Thủ đoạn nhận hối lộ tinh vi trong vụ án liên quan xơ sợi Đình Vũ

Thái Sơn
Thái Sơn
15/06/2018 05:20 GMT+7

Để nhận những khoản hối lộ hàng tỉ đồng, các lãnh đạo của Công ty CP hóa dầu và xơ sợi dầu khí, Công ty CP xây lắp dầu khí VN đã nhờ người thân đứng tên và dùng nhiều chiêu 'phù phép' hợp thức hóa tiền bẩn.

Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an vừa kết thúc điều tra vụ án cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và nhận hối lộ, xảy ra tại Công ty cổ phần hóa dầu và xơ sợi dầu khí (PVTEX), Công ty cổ phần đầu tư và xây lắp dầu khí Kinh Bắc (PVCKGB), Công ty cổ phần PVTEX Kinh Bắc và một số đơn vị liên quan.
Liên minh ma quỷ


Trong vụ án nêu trên, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã chuyển hồ sơ sang Viện KSND tối cao đề nghị truy tố Trần Trung Chí Hiếu về tội cố ý làm trái và nhận hối lộ; Đỗ Văn Hồng, Đào Ngọ Hoàng, nguyên Trưởng phòng Thương mại hợp đồng PVTEX và Vũ Phương Nam, nguyên Kế toán trưởng PVTEX, về tội cố ý làm trái. Riêng Vũ Đình Duy đang bỏ trốn, Cơ quan ANĐT đã tạm đình chỉ điều tra, tách vụ án khi nào bắt được xử lý sau.

