Thanh Hóa phải trở thành một tỉnh công nghiệp

Ngọc Minh
Ngọc Minh
05/07/2020 08:02 GMT+7

Ngày 4.7, tại Thanh Hóa, Ban Kinh tế T.Ư phối hợp tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội thảo Phát triển bền vững tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 .

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình; Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến và Phó ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Hồng Sơn chủ trì hội thảo.

Giảm áp lực hạ tầng cơ sở cho Hà Nội

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: Thanh Hóa là vùng đất địa linh nhân kiệt với truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng; có vị trí chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh; có nhiều tiềm năng, lợi thế với nguồn lực to lớn về đất đai, con người, giao thông thuận tiện.

“Nghị quyết phải tạo ra các cơ chế chính sách cho Thanh Hóa phát triển đột phá, để Thanh Hóa vì cả nước và cả nước vì Thanh Hóa, cũng chính là để hiện thực hóa được lời căn dặn của Bác Hồ: “Tỉnh Thanh Hóa, theo tôi, muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, nhất định được, vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển sắp đặt”.

Ông Nguyễn Văn Bình

Ghi nhận các kết quả to lớn Thanh Hóa đã đạt được thời gian qua, mặc dù so với tiềm năng chỉ là bước đầu nhưng ông Nguyễn Văn Bình đánh giá, kết quả đó cho thấy có những bước khởi sắc rất mạnh mẽ, đã vươn lên đứng đầu vùng bắc Trung bộ và nằm trong các tỉnh dẫn đầu của cả nước. Với các kết quả đạt được; các tiềm năng, lợi thế to lớn của tỉnh; mục tiêu phát triển địa phương này không phải chỉ đối với Thanh Hóa mà cho cả vùng và cả nước, không chỉ đối với phát triển kinh tế - xã hội mà còn cả quốc phòng an ninh, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã quyết định cho xây dựng đề án để tiến tới ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển Thanh Hóa tới năm 2030, tầm nhìn 2045.
Tại hội thảo, các nhà khoa học và quản lý đều thống nhất quan điểm Thanh Hóa có vị trí trọng yếu của VN, có nhiều tiềm năng, thế mạnh với hạ tầng giao thông đồng bộ, là nơi kết nối đồng bằng sông Hồng với bắc Trung bộ; tây Tây Bắc và bắc Lào với biển; có Khu kinh tế Nghi Sơn với những ưu đãi đầu tư thuận lợi nhất Việt Nam với hạt nhân là tổ hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, cảng container... mà nhiều tỉnh khác không có được.
Vì thế, sự phát triển nhanh và bền vững của Thanh Hóa sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển nhanh và bền vững của cả nước. Với tư cách là một cực tăng trưởng mới, Thanh Hóa sẽ cộng hưởng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh có những tác động lôi kéo, thúc đẩy sự phát triển của các tỉnh trong vùng bắc Trung bộ, vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước; giảm áp lực cho Hà Nội về cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội; giảm áp lực cho ngân sách T.Ư một khi Thanh Hóa cân đối được ngân sách; trở thành hình mẫu cho các tỉnh khác về sự kết hợp giữa phát triển nhanh và bền vững; giữa phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh và về sự phát triển cân đối giữa các vùng miền cũng như đảm bảo sự đoàn kết giữa các dân tộc.

Tránh xuất thô ở Lọc hóa dầu Nghi Sơn

Phát biểu tổng kết hội thảo, ông Nguyễn Văn Bình đánh giá cao những ý kiến đóng góp khoa học và rất thực tiễn của các nhà khoa học và các nhà quản lý. “Các tham luận đều cho thấy tiềm năng to lớn của Thanh Hóa, mà quan trọng những tiềm năng này không chỉ giúp Thanh Hóa có nền tảng để phát triển mà còn giúp Thanh Hóa có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của khu vực, đặc biệt là với an ninh quốc phòng của đất nước”, ông Bình nói. Về hướng phát triển thời gian tới, với tiềm năng to lớn đa dạng trên các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, kinh tế biển..., Thanh Hóa cần có bước đi và lộ trình phù hợp, mỗi giai đoạn cần xác định trọng tâm trọng điểm. Dựa trên thế mạnh và nền tảng đã đạt được, ông Bình đề nghị Thanh Hóa phải là một tỉnh công nghiệp, trong đó đối với tổ hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, bên cạnh lọc dầu, cần có cụm công nghiệp để sử dụng hết đầu ra của tổ hợp, tránh xuất thô, thay vào đó tạo ra các sản phẩm hóa dầu có giá trị gia tăng cao, đem lại nguồn thu lớn hơn nhiều cho tỉnh.
“Với đặc thù đất rộng, người đông, tỉnh cần phát triển nông nghiệp nhằm đảm bảo sinh kế, thu nhập của nhân dân và đảm bảo các vấn đề trật tự an toàn xã hội; khai thác các lợi thế để phát triển kinh tế biển; quan tâm vấn đề liên kết vùng; tập trung khai thác tốt nguồn lực lớn của Thanh Hóa về văn hóa và con người phục vụ quá trình phát triển bền vững và lâu dài của tỉnh”, ông Nguyễn Văn Bình lưu ý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.