Thông quan hàng hóa ở VN: Chỉ cần giảm 1 ngày, một năm tiết kiệm 1,6 tỉ USD

11/10/2014 03:05 GMT+7

Đó là con số tính toán của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư đưa ra trong hội thảo tổ chức hôm qua (10.10) tại Hà Nội.

 

Làm thủ tục xuất nhập khẩu, doanh nghiệp phải mất quá nhiều thủ tục, giấy tờ - Ảnh: Diệp Đức Minh

Theo bà Đặng Thị Bình An, chuyên gia tư vấn Dự án “Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện” (Usaid GIG) của tổ chức USAID (Mỹ), một cuộc khảo sát của tổ chức này về thủ tục xuất nhập khẩu (XNK) trong các tháng 7 - 9.2014 tại nhiều tỉnh thành cho thấy, tuy đã áp dụng thủ tục hải quan điện tử nhưng lượng giấy tờ vẫn nhiều hơn quy định.

“Riêng các loại giấy giới thiệu ủy quyền, cam kết… ngoài quy định đã lên tới 15 - 16 loại chứ không phải chỉ có 5 - 6 loại như Ngân hàng Thế giới đã khảo sát”, bà An nói.

“Có khi phải chở cả ô tô giấy đến hải quan”

 

Ví dụ như Tập đoàn Samsung, có khi họ phải chở cả ô tô giấy đến cơ quan hải quan mà chúng tôi không biết với số lượng lớn thế, hải quan sẽ lưu trữ thế nào

Bà Đặng Thị Bình An chuyên gia tư vấn Dự án “Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện”

Tuy được yêu cầu khai mỗi tờ khai 50 dòng nhưng nếu lượng hàng lớn, doanh nghiệp (DN) vẫn phải khai thêm nhiều, thuê thêm người, tốn kém chi phí không ít. Ngay cả việc xin hoàn thuế, chuyển thuế cho những tờ khai bị hỏng, phải hủy bỏ cũng rất khó khăn.

Cũng theo kết quả khảo sát của USAID, sự phối hợp của hải quan với các cảng vụ, ngân hàng, kho bạc rất kém nên càng làm kéo dài thời gian làm thủ tục. “Thông tin về việc đã nộp thuế của DN về cơ quan hải quan rất chậm nên DN thường phải quay ra ngân hàng xác nhận rồi báo cáo lại, rất phiền toái”, báo cáo kết quả khảo sát nêu.

Nhiều DN cho biết chi phí XNK hiện nay rất lớn. Do báo cáo thuế quá phức tạp, làm quá nhiều tờ khai nên 1 quý cũng tốn đến 60 - 70 triệu đồng cho riêng tiền mực in và giấy, tiền lương chi trả cho việc thuê thêm người báo cáo. “Ví dụ như Tập đoàn Samsung, có khi họ phải chở cả ô tô giấy đến cơ quan hải quan mà chúng tôi không biết với số lượng lớn thế, hải quan sẽ lưu trữ thế nào”, bà Bình An nói.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Quản lý thực phẩm - Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), thừa nhận: “Ngay chỗ chúng tôi, nơi lưu trữ hồ sơ cũng không tốt, dễ rơi vãi. Có khi cơ quan điều tra cần xem hồ sơ nào, đến nơi, có cái mối mọt ăn mất rồi thì phải chịu thôi”.

Đáng chú ý, theo khảo sát của USAID, thực tế có đến 50 - 60% hàng XNK hiện nay thuộc chuyên ngành. Vì thế, thủ tục tăng lên rất nhiều trong khi danh mục hàng XNK chuyên ngành của nhiều bộ lại không rõ ràng, thiếu nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn nên gây khó khăn cho DN khi làm thủ tục.

Doanh nghiệp bị o ép tứ bề

 

Cần chấn chỉnh ngay các thủ tục hải quan

Các chuyên gia USAID khuyến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ nhanh chóng chấn chỉnh thủ tục hải quan. Không được yêu cầu DN xuất trình thêm giấy tờ ngoài quy định; rà soát lại danh mục hàng hóa XNK chuyên ngành để giảm tối thiểu danh mục, ban hành đủ các quy chuẩn để kiểm tra, kiểm soát; yêu cầu các bộ, ngành phối hợp, sử dụng thông tin của nhau khi lấy mẫu, kiểm tra hàng hóa của DN.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, nhận xét: “Tôi cảm nhận DN đang bị ép tứ bề, từ cơ quan nhà nước, hãng tàu, cảng biển… Tất cả cho thấy quản lý nhà nước về XNK là hết sức yếu kém”. Theo ông Cung, mặc dù vừa qua Bộ Tài chính đã có một số cải cách nhưng các giải pháp đó “không bài bản, không hệ thống”. “Nếu chỉ ban hành vài công văn, không quyết liệt kiểm tra toàn diện, xử lý người làm sai thì hôm nay người ta không làm thế nhưng mai họ làm thế, chỗ kia họ lại tiếp tục làm thế”, ông Cung nêu ý kiến.

Đáp lại các thông tin trên, ông Ngô Minh Hải, Phó cục trưởng Cục Giám sát và quản lý hải quan (Tổng cục Hải quan), cho rằng nhiều văn bản, quy định thủ tục do các bộ, ngành khác ban hành mà hải quan chỉ là nơi thay thế thực hiện. “Nếu văn bản rành mạch thì thực hiện rất dễ dàng, nhưng thực tế, mã số hàng hóa trong biểu thuế XNK của Bộ Tài chính ban hành với danh mục quản lý chuyên ngành của bộ này, bộ kia khác nhau nên gây hiểu sai ở hải quan”, ông Hải nói.

Đại diện Công ty CP tiếp vận và ngoại thương Việt đề nghị đơn giản hóa hơn nữa bảng kê hàng hóa vì yêu cầu hiện nay quá chi tiết và không cần thiết. Như ngành hóa chất phải kê 13 loại thủ tục, bao gồm bản giải trình nhu cầu kinh doanh hóa chất, kê khai sơ đồ nhà xưởng, kê khai phương tiện vận chuyển, phiếu an toàn hóa chất… khiến DN mất quá nhiều thời gian, tiền lưu kho bãi vô cùng tốn kém.

Bà Phương Dung, đại diện Hiệp hội Dệt may VN cho rằng, thực tế có rất nhiều vướng mắc ngay từ cơ quan hải quan chứ chưa nói đến bộ, ngành khác. “Chỉ cần các cơ quan hải quan giải quyết tất cả các vướng mắc từ trước đến nay là DN đã sướng lắm rồi chứ chưa cần đưa thêm những kiến nghị mới”, bà Dung nói.

Theo ông Phạm Vinh Quang, chuyên gia của dự án Usaid GIG, thời gian thông quan hàng hóa ở VN chỉ cần giảm 1 ngày thì một năm, cộng đồng DN tiết kiệm được số tiền khoảng 1,6 tỉ USD. Cụ thể đó là tiền chi phí thủ tục, lưu kho bãi, thuê nhân công…

Mạnh Quân

>> Thông quan hàng nhập khẩu mất hơn 115 giờ
>> Thông quan tự động và một cửa tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất
>> TP.HCM chính thức triển khai hệ thống thông quan tự động
>> Thông quan tự động còn ‘vướng’
>> Ngành vận tải biển mất 100 triệu USD/năm do thủ tục thông quan chậm trễ
>> Thời gian thông quan có thể rút ngắn từ 2 ngày xuống còn 8 tiếng
>> Áp dụng thông quan tự động từ 1.4.2014
>> Thông quan hàng hóa chỉ còn vài giây

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.