Đến sáng 6.11, tại Bệnh viên Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa (TP.Quy Nhơn, Bình Định) vẫn còn 14 thuyền viên trên các tàu hàng bị chìm ở vùng biển đang được điều trị. Hầu hết các thuyền viên này đều thuốc tàu Nam Khánh 26.
Theo bác sĩ Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa, sau bão số 12, bệnh viện này đã tiếp nhận, điều trị 41 thuyền viên, trong đó có 15 người nước ngoài (chủ yếu quốc tịch Trung Quốc và Myanmar trên tàu Fei Yue 9), 23 thủy thủ tàu hàng và 3 ngư dân.
“Đa số các thuyền viên nhập viện đều trong tình trạng bị lạnh do ngâm nước biển lâu, mất sức, một số người bị xây xát phần mềm, có trường hợp gãy chân, phổi nhiễm nước...”, bác sĩ Vũ Tuấn Anh cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Tài (45 tuổi, quê Thanh Hóa), thuyền trưởng tàu Nam Khánh 26, tàu này chở hàng từ TP.Hải Phòng đi TP.Cần Thơ thì nghe tin bão số 12. Sáng 3.11, tàu vào trú bão tại khu vực phao số 0 cảng Quy Nhơn, trên tàu có 11 người.
Thuyền trưởng Nguyễn Văn Tài kể chuyện thoát chết trong bão số 12 ẢNH: HOÀNG TRỌNG
|
Khoảng 4 giờ ngày 4.11, khi bão ập đến thì máy chính bị sự cố không khắc phục được, tàu Nam Khánh 26 tự trôi. Đến 7 giờ cùng ngày, tàu bắt đầu chìm dần. Ông Tài ra lệnh các thuyền viên xuống 2 phao cứu sinh để vào bờ.
Do sóng quá lớn, chỉ 15 phút sau, cả 2 phao cứu sinh đều bị lật, các thuyền viên bị sóng đẩy dần vào bờ. Các thuyền viên không dám bơi, vì khoảng cách so với bờ quá xa nên sẽ bị đuối sức. Tuy nhiên, khi vào gần bờ thì các thuyền viên phát hiện mình bị sóng đẩy dạt vào gành đá, khó mà sống được nếu bị sóng đập vào đá. Ông Tài nói các thuyền viên bơi ngược về phía bãi tắm.
“Cột sóng cao đến 7 - 8 m cứ xoáy tròn, ập vào chúng tôi. Càng vào bờ thì sóng càng lớn, chúng tôi thì bị dòng nước đẩy xô vào gành đá. Chúng tôi nghĩ mình đã chết rồi. Mười mấy năm trời làm thuyền trưởng, tôi chưa bao giờ gặp tình huống nguy hiểm như thế. Lúc đó, cứ nghĩ con người sống chết do số thôi nhưng chúng tôi vẫn cố gắng động viên nhau phải sống để còn về với vợ con. Rất may là 11 người trên tàu đều được cứu sống”, ông Tài nói.
Trong số 11 người trên tàu Nam Khánh 26, có 10 thuyền viên và 1 hành khách là ông Bùi Quang Tú. Khi phao cứu sinh bị lật, ông Tú bị phao đánh trúng vào người rất mạnh. Ông Tú chỉ biết đưa 2 tay lên ôm đầu để tránh va chạm và gần như buