Theo PGS Nguyễn Thị Bích Loan, Phó hiệu trưởng Trường đại học Thương mại, ngoài đào tạo và cung cấp tri thức, kiến thức chuyên môn cho sinh viên, nhiệm vụ trọng tâm của trường đại học, là nghiên cứu khoa học. Trong chiến lược phát triển nghiên cứu của mình, Trường đại học Thương mại ưu tiên quan tâm giải quyết các vấn đề xuất phát từ thực tiễn, trên cơ sở lý luận, nền tảng lý thuyết khoa học. |
Thương mại Việt Nam có cơ hội giảm bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc
12/07/2019 18:13 GMT+7
Theo báo cáo thường niên kinh tế, thương mại Việt Nam 2019 do Trường đại học Thương mại vừa công bố, Việt Nam đang có cơ hội gia tăng quá trình chuyển dịch cơ cấu thị trường, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Hôm nay, 12.7, tại Hà Nội, Trường đại học Thương mại đã tổ chức hội thảo công bố báo cáo thường niên kinh tế và xã hội Việt Nam 2019, với chủ đề “Bảo hộ thương mại và tác động đến xuất khẩu hàng hóa Việt Nam”.
Đây là một sản phẩm khoa học nằm trong chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm giai đoạn 2018 - 2025 của nhà trường, thể hiện khách quan và độc lập đối với các vấn đề kinh tế thương mại trong nước và quốc tế.
PGS Hà Văn Sự, Trưởng khoa Kinh tế - luật, Trường đại học Thương mại, đại diện cho nhóm nghiên cứu của trường, trình bày báo cáo, trong đó đáng chú ý là tập trung phân tích sâu chủ đề chiến tranh thương mại Mỹ Trung và tác động của bảo hộ thương mại đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa Việt Nam.
Theo PGS Sự, trong năm 2018, tình hình bảo hộ thương mại bằng thuế quan trên thế giới có nhiều biến động lớn, thể hiện rõ nét nhất là chiến tranh thương mại Mỹ và Trung Quốc. Diễn biến của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng phức tạp, có ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế thế giới và thương mại quốc tế của Việt Nam.
Tuy nhiên, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng mang đến cho thương mại Việt Nam nhiều cơ hội. Chẳng hạn như có thể giúp Việt Nam gia tăng quá trình chuyển dịch cơ cấu thị trường, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc khi mà chi phí nhân công và các ưu đãi về thuế dang mất dần.
Để xuất khẩu, Việt Nam phải nhập khẩu khá nhiều nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất và gia công hàng xuất khẩu. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ tạo ra lỗ hổng thị trường của cả 2 nước, khiến Việt Nam có cơ hội mua được nguyên liệu, vật liệu, linh kiện, phụ tùng với giá rẻ.
PGS Sự cũng nêu lên một số thách thức đối với thương mại Việt Nam trong bối cảnh đã nói. PGS Sự cho cho rằng, trong ngắn hạn, thương mại của Việt Nam có thể chưa bị ảnh hưởng nhiều, nhưng khi Mỹ gia tăng áp đặt các biện pháp hạn chế với hàng Trung Quốc sẽ khiến một số hàng hóa cùng chủng loại của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Về lâu dài, tác động lan tỏa có thể sẽ lớn, khó định lượng. Vì thế nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ và Trung Quốc sẽ chịu tác động tiêu cực.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã tác động đến Việt Nam từ năm 2018 và sẽ lên đến đỉnh điểm vào năm 2020 - 2021. Việt Nam sẽ phải chịu sức ép ngày càng lớn để ổn định kinh tế vĩ mô, giữ tỉ giá và kiểm soát lạm phát, khu vực FDI cũng giảm dần.
PGS Sự nói: “Việt Nam cũng sẽ tiếp tục gặp sức ép từ việc tăng giá của đồng USD (xuất phát từ tăng trưởng kinh tế Mỹ và nâng lãi suất của FED). Khi hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ bị áp thuế, để giảm phụ thuộc, duy trì năng suất, Trung Quốc có thể có những chính sách phá giá, đẩy hàng hóa sang các nước xung quanh, trong đó có Việt Nam. Cuối cùng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp diễn còn gây tác động mạnh tới tỉ giá giữa đồng CNY (nhân dân tệ) và đồng USD”.
Bình luận (0)