Thảo cầm viên Sài Gòn - những chuyện 'thâm cung': Làm móng, nhổ răng cho thú dữ

Quang Viên
Quang Viên
24/02/2018 06:33 GMT+7

Các loài thú họ mèo như hổ, báo, sư tử... là những con vật hung dữ và đầy sức mạnh. Tuy nhiên, chúng cũng rất dễ mắc bệnh khi sống trong môi trường nuôi nhốt. Vì thế, chúng rất cần đến những can thiệp y khoa.

Làm móng cho động vật họ mèo là chuyện không phải hiếm tại Thảo cầm viên (TCV), nhất là hổ. Ở TCV, hổ Đông Dương thường mắc bệnh móng quặp, nhất là những con hổ đã già. Bình thường thì móng vuốt của thú họ mèo nói chung, hổ nói riêng có thể co rút lại. Tuy nhiên khi về già, các cơ gân đầu ngón kém đàn hồi nên việc co rút lại hạn chế, móng cứ dài ra rồi quặp vào gan bàn chân khiến hổ đi cà nhắc hoặc nằm lỳ một chỗ không dám vận động. Trong trường hợp này phải tiến hành cắt móng ngắn quặp, thậm chí là mổ tháo móng.
Theo bản năng tự nhiên, hổ, báo, sư tử biết cách tự mài vuốt, thứ vũ khí chiến đấu quan trọng của các loài thú ăn thịt. Chúng thường mài móng vuốt vào đá, thân cây. Tuy nhiên, cũng có con thú già hoặc rất lười biếng vận động nên TCV phải tạo điều kiện và kích thích chúng mài móng vuốt. Chẳng hạn như lấy nước tiểu của loại thú khác đặt vào trong chuồng của hổ, báo hoặc sư tử. Điều này sẽ làm chúng bị kích động để đứng lên cào cấu mài móng vuốt.
Với thú ăn thịt họ mèo thì việc chăm sóc sức khỏe răng miệng cũng là điều rất được chú ý. Lý do, vì đây là loại thú mà hàm răng đòi hỏi phải khỏe và sắc. Bác sĩ thú y Mai Khắc Trung Trực, Giám đốc Xí nghiệp động vật TCV, cho biết tại TCV hổ và sư tử hay bị bệnh răng nướu. Từng có một chú hổ răng có vấn đề trầm trọng, TCV định mời cả bác sĩ nha khoa về can thiệp làm răng giả. Tuy nhiên, việc làm răng giả cho loài thú ăn thịt không khả thi. Cuối cùng, bắt buộc các bác sĩ thú y phải nhổ răng cho con hổ này.
Làm móng cho thú dữ
Những chuyện khó tin
Dùng thuốc an thần cho hổ để tiến hành phối giống là việc từng xảy ra ở TCV. Lý do là hổ có bản năng rất hung dữ và việc không đồng bộ trong hành vi giữa con đực và con cái thường xảy ra. “Có lúc con đực chịu lại gần con cái ve vãn thì con cái quyết liệt phản ứng. Có lúc con cái tỏ vẻ thân thiện và “chịu đực” thì con đực lại đánh con cái tơi bời. Vì thế, vườn thú phải sử dụng thuốc an thần để làm dịu các phản ứng thái quá của thú...”, tiến sĩ - bác sĩ thú y Phan Việt Lâm nói.
Ông Lâm còn tiết lộ những chuyện rất “thâm cung bí sử” của loài hổ mà có lẽ ít ai biết được. Đó là sự rối loạn về hành vi sinh dục của hổ mà các bác sĩ thú y phải biết làm dịu “hành vi lệch lạc” này bằng cách điều trị nội tiết sinh dục nam. Con hổ đực 14 tuổi của TCV nhập về từ vườn thú Singapore đã từng gây ngạc nhiên cho nhân viên nuôi vì họ thường xuyên thấy “súng ống” chú bỗng dưng “cướp cò” làm chảy nhiều tinh dịch. Thật ra, chuyện này xảy ra khi chàng hổ được nhốt gần nàng hổ với khoảng cách chỉ một hàng rào lưới. Chú hổ đực đang sung mà gặp cảnh “cám treo để heo nhịn đói” như vậy sao chịu được.
