Thêm khâu hòa giải, đối thoại trước khi tòa thụ lý vụ án

Phan Thương
Phan Thương
02/03/2019 07:06 GMT+7

Trung tâm hòa giải , đối thoại tại tòa án được thí điểm với mục đích giảm tải áp lực cho ngành tòa án, nhưng liệu có cần thiết?

Sau 6 tháng thí điểm Đề án tăng cường hòa giải, đối thoại trong các vụ án dân sự, hành chính tại tòa án ở Hải Phòng, cuối năm 2018, TAND tối cao tiếp tục triển khai mở rộng thực hiện thí điểm đề án này tại 16 tỉnh, thành.

Hòa giải tiền tố tụng

Theo bộ luật Tố tụng dân sự 2015, khi đương sự nộp đơn khởi kiện thì TAND thực hiện các bước: xem xét thụ lý vụ án, đóng án phí và thụ lý vụ án; hòa giải và chuẩn bị xét xử, ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm; xét xử sơ thẩm; xét xử phúc thẩm.
Nhưng với đề án thí điểm và dự thảo luật Hòa giải, đối thoại thì trước khi TAND thụ lý đơn khởi kiện, tòa sẽ chuyển đơn khởi kiện qua trung tâm hòa giải, đối thoại để các bên hòa giải. Nếu hòa giải không thành thì sau đó TAND mới thụ lý và giải quyết vụ án theo thủ tục tố tụng dân sự bình thường
Theo đề án thí điểm, trung tâm hòa giải, đối thoại có nhiệm vụ thực hiện hòa giải các tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại, hôn nhân và gia đình, lao động; đối thoại giải quyết các khiếu kiện hành chính trước khi tòa án thụ lý, giải quyết, trừ những tranh chấp, khiếu kiện theo quy định của bộ luật Tố dụng dân sự, luật Tố tụng hành chính không được hòa giải, đối thoại.
Theo dự thảo luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, trung tâm hòa giải, đối thoại được đặt tại trụ sở các tòa án, nhưng không phải là một tổ chức có cơ cấu, bộ máy riêng, không thuộc biên chế của TAND. Đây là một tổ chức tự quản của các hòa giải viên, đối thoại viên, có chức năng điều phối hoạt động hòa giải vụ việc dân sự, đối thoại khiếu kiện hành chính, được TAND hỗ trợ một số hoạt động.
Về kinh phí hoạt động của trung tâm này, dự thảo quy định sẽ do TAND tối cao và UBND hỗ trợ. Hòa giải viên, đối thoại viên chính là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên đã nghỉ hưu, các cán bộ đã từng tham gia công tác hội thẩm nhân dân và các luật sư có phẩm chất đạo đức, có uy tín, kỹ năng, phương pháp hòa giải, đối thoại tốt, tâm huyết, nhiệt tình để tham gia vào hoạt động hòa giải, đối thoại.

Giảm áp lực cho ngành tòa án, nhưng...

