỗi năm hoa đào hoa mai nở, lại thấy phố ông đồ tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM (quận 1, TP.HCM) nhộn nhịp vì dòng người khắp nơi đổ về xin chữ cầu may.

Lễ hội Tết Việt diễn ra tại khu phố ông đồ năm nay với nhiều gian hàng truyền thống, như: làng gốm, làng mây, làng hương, làng lụa; ẩm thực đặc trưng của Sài Gòn; trưng bày cảnh trí hoa mai, hoa đào rực rỡ và sinh động mang đậm nét truyền thống Việt Nam.
Có một điều đặc biết khiến người tham quan thích thú hơn vì năm nay xuất hiện khá nhiều "ông, bà đồ" trẻ. Đây là những chàng trai, cô gái có tuổi đời chỉ mới đôi mươi nhưng đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc cho chữ ngày Tết…
Anh Trần Trọng Nghĩa, một "ông đồ" trẻ mới 26 tuổi, cho hay anh cảm thấy hạnh phúc và tự hào vì đang làm công việc có ý nghĩa, góp phần gìn giữ và phát huy nét đẹp truyền thống văn hóa. Anh cũng cho biết thêm, 3 năm trước khi xem các ông đồ già cho chữ khi đó nhận ra mình có tình cảm với nghề nên quyết định tìm tòi, học hỏi, dần dần yêu nghề hơn. Tính đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 thì anh đã theo "nghề cho chữ" được 2 năm.
Cũng ở phố ông đồ, từ rất sớm "bà đồ" trẻ Võ Thị Kiều Trâm (22 tuổi) đã có mặt để bày trí, sắp xếp gian hàng chuẩn bị cho 1 ngày tất bật với công việc cho chữ. Trâm cho biết, bản thân nhận ra mình yêu thư pháp từ năm học lớp 7. Nhận ra đó là 1 cái duyên với nghề nên Trâm chăm chỉ tập luyện, đến năm học lớp 11 thì chính thức cầm bút vào nghề.

'Bà đồ' 22 tuổi Võ Thị Kiều Trâm

Ảnh: Bích Ngân

Khác với những dịp Tết Nguyên đán trước đây, khu phố ông đồ năm nay được thiết kế rộng hơn để phục vụ cho những người yêu thích thư pháp trong và ngoài thành phố.
Đặc biệt, hình ảnh những "ông, bà đồ" mặc áo dài, khăn đóng bày mực tàu giấy đỏ trên phố... đã thu hút rất đông khách đến tham quan, cũng như xin chữ cầu mong năm mới gặp may mắn.
Mặc dù còn ít tuổi nhưng "ông đồ" trẻ Trần Minh Thắng (19 tuổi) cũng chọn cho mình 1 góc nhỏ trên phố ông đồ để thỏa sức vẽ hoa, vẽ chữ Tết. "Ông đồ" Minh Thắng chia sẻ, gia đình mình không ai làm nghề cho chữ thư pháp, nhưng vì có đam mê nên quyết tâm tìm thầy vừa dạy học vừa làm nghề cho quen tay. Đến nay, Thắng đã gắn bó với nghề đã được 5 tháng.

Trần Minh Thắng (19 tuổi)

Ảnh: Bích Ngân

Cũng trẻ măng, "ông đồ" Võ Tuấn Xuân Thành (20 tuổi) cho biết mình theo nghề thư pháp được 12 năm, tình yêu nghề chớm nở vào một ngày cuối năm 2007 khi đến dạo xuân ở phố ông đồ và bắt gặp những ông đồ già nắn nót từng nét vẽ để cho chữ.
"Chính phố ông đồ, nơi hôm nay tôi ngồi, là nơi đã khơi dậy trong tôi nguồn cảm hứng với thư pháp. Là một người trẻ, tôi mong muốn có nhiều người trẻ giống mình hiểu được giá trị của thư pháp trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc", Xuân Thành bộc bạch.

Võ Tuấn Xuân Thành (20 tuổi)

Ảnh: Bích Ngân

Lắng nghe chia sẻ của một ông đồ già trong làng thư pháp, thư pháp Tuệ Nghiêm (48 tuổi) cho biết làm nghề cho chữ ở phố đã 14 năm, gắn liền với ngày đầu khu phố ra đời.

Nhà thư pháp Tuệ Nghiêm (48 tuổi)

Ảnh: Bích Ngân

Ông cho rằng thư pháp không chỉ đẹp bởi cái trưng diện ra bên ngoài mà còn rèn giũa cho người viết, người xem một nét đẹp tâm hồn.
Khi chứng kiến nhiều "ông, bà đồ" trẻ làm nghề, ông phấn khởi cho rằng đây là một nét mới đáng khích lệ của giới trẻ, các bạn nhạy bén và tiếp thu rất nhanh. Trong không khí xuân, ông muốn dùng thư pháp để tô vẽ thêm một niềm cảm hứng mới cho người dân TP.HCM.
Theo đó, các gian hàng thư pháp đặc trưng của khu phố ông đồ đã thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan, cũng như xin chữ cầu may.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, khách tham quan không chỉ có những đôi nam thanh nữ tú mà trẻ em, người già và cả du khách nước ngoài cũng bị cuốn hút bởi nét đẹp truyền thống của khu phố ông đồ TP.HCM.

Du khách nước ngoài tham quan phố ông đồ

Ảnh: Bích Ngân

Các “ông, bà đồ” trẻ... bày mực tàu giấy đỏ, trên phố đông người qua...

Ảnh: Bích Ngân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.