Thủ tướng: ‘Kết quả nổi bật là tăng trưởng GDP’

Chí Hiếu
Chí Hiếu
22/10/2018 10:38 GMT+7

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 trước Quốc hội sáng nay, 22.10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh kết quả nổi bật trong điều hành kinh tế là tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,98%

Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày báo cáo kinh tế xã hội năm 2018 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.
Về kinh tế, Thủ tướng cho biết Chính phủ kiên định mục tiêu đề ra từ đầu nhiệm kỳ là ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
“Kết quả nổi bật là tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,98%, ước cả năm vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (6,7%); bình quân 3 năm 2016 - 2018 tăng 6,57% (chỉ tiêu kế hoạch 5 năm là 6,5 - 7%)”, Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cho hay chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân ước cả năm dưới 4%, là năm thứ 3 liên tiếp kiểm soát dưới 4%. Tỷ giá, thị trường ngoại tệ được kiểm soát tốt; dự trữ ngoại hối nhà nước đạt kỷ lục trên 60 tỉ USD. Thị trường chứng khoán tiếp tục phát triển, trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế; Việt Nam được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng khi tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 9 tháng đạt trên 352 tỉ USD, cả năm ước đạt 475 tỉ USD, tăng 11,7%; trong đó xuất khẩu 238 tỉ USD, tăng 11,2% (mục tiêu 7 - 8%); tiếp tục xuất siêu, 9 tháng đạt gần 5,4 tỷ USD. Cơ cấu chuyển dịch tích cực theo hướng giảm xuất khẩu thô, tăng tỷ trọng hàng chế biến, nông sản và tăng nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Xuất khẩu của khu vực trong nước 9 tháng tăng 17,5%, cao hơn khu vực FDI (14,6%).
Một điểm sáng khác được người đứng đầu Chính phủ nhắc tới là thu ngân sách nhà nước ước cả năm vượt 3% dự toán với cơ cấu thu bền vững hơn; tỷ trọng thu từ xuất nhập khẩu, dầu thô giảm; thu nội địa tăng, chiếm gần 82% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước.
Cùng với đó, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Thủ tướng cho biết, thực hiện chủ trương cắt giảm tối thiểu 50% thủ tục hành chính, trong đó đã cắt giảm, đơn giản hóa 61% điều kiện kinh doanh và 60% thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu. Rà soát, giảm chi phí kinh doanh, nhất là chi phí vốn, phí BOT, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính gắn với triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; Việt Nam được đánh giá thuộc nhóm 10 quốc gia cam kết mạnh mẽ nhất về cải cách chính sách thuế. Nhờ những nỗ lực này mà cả năm có khoảng 130.000 doanh nghiệp đăng ký mới. Số lượng hợp tác xã thành lập mới tăng nhanh; doanh thu và thu nhập của người lao động được cải thiện, góp phần giảm nghèo, giữ ổn định xã hội.
Đáng nói nữa là, theo Thủ tướng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; tỷ trọng khu vực nông nghiệp giảm mạnh từ 17,4% năm 2015 xuống 14,8% năm 2018; tỷ trọng các khu vực công nghiệp, dịch vụ tăng từ 82,6% lên 85,2%, vượt mục tiêu đề ra vào năm 2020 là 85%.
Nỗ lực khắc phục giảm thứ hạng môi trường cạnh tranh
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh kết quả đạt được, tình hình kinh tế nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn. Sức ép lạm phát còn lớn do tác động của nhiều yếu tố, nhất là biến động tỷ giá, lãi suất, xu hướng tăng giá dầu thô trên thị trường quốc tế và yêu cầu thực hiện lộ trình giá thị trường đối với điện, dịch vụ giáo dục, y tế...
Tính tự chủ của nền kinh tế từng bước được nâng lên nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; khả năng chống chịu trước những biến động bên ngoài còn hạn chế. Sản xuất kinh doanh nhiều lĩnh vực còn khó khăn. Sự gắn kết với khu vực FDI và năng lực, hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế.
Một số công trình, dự án chậm tiến độ, chất lượng kém. Còn những bất cập trong cơ chế, chính sách; điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
“Tuy nhiều tổ chức quốc tế nâng hạng của nước ta trên nhiều lĩnh vực, nhất là môi trường kinh doanh, nhưng Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2018 của Việt Nam giảm 3 bậc so với năm 2017 (77/140 so với 74/135 quốc gia, vùng lãnh thổ). Mặc dù sự tụt hạng có phần do thay đổi cơ bản trong phương pháp đánh giá, nhưng qua đó cũng thể hiện năng lực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, kỹ năng… còn thấp và chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa để khắc phục”, Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.