Thực trạng, thách thức và cơ hội mới cho người lao động Việt Nam tại Nhật Bản

13/07/2019 15:16 GMT+7

Ngày 4.7 vừa qua, đoàn đại biểu tỉnh Oita - Nhật Bản đã có buổi hội đàm cùng Công ty U International Human (U.I.H) và UBND tỉnh Cà Mau.

Từ đó mở ra cơ hội hợp tác đào tạo và đưa lao động từ Cà Mau sang tỉnh Oita làm việc.
Chúng tôi có buổi trao đổi ngắn cùng ông Fujii Masanao - Trưởng ban Quan hệ Hợp tác Quốc tế và bà Kuroda Mitsuyo - Trưởng ban Phúc lợi xã hội người cao tuổi tỉnh Oita và lãnh đạo Công ty U.I.H xoay quanh vấn đề này.
- Thưa bà Lê Thị Ngọc Tuyền - GĐ. U.I.H, được biết bà đã từng học tập và làm việc tại Nhật hơn 15 năm, bà cho biết về thực trạng của người lao động (LĐ) Việt Nam ở Nhật Bản (NB) hiện nay?
Bà Tuyền: Theo thống kê của Bộ An sinh lao động NB, tính đến tháng 1.2019, có 316.840 người VN đang sinh sống và làm việc tại NB, trong đó người tham gia xuất khẩu lao động chiếm 45%, khoảng 142.883 người. Tuy nhiên thực trạng báo động là tỷ lệ bỏ trốn và phạm pháp của người Việt đang đứng đầu, hơn 7.000 người đang bỏ trốn.
- Vì sao có tình trạng người LĐ bỏ trốn?
Ông Fujii Masanao - tỉnh Oita: Vấn nạn LĐ bỏ trốn cũng đang là đề tài nổi bật hiện nay. Qua kết quả của nhiều cuộc khảo sát, có hai nguyên nhân chính.
Về phía VN, người LĐ thông qua công ty xuất khẩu lao động (XKLĐ) với nhiều kênh môi giới nên mất chi phí khá lớn. Để thu chi phí cao, họ hứa hẹn nhiều điều không đúng sự thật về lương bổng. Do vậy khi đến Nhật, thu nhập không đủ chi trả khoản nợ vay mượn, nhiều người bỏ trốn ra ngoài làm.
Về phía Nhật, các nghiệp đoàn quản lý chưa tốt, không bảo vệ quyền lợi xứng đáng cho người LĐ.
- Người LĐ bỏ trốn phải đối mặt với những rủi ro gì?
Ông Fujii: LĐ nước ngoài khi sang Nhật, tùy loại hình visa mà họ được làm việc trong đúng lĩnh vực, ngành nghề và thời hạn. Bỏ trốn tức đã phạm luật, bị coi là LĐ bất hợp pháp. Những LĐ này khó được đảm bảo về an toàn, sức khoẻ, lương bổng cũng như các chế độ phúc lợi khác. Khi bị phát hiện sẽ cưỡng chế về nước và xử phạt theo quy định của pháp luật.
- Xin hỏi bà Tuyền, bà suy nghĩ như thế nào về việc cải thiện tình trạng bất cập hiện nay?
Bà Tuyền: Chúng tôi đã và đang cố gắng kết nối trực tiếp với người LĐ và chính quyền, trường học để đào tạo trực tiếp tại địa phương nhằm cắt giảm chi phí. Bên cạnh đó, theo quy định có 120 giờ học ngoại ngữ trước khi xuất cảnh, tuy nhiên U.I.H đào tạo người LĐ 360 giờ tiếng Nhật (đội ngũ giáo viên có đủ phẩm chất và trình độ chuyên môn) nhằm giúp người LĐ có nền tảng ngoại ngữ tốt, dễ dàng hoà nhập với cuộc sống và công việc tại Nhật.
Về phía NB, U.I.H trực tiếp tìm kiếm các đối tác là tập đoàn lớn, họ thành lập nghiệp đoàn để quản lý riêng nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người LĐ.
- Xin ông Fujii cho biết mục đích chuyến làm việc của tỉnh Oita với UBND tỉnh Cà Mau?
Ông Fujii: Hiện tại các doanh nghiệp đang bị thiếu nhân sự trầm trọng, tỉnh đang nỗ lực cải thiện tình hình này. Tại Oita, có 6.254 LĐ người nước ngoài, trong đó LĐ VN chiếm 1.780 người, cao thứ 2 tại tỉnh. LĐ VN được đánh giá là chăm chỉ, cần cù, tác phong tốt.
Trong chuyến làm việc với UBND tỉnh Cà Mau, đoàn chúng tôi được lãnh đạo Tỉnh hoan nghênh, ủng hộ nhiệt tình. Hai bên đã thảo luận về việc đào tạo và đưa người LĐ Cà Mau sang Oita làm việc và tiến tới sẽ đưa vào các chương trình hợp tác lâu dài.
- Xin hỏi bà Kuroda Mitsuyo, tỉnh chú trọng đào tạo nguồn nhân sự trong lĩnh vực nào? Các kỹ năng mà người LĐ cần có để làm việc tại Oita?
Bà Kuroda: Nguồn LĐ của Oita thiếu tầm trọng và chúng tôi “khát” nhất là lĩnh vực chăm sóc viên lão khoa. Ngành này yêu cầu người LĐ có thể giao tiếp bằng tiếng Nhật, có kỹ năng chăm sóc, biết quan tâm và chia sẻ. Hiện ngành chăm sóc người cao tuổi ở VN chưa được đào tạo phổ biến, nên phòng phúc lợi của tỉnh Oita đang kết hợp cùng U.I.H đưa ra chương trình đào tạo hoàn chỉnh tại VN trong vòng 10 – 16 tháng để người LĐ sang Nhật có thể làm việc được ngay.
- Vậy LĐ VN khi làm việc theo chương trình của tỉnh Oita sẽ nhận được những hỗ trợ đặc biệt nào, thưa bà?
Bà Kuroda: Theo hiệp định về visa kỹ năng đặc định do hai chính phủ ký ngày 1.7: mức lương người LĐVN sẽ ngang với người Nhật trong cùng lĩnh vực. Ngoài ra, Oita đang lập ngân sách hỗ trợ đào tạo người LĐ trong ngành chăm sóc lão khoa.
Hơn nữa, tỉnh Oita rất chú trọng chất lượng sống của LĐ nước ngoài. Chúng tôi mới thành lập một trung tâm hỗ trợ thông tin cho người nước ngoài, với nhiều ngôn ngữ khác nhau trong đó có tiếng Việt.
- Mối quan hệ của Oita với U.I.H như thế nào? Công ty sẽ đóng vai trò gì trong việc hợp tác giữa hai tỉnh Cà Mau và Oita?
Ông Fujii: Chúng tôi có mối quan hệ đặc biệt với giám đốc U.I.H - bà Tuyền từng tốt nghiệp ĐH. Ritsumeikan Asia Pacific Univesity (APU), thuộc tỉnh Oita, hiện là đại sứ của tỉnh. Ngoài ra, U.I.H có kinh nghiệm trong việc đào tạo chăm sóc viên lão khoa. Chúng tôi mong muốn hợp tác cùng U.I.H xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân sự giỏi chuyên môn và ngôn ngữ tốt cho tỉnh; đồng thời thực hiện chủ trương mới của hai quốc gia, đưa người LĐ đến trực tiếp với DN tiếp nhận, loại bỏ môi giới trung gian.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.