Tham nhũng, trục lợi đất đai gây bất bình trong nhân dân

07/09/2012 19:36 GMT+7

(TNO) “Một bộ phận cán bộ làm công tác quản lý đất đai còn yếu kém về năng lực, phẩm chất, còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, tham nhũng trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, gây ảnh hưởng xấu trong xã hội và bất bình trong nhân dân”.

>> Tham nhũng từ đất đai khá phổ biến

Đây chỉ là một trong những hạn chế, tồn tại của luật Đất đai hiện hành được Chính phủ chỉ ra trong tờ trình sửa đổi luật này vừa được đại diện Bộ Tài nguyên - Môi trường trình tại phiên họp thẩm tra của Ủy ban Kinh tế trước khi trình Ủy ban TVQH tại phiên họp tháng 9.

Nội dung tờ trình cho thấy, bên cạnh những tác động tích cực từ quy định của luật Đất đai hiện hành (được sửa đổi vào năm 2003), trong quá trình thực thi luật cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế và những bất cập của quy định hiện hành về đất đai cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới phát sinh nhiều khiếu kiện phức tạp trong xã hội.

Tồn tại trong quá trình thực thi luật Đất đai được Chính phủ chỉ rõ, từ công tác quản lý nhà nước; quy định pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn chưa đáp ứng được yêu cầu; nguồn lực về đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước..., cho đến thủ tục hành chính về đất đai còn nhiều bất cập.

Có 3 nhóm nguyên nhân dẫn tới các bất cập đã nêu, trong đó có nguyên nhân tổ chức thực hiện pháp luật về đất đai chưa nghiêm. “Một bộ phận cán bộ làm công tác quản lý đất đai còn yếu kém về năng lực, phẩm chất, còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, tham nhũng trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, gây ảnh hưởng xấu trong xã hội và bất bình trong nhân dân; việc thanh tra, kiểm tra giám sát và xử lý các hành vi sai phạm trong quản lý đất đai chưa kịp thời; ý thức chấp hành pháp luật về đất đai của một bộ phận nhân dân còn hạn chế”, Chính phủ nhận định.

Chính vì vậy mà trong 4 mục đích nêu ra cho lần sửa luật này, Chính phủ đã nhấn mạnh đến việc “cải cách thủ tục hành chính về đất đai vừa đảm bảo quản lý chặt chẽ, hiệu quả tài nguyên đất, vừa bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, thuận tiện cho người sử dụng đất thực hiện các quyền và giám sát việc thực hiện của các cơ quan nhà nước nhằm hạn chế tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai”.

Theo Tờ trình của Chính phủ, luật Đất đai sửa đổi lần này sẽ gồm 14 chương với 190 điều, quy định cụ thể những nội dung quan trọng về quản lý, sử dụng đất đai, như trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai và tổ chức quản lý đất đai; Thủ tục hành chính về đất đai; Tài chính đất đai và giá đất… hay bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Trong chương quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, dự thảo luật quy định Nhà nước chủ động thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố, tổ chức việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để tạo quỹ đất sạch, sau đó Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng hoặc tổ chức đấu giá để thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với dự án sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhà đầu tư trong nước thực hiện nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án. “Việc quy định như dự thảo luật sẽ góp phần tăng thu từ đất, đảm bảo tính ổn định của pháp luật, giảm khiếu kiện về đất đai và giảm tải cho cơ quan Nhà nước các cấp trong việc thu hồi đất”, cơ quan soạn thảo nhấn mạnh.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến đề nghị Nhà nước thực hiện thu hồi đất đối với tất cả các trường hợp, bỏ cơ chế nhà đầu tư nhận chuyển quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, tránh việc tạo ra chênh lệch giá dẫn đến khiếu kiện về đất đai khi Nhà nước thu hồi.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.