Triệt sản cho thú họ mèo cũng là một trong những can thiệp y khoa đặc biệt ở TCV. Qua tài liệu Nuôi thú họ mèo ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn của TS Phan Việt Lâm, chúng tôi được biết: Hổ Amua của TCV từng phải bị triệt sản. Theo giải thích của ông là do sức khỏe của hổ Amua ngày càng kém. Trong đó 2 con hổ cái có thai nhưng đều đẻ non hay thai chết lưu hoặc mấy lần hổ mẹ sinh mà không có con hổ con nào có thể phát triển khỏe mạnh nên đành phải quyết định triệt sản cho chúng. Điển hình là hổ cái số hiệu 379 đã được tiến hành cắt buồng trứng, không cho phối giống nữa. Và sau khi can thiệp bằng cách này, cô hổ đã trở nên mập mạp và lông mượt mà hơn.
Một ca mổ sư tử
Can thiệp bằng các phương pháp đặc biệt khác
Không khác gì con người, khi có các dấu hiệu bệnh tật, các bác sĩ thú y vườn thú có thể chỉ định các các phương pháp khám nghiệm như chụp X-quang, siêu âm, nội soi... “Đối với các loại thú dữ như hổ, báo, sư tử phương pháp chụp X-quang được sử dụng thường xuyên để khám những tổn thương về xương cũng như các rối loạn về tiêu hóa xương vốn có nhiều trong khẩu phần ăn”, TS Phan Việt Lâm cho biết.
Trong những trường hợp cần tiếp cận để khám, phẫu thuật cho thú họ mèo, công tác gây mê cực kỳ quan trọng. Bác sĩ thú y Mai Khắc Trung Trực, người học trò từng rất gần gũi với nguyên Giám đốc TCV, TS Phan Việt Lâm bộc bạch: “Gây mê cho một con hổ hoặc một con sư tử đòi hỏi bác sĩ thú y phải rất giỏi. Họ phải chọn loại thuốc gây mê, và thuốc giải phù hợp, liều lượng hợp lý để tiêm cho con vật. Sao cho trong lúc thăm khám, xử lý các kỹ thuật y khoa... sẽ diễn ra an toàn tuyệt đối và hạn chế thấp nhất những tổn hại sức khỏe của thú”. Qua trò chuyện với chúng tôi, anh Trung Trực tỏ ra rất kính nể tài năng của TS Phan Việt Lâm về tay nghề gây mê và phẫu thuật, đặc biệt là gây mê và phẫu thuật cho “chúa sơn lâm” hay loài thú ăn thịt dũng mãnh như sư tử, báo...
Để nói cho hết về việc can thiệp y khoa đối với thú dữ họ mèo ở TCV chỉ có thể viết thành sách. Vì cũng giống như con người, loài thú nói chung, thú họ mèo hung dữ như hổ, báo, sư tử nói riêng cũng có bách bệnh mà nếu không can thiệp y khoa kịp thời sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng sinh sản... thậm chí là tính mạng của chúng. Tuy nhiên, một thực trạng rất đáng lo ngại hiện nay tại TCV là lực lượng bác sĩ thú y có thể tham gia can thiệp y khoa cho thú quá ít. Được biết hiện TCV có đến 1.081 cá thể thú thuộc 135 loài. Tuy nhiên, cán bộ thú y chỉ có vỏn vẹn 3 người. Một người chịu trách nhiệm quản lý thuốc, khẩu phần ăn, đầu thú. Hai người còn lại chịu trách nhiệm khám chữa bệnh chung cho thú và nuôi bộ thú non.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.