Thêm thủ tục nhưng chưa chắc đảm bảo an toàn ?

30/05/2018 08:25 GMT+7

Nhiều đại biểu vẫn bày tỏ băn khoăn về việc luật An ninh mạng gây chồng giẫm, cản trở quyền của người dân, dễ tạo ra lạm quyền cho cơ quan quản lý và có thể vi phạm điều ước quốc tế.

Sáng 29.5, thảo luận lần cuối về luật An ninh mạng trước khi có thể biểu quyết thông qua, nhiều đại biểu vẫn bày tỏ băn khoăn về việc luật gây chồng giẫm, cản trở quyền của người dân, dễ tạo ra lạm quyền cho cơ quan quản lý và có thể vi phạm điều ước quốc tế.
Nhiều rào cản không cần thiết
       
Việc quy định lưu giữ dữ liệu và đặt trụ sở, cơ quan đại diện tại VN là không vi phạm cam kết quốc tế... Đất nước nào cũng vậy. An ninh mạng, không gian mạng trong thời gian vừa qua và sắp tới rất phức tạp, sẽ ngày càng phức tạp
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt
Khẳng định an ninh quốc gia là vấn đề vô cùng quan trọng, nhưng đại biểu (ĐB) Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) “đề nghị cân nhắc giữa 2 vấn đề khi luật ra đời: một là phải bảo vệ được an ninh chủ quyền quốc gia; hai là phải bảo vệ được các quyền cơ bản, sự tự do của công dân, doanh nghiệp (DN) mà Hiến pháp đã quy định”. Còn ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) thì lo lắng đến sự chồng chéo, khi dự thảo luật đã cố gắng phân định hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia với hệ thống thông tin quan trọng quốc gia trong luật An toàn thông tin mạng, nhưng “chưa có sự rạch ròi và vẫn còn giao thoa”. Theo bà Dung, như vậy sẽ dẫn tới tình huống có 2 danh mục thông tin quan trọng đều do Thủ tướng ban hành một cách độc lập; chịu sự điều chỉnh bởi 2 luật và do 2 bộ cùng thực hiện quản lý nhà nước. Khi đó, nếu hệ thống xảy ra sự cố sẽ rất khó xác định trách nhiệm.
Cho rằng dự luật đặt ra nhiều quy định không thực sự cần thiết đối với yêu cầu bảo vệ an ninh, nhưng lại tạo thêm gánh nặng về thủ tục hành chính và chi phí cho DN, điều chỉnh cả các vấn đề về kinh tế, dân sự không ảnh hưởng rõ rệt đến an ninh quốc gia, ĐB Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) đề nghị cân nhắc các quy định về thẩm quyền thẩm định, kiểm tra, đánh giá, giám sát an ninh mạng liên quan đến các tổ chức là DN.
“Theo quy định của điều 24 dự thảo luật thì lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an được trao quyền kiểm tra, đánh giá an ninh mạng, bao gồm cả hệ thống thông tin không thuộc danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, tức là bao gồm cả thông tin được lưu trữ, chuyển tải trong hệ thống thông tin. Như vậy, có thể dẫn tới khả năng xảy ra xâm phạm bí mật kinh doanh, bí mật người dùng dịch vụ, ứng dụng của DN”, ĐB Tuấn nêu quan ngại.
Ông Tuấn cũng phân vân khi DN và người sử dụng dịch vụ đều đứng trước nguy cơ bị lộ thông tin riêng tư vì lý do bảo đảm an ninh quốc gia mà “không có lựa chọn nào khác” và nguy cơ lạm quyền, nhũng nhiễu là rất cao.
ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) băn khoăn về việc thêm rào cản, thêm thủ tục thẩm định nhưng chưa chắc đã gia tăng được an toàn. “Chúng ta đưa ra một danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia rất rộng lớn, lực lượng công an có khả năng thẩm định, kiểm tra, giám sát được hết không, có đảm bảo khi đã thẩm định xong rồi thì an toàn không? Anh phải là người sản xuất ra thiết bị ấy, làm chủ công nghệ ấy thì mới nói an toàn; chứ đi mua, đi nhập của người khác về thì chưa chắc. Cho nên, chúng ta đừng cầu toàn, ảo tưởng chuyện này”, ĐB Xuyền khuyến nghị.
Lo vi phạm cam kết quốc tế
       
Yêu cầu các cơ quan, tổ chức ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên không gian mạng phải đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại VN theo tôi là khó khả thi, không phù hợp với tình hình thực tiễn, làm gia tăng chi phí của DN và gây khó khăn cho các hoạt động tiếp cận thông tin của người dân VN
ĐB Phạm Thị Thanh Thủy (Thanh Hóa)
Lo lắng về khả năng vi phạm điều ước quốc tế của dự án luật, ĐB Nguyễn Bá Sơn (TP.Đà Nẵng) đặt câu hỏi: Việc nói rằng quy định yêu cầu lưu trữ dữ liệu người dùng và đặt văn phòng đại ­diện tại VN là phù hợp với điều ước quốc tế là dẫn chiếu điều ước quốc tế vào luật hay chỉ là một giải thích theo lối chủ quan?
Đây cũng là lo lắng của ĐB Phạm Thị Thanh Thủy (Thanh Hóa). Bà Thủy cho rằng các dịch vụ nhiều người Việt sử dụng một cách thường xuyên như Google, Facebook đều đặt máy chủ ở nước ngoài. Nếu các DN nước ngoài không tuân thủ quy định này thì có thể sẽ không được phép cung cấp dịch vụ tại VN, ảnh hưởng rất lớn đối với việc truy cập thông tin và sử dụng dịch vụ của người dân. Bên cạnh đó, trong cam kết WTO và Hiệp định Thương mại tự do VN - EU, dịch vụ viễn thông cung cấp qua biên giới là dịch vụ không hạn chế tiếp cận thị trường, trừ một số trường hợp cụ thể; nhưng trong các trường hợp loại trừ cũng không có quy định phải có cơ quan đại diện, văn phòng đại diện trên lãnh thổ của VN.
“Yêu cầu các cơ quan, tổ chức ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên không gian mạng phải đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại VN theo tôi là khó khả thi, không phù hợp với tình hình thực tiễn, làm gia tăng chi phí của DN và gây khó khăn cho các hoạt động tiếp cận thông tin của người dân VN”, bà Thủy nói.
Là Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh, tham gia thẩm tra dự án luật, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho biết cam kết quốc tế có áp dụng ngoại lệ với trường hợp an ninh quốc gia. Cũng theo ĐB này, có 8 DN VN hiện nay đang cung cấp máy chủ cho Google và Facebook, tức là các DN nước ngoài đã đặt máy chủ ở VN.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt khẳng định: “Việc quy định lưu giữ dữ liệu và đặt trụ sở, cơ quan đại diện tại VN là không vi phạm cam kết quốc tế. Điều 21 của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT); điều 14 Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS) và điều 29 Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đều quy định rõ là ngoại trừ an ninh để đảm bảo về an ninh quốc gia. Đất nước nào cũng vậy. An ninh mạng, không gian mạng trong thời gian vừa qua và sắp tới rất phức tạp, sẽ ngày càng phức tạp”.
Đề nghị QH thận trọng xem xét
ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) bày tỏ băn khoăn lớn nhất về việc ai là người quy định, đánh giá nội dung người dân thông tin trên mạng là vi phạm luật, khi trên thực tế, ranh giới đúng - sai là rất mong manh. ĐB Hiếu đề nghị Quốc hội thận trọng xem xét, trước khi quyết định thông qua tại kỳ họp này. “Đây là điều luật có thể thay đổi rất nhiều môi trường kinh doanh, đầu tư của nền kinh tế VN. Chúng ta cần hết sức thận trọng, tránh những ví dụ không tốt đã xảy ra trên thế giới, như nước láng giềng Indonesia vừa ra một điều luật về quy định hệ thống thông tin và giao dịch điện tử năm 2017 ngay lập tức đã tạo ra một số hậu quả và hiện nay đang chuẩn bị sửa chữa”, ĐB Hiếu khuyến nghị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.