Tại TP.HCM, cơ chế hòa giải tại tòa án nhưng không nằm trong quy trình tố tụng đang được thí điểm tại TAND TP.HCM và 9 quận/huyện, gồm: Q.1, Q.2, Q.9, Q.Bình Thạnh, Bình Tân, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Chánh, Củ Chi.
Mỗi đơn vị thí điểm thành lập 1 trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án.
Chánh án TAND TP.HCM - bà Ung Thị Xuân Hương cho biết, từ thời điểm thí điểm đã chuyển gần 700 hồ sơ khởi kiện thuộc nhiều lĩnh vực cho trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án.
Theo Chánh án TAND Q.2 Quách Hữu Thái, thời gian hòa giải tại trung tâm thông thường sẽ là 1 tháng, nếu vụ việc phức tạp thì trung tâm có thể gia hạn nhưng không để kéo dài quá 2 tháng. Hết thời gian 2 tháng nếu các bên không hòa giải được thì trung tâm sẽ chuyển hồ sơ qua tòa án để tòa thụ lý vụ án theo thủ tục tố tụng bình thường. Theo ông Thái, ngay khi nộp đơn khởi kiện tại TAND, nếu đương sự không muốn tòa gửi hồ sơ qua trung tâm hòa giải, đối thoại thì đương sự có quyền làm đơn yêu cầu tòa tiến hành thụ lý giải quyết vụ án theo thủ tục tố tụng bình thường mà không thông qua hòa giải tại trung tâm hòa giải.
Các chuyên gia pháp luật nhận xét trung tâm hòa giải, đối thoại được thành lập với mục đích giảm tải áp lực án thụ lý vụ việc quá nhiều đối với ngành tòa án nói chung và các thẩm phán nói riêng. Tuy nhiên, nếu không áp dụng phù hợp thì sẽ khiến bộ máy cồng kềnh, nhiều vụ án sẽ kéo dài hơn, và dư thừa thêm một khâu không cần thiết.
Luật sư (LS) Lê Mạnh Hùng (Đoàn LS TP.Hà Nội) cho biết, nguyên tắc giải quyết các tranh chấp dân sự, hành chính luôn tôn trọng các bên hòa giải và việc đưa ra trước HĐXX là trường hợp bất đắc dĩ. “Nếu hòa giải được trước khi tòa thụ lý vụ án là rất tốt, và sau khi hòa giải được, trung tâm hòa giải, đối thoại sẽ chuyển nội dung hòa giải thành sang tòa để tòa công nhận. Từ đó, quyết định này sẽ không bị kháng cáo, kháng nghị nếu có căn cứ cho rằng sự thỏa thuận đó là do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hoặc vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội. Tức giá trị pháp lý, khả năng thực thi phải có giá trị tương đương bản án có hiệu lực của tòa để tránh trường hợp một trong các bên sau này thay đổi nội dung hòa giải, buộc bên còn lại phải khởi kiện từ đầu”, LS nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo LS Trương Anh Tuấn (Đoàn LS TP.HCM), nếu xây dựng luật Hòa giải, đối thoại, nhằm ghi nhận việc hòa giải thành trước khi tòa thụ lý vụ án là bước tiến. Nhưng LS Tuấn cũng e ngại khâu hòa giải này sẽ trùng lặp với thủ tục hòa giải trong tố tụng khi tòa thụ lý vụ án. “Đặt trường hợp các bên hòa giải không thành tại trung tâm hòa giải, đối thoại thì nếu tòa thụ lý vụ án, thẩm phán lại phải hòa giải thêm một lần nữa (như lâu nay) bởi theo bộ luật Tố tụng dân sự, thủ tục hòa giải trong giai đoạn chuẩn bị xét xử là trách nhiệm của thẩm phán thụ lý vụ án. Như vậy, điều này sẽ khiến vụ án phải kéo dài thêm và gây khó khăn cho đương sự”, LS Tuấn băn khoăn.
Bà Nguyễn Thị Kim Hồng (ngụ Q.2, TP.HCM) cho biết đầu tháng 12.2018, bà nộp đơn khởi kiện yêu cầu TAND Q.2 giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại về hợp đồng đối với Văn phòng công chứng Thủ Đức. Tuy nhiên, khi bà đến tòa nhận kết quả xử lý đơn thì được tòa thông báo đã gửi đơn thư qua trung tâm hòa giải, đối thoại. Sau đó, bà phải chờ hơn một tháng để trung tâm mời Văn phòng công chứng Thủ Đức lên hòa giải, nhưng do mời 2 lần Văn phòng công chứng không lên, bà được một LS tư vấn có thể làm đơn yêu cầu không tiến hành hòa giải tại trung tâm hòa giải, đối thoại nên khi đó bà mới làm đơn. Theo bà Hồng, khoảng hơn 2 tháng sau, TAND Q.2 mới ra quyết định thụ lý vụ án và bà cũng phải mệt mỏi đi lên đi xuống để chờ đợi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.