Thiệt mạng do oan sai được bồi thường tinh thần bằng 360 tháng lương

20/09/2016 14:40 GMT+7

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý của dự luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước sửa đổi, vừa được bàn thảo tại phiên họp sáng nay (20.9) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đại diện Chính phủ trình tờ trình về dự luật sửa đổi tại phiên họp này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, dự luật đã bổ sung các thiệt hại được bồi thường phát sinh trong thực tế chưa được luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (2009) quy định.
Trong số này có việc lượng hóa một số thiệt hại được bồi thường như thiệt hại thu nhập thực tế bị mất, hoặc bị giảm sút, thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết, thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm phạm. So với luật hiện hành, dự thảo sửa đổi lần này cũng quy định tăng mức bồi thường thiệt hại về tinh thần trong một số trường hợp, như bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù, sức khỏe bị xâm phạm…
Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết các thiệt hại được bồi thường được thiết kế cụ thể căn cứ vào pháp luật hiện hành, và được liệt kê luôn trong luật tất cả các trường hợp được bồi thường. “Dự Luật lần này cũng đã cố gắng có tiêu chí lượng hóa các thiệt hại về mặt tinh thần để đền bù”, ông Long thông tin thêm.
Cũng theo Bộ trưởng Tư pháp, ngoài thiệt hại vật chất có thể xác định cụ thể, những thiệt hại về tinh thần tại dự luật lần này cũng đã có công thức tính, như số ngày tạm giam, tạm giữ được phiên ra số tiền tương đương theo mức lương cơ sở.
Theo đó, dự luật quy định thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết gồm có chi phí khám bệnh, chữa bệnh; chi phí bồi dưỡng sức khỏe (được tính 1 ngày lương tối thiểu cho 1 ngày khám, chữa bệnh), chi phí cho người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian khám, chữa bệnh trước khi chết (được tính 1 ngày lương tối thiểu cho 1 ngày chăm sóc), chi phí cho việc mai táng người bị thiệt hại chết.
Đồng thời, dự luật cũng quy định tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng (1 tháng lương tối thiểu cho mỗi tháng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng).
Đáng chú ý, đối với thiệt hại về tinh thần, luật sửa đổi quy định khoản bồi thường thiệt hại về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại chết được xác định là 360 tháng lương cơ sở.
Bên cạnh đó, thiệt hại về tinh thần trong trường hợp sức khoẻ bị xâm phạm được xác định căn cứ vào mức độ sức khoẻ bị tổn hại nhưng không quá 50 tháng lương cơ sở. Mức bồi thường cho thiệt hại về tinh thần trong trường hợp công chức bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật được xác định là 1 ngày lương cơ sở cho 1 ngày bị buộc thôi việc trái pháp luật…
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, cần phải sửa đổi toàn diện luật Bồi thường nhà nước hiện hành. Theo bà Nga, Nhà nước làm oan, làm sai người dân thì phải xin lỗi, bồi thường thiệt hại về vật chất, danh dự nhưng thực tế, một số vụ công khai xin lỗi vừa qua gây dư luận chỉ thực hiện lấy lệ, hình thức, vì người đi tù oan khuất kéo dài cả chục năm mà xin lỗi chỉ có... 2 phút.
Về thủ tục yêu cầu bồi thường, bà Nga đặt câu hỏi luật sửa đổi có khắc phục được tình trạng trình tự, thủ tục và các yêu cầu quá chặt chẽ như hiện nay không. “Gia đình, người thân của người bị oan sai phải đi tù, bị tạm giam, tạm giữ khi đi thăm nuôi làm sao có thể giữ được hoá đơn, chứng từ chứng minh chi phí, thiệt hại đã bỏ ra khi đòi bồi thường”, bà Nga nêu vấn đề.
Chỉ quy định bồi thường 3 lĩnh vực có vi hiến?
Đại diện cơ quan thẩm tra dự luật sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị ban soạn thảo cân nhắc quy định về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Theo ông Định, dự thảo Luật quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với các thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra cho cá nhân, tổ chức trong 3 lĩnh vực: quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án là chưa phù hợp với Hiến pháp và chưa thống nhất với một số luật khác.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, quy định trên mặc dù kế thừa phạm vi của luật hiện hành nhưng chưa thực sự phù hợp Hiến pháp.
Theo bà Ngân, Điều 30, Điều 31 Hiến pháp đã khẳng định quyền được bồi thường là quyền hiến định và không bị giới hạn ở một lĩnh vực, một hành vi, hay một trường hợp nào. “Nếu nói chỉ 3 lĩnh vực như vậy có vi hiến không?”, Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.