Năm 2007, Tập đoàn dầu khí VN (PVN) ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn dệt may (Vinatex) thực hiện dự án xơ sợi Đình Vũ có địa chỉ tại khu kinh tế Đình Vũ, Hải Phòng với tổng mức đầu tư ban đầu dự kiến 324,8 triệu USD, tương đương 5.400 tỉ đồng. Một pháp nhân được hai bên lập ra để quản lý dự án là PVTEX, đồng thời làm chủ đầu tư, do Trần Trung Chí Hiếu làm chủ tịch HĐQT, Vũ Đình Duy làm tổng giám đốc. Dự án này sau đó đã được ông Đinh La Thăng, Chủ tịch HĐTV PVN, đồng ý chỉ định cho Công ty cổ phần xây lắp dầu khí VN (PVC), do Trịnh Xuân Thanh làm chủ tịch HĐQT, làm tổng thầu. Từ chủ trương này, PVC đã huy động nhiều đơn vị thành viên, gồm cả PVCKGB do Đỗ Văn Hồng làm chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc, ôm các gói thầu liên quan dự án.
Song song với dự án xơ sợi Đình Vũ, từ năm 2010, PVTEX đã triển khai nhiều công trình, dự án phụ trợ khác, trong đó có dự án nhà ở cho cán bộ công nhân viên tại lô đất thuộc P.Đông Hải 2, Q.Hải An, Hải Phòng. Vào thời điểm này, dù đang thực hiện các gói thầu của dự án xơ sợi Đình Vũ và không đủ năng lực, kinh nghiệm làm dự án nhà ở cho cán bộ công nhân viên PVTEX, nhưng do có sẵn mối quan hệ nên PVCKGB đã dễ dàng giành được hợp đồng béo bở có tổng mức đầu tư 318 tỉ đồng, thông qua chiêu bài liên doanh với một số doanh nghiệp khác.
Cũng từ năm 2010, nhận thức được những mối lợi lớn từ dự án xơ sợi Đình Vũ, Đỗ Văn Hồng đã đề nghị Vũ Đình Duy, Trần Trung Chí Hiếu cho gia đình Hồng, PVCKGB được liên kết với PVTEX để thành lập PVTEX Kinh Bắc, do Hồng làm Chủ tịch HĐQT. Sau đó, Hiếu và Duy chỉ đạo PVTEX ưu tiên mua, bán sản phẩm với PVTEX Kinh Bắc (là các sản phẩm ống giấy, thùng carton...) nhằm mang lại lợi ích cho Hồng. Đổi lại, Duy yêu cầu Hồng phải “lại quả” Hiếu và Duy mỗi người 10% cổ phần tại PVTEX Kinh Bắc.
Để che giấu hành vi, Hiếu đưa em vợ là Trần Cường và Duy đưa em dâu là Đỗ Thị Thùy Linh vào danh sách tham gia thành lập PVTEX Kinh Bắc dưới tư cách cổ đông góp vốn, không phải là cổ đông sáng lập, để tiện cho việc chuyển nhượng sau này. Từ tháng 8.2010, PVTEX Kinh Bắc hoàn tất thủ tục thành lập doanh nghiệp với vốn điều lệ 30 tỉ đồng. Trong đó, Đỗ Văn Hồng góp vốn 70%, PVTEX góp 10%, Trần Cường và Đỗ Thị Thùy Linh mỗi người góp 10%, nhưng thực chất số tiền Cường và Linh góp vốn do vợ của Hồng là Nguyễn Thị Toan trực tiếp mang 6 tỉ đồng nộp vào tài khoản PVTEX Kinh Bắc.
Đến năm 2011, Hiếu và Duy chuyển nhượng các cổ phần do Cường và Linh đứng tên để lấy tiền mặt chia nhau. Việc lấy tiền này được Duy và Hiếu thực hiện thông qua quyền lực của mình tại PVTEX, theo phương cách tăng vốn của PVTEX tại PVTEX Kinh Bắc từ 10% lên 51%, trong đó có việc mua lại phần vốn góp đứng tên Cường và Linh.
Khi PVTEX Kinh Bắc đi vào hoạt động và Nhà máy xơ sợi Đình Vũ vào giai đoạn chạy thử, Hiếu và Duy đã đồng ý để PVTEX ký 5 hợp đồng mua sản phẩm do PVTEX Kinh Bắc sản xuất có tổng trị giá gần 10 tỉ đồng, đồng thời ký hợp đồng bán các sản phẩm chạy thử với tổng trị giá hơn 94 tỉ đồng cho PVTEX Kinh Bắc.
Đỗ Văn Hồng còn khai đã chi cho Duy khoản tiền hơn 8,8 tỉ đồng để sửa nhà, góp cổ phần vào một số nơi nhưng do Duy đang bỏ trốn nên các nội dung này chưa được làm rõ.
Trịnh Xuân Thanh và lô đất triệu đô trên Tam Đảo
Quá trình điều tra vụ án, Cơ quan ANĐT còn làm rõ thời điểm PVC làm tổng thầu dự án xơ sợi Đình Vũ đã ưu ái cho PVCKGB thực hiện một số hạng mục; qua đó PVC đã cho PVCKGB tạm ứng 25 tỉ đồng trái quy định. Sau khi nhận tiền tạm ứng, Đỗ Văn Hồng đã không sử dụng đúng mục đích mà mua một lô đất 3.400 m2 trị giá 23,8 tỉ đồng tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đứng tên sở hữu của PVCKGB. Lô đất này sau đó được Hồng chuyển nhượng lại cho Công ty Mai Phương, thuộc sở hữu của gia đình Trịnh Xuân Thanh, với giá 23,8 tỉ đồng, nhưng trên thực tế Công ty Mai Phương mới trả cho PVCKGB 20,8 tỉ đồng.
Để hợp thức khoản tiền tạm ứng sai quy định nêu trên, Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Văn Hồng bàn bạc với nhau làm thủ tục “biến” 21/25 tỉ đồng tạm ứng thành PVC góp vốn vào PVCKGB, dẫn đến PVC không còn khả năng thu hồi số tiền này. Cơ quan ANĐT xác định trong “phi vụ” này, Trịnh Xuân Thanh đã phạm tội lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ, nhưng do thời hạn điều tra đã hết nên không kết luận cùng vụ án này.
Đối với dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, trên cơ sở tài liệu Thanh tra Chính phủ chuyển đến, Cơ quan ANĐT xác định có dấu hiệu nhiều sai phạm trong lập, thẩm định, phê duyệt dự án, chỉ định thầu. Nhưng do cần có thời gian để giám định xác định thiệt hại mà thời gian điều tra đã hết, nên Cơ quan ANĐT chưa kết luận các nội dung liên quan đến dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.