Ngày 27.11, thông tin từ UBND H.Võ Nhai (Thái Nguyên) cho biết, địa phương này đã chính thức công bố dịch bệnh dịch viêm da nổi cục trên gia súc tại địa bàn xã Bình Long.
Theo ông Long Văn Lưu, Chủ tịch UBND xã Bình Long (H.Võ Nhai, Thái Nguyên), trong ngày 20.11, kết quả xét nghiệm của Trung tâm Chẩn đoán thú y T.Ư ( Bộ NN-PTNT) đối với mẫu bệnh phẩm bò của gia đình ông Phạm Văn Tâm (xóm Đại Long) đã cho kết quả dương tính với bệnh viêm da nổi cục.
Sau khi tổng kiểm tra đàn gia súc toàn xã, cơ quan chức năng phát hiện có thêm 4 con bò của 3 hộ gia đình ở xóm Đồng Bản cũng xuất hiện các triệu chứng của bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò.
Ngay sau đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp H.Võ Nhai đã phối hợp với địa phương tổ chức phun thuốc khử trùng tại cho các hộ; đồng thời rắc vôi bột khử trùng các ổ dịch cũng như hỗ trợ điều trị cho gia súc đang mắc bệnh.
UBND xã Bình Long cũng yêu cầu các hộ dân ký cam kết không thả rông trâu bò mắc bệnh; không vận chuyển, giết mổ trâu bò mắc bệnh để phòng ngừa dịch bệnh có thể lây lan. Cơ quan chức năng phối hợp với lực lượng thú y lập chốt kiểm soát 24/24 giờ và thực hiện phun khử trùng các phương tiện đi qua địa phận xã có ổ dịch.
Cũng theo thông tin từ UBND xã Bình Long, tổng đàn trâu, bò toàn xã hiện có trên 600 con, địa phương này tiếp giáp với xã Quyết Thắng (H.Hữu Lũng, Lạng Sơn) nơi phát hiện ổ dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò trong tháng 10 vừa qua.
Bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò là “bệnh lạ” lần đầu tiên được ghi nhận xuất hiện tại Việt Nam. Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNN), bệnh viêm da nổi cục (tên tiếng Anh là Lumpy Skin Disease, viết tắt là LSD) là bệnh truyền nhiễm do virus thuộc họ poxviridae gây ra trên trâu, bò. Loại virus này không gây bệnh trên người.
Bệnh này lây truyền chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve; tiếp xúc giữa gia súc bệnh và gia súc khỏe mạnh. Bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch; thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 4 - 14 ngày.
Bệnh có các triệu chứng thường thấy ở bệnh này như sốt cao (có thể trên 41 độ C), bỏ ăn, giảm tiết sữa, da và niêm mạc nổi những nốt sần có đường kính khoảng 2 - 5 cm, đặc biệt là ở vùng da cổ, đầu, bầu vú, cơ quan sinh dục và vùng đáy chậu. Tỷ lệ trâu, bò mắc bệnh khoảng 10 - 20% và tỷ lệ chết khoảng 1 - 5%.
Đầu tháng 11 vừa qua, trong công điện gửi các địa phương, Bộ NN-PTNT cho biết, bệnh viêm da nổi cục được ghi nhận trên đàn gia súc tại xã Quyết Thắng và xã Yên Bình (H.Hữu Lũng, Lạng Sơn) và xã Lý Quốc (H.Hạ Lang, Cao Bằng) với tổng số gần 150 con bò mắc bệnh, trong đó có 11 con chết. Sau đó, tỉnh Bắc Kạn, đã ghi nhận xuất hiện bệnh dịch này trên đàn trâu, bò trên địa bàn H.Ngân Sơn.
Theo đó, Bộ NN-PTNT yêu cầu các địa phương kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn bệnh viêm da nổi cục trên gia súc lây lan trên diện rộng.
Bình luận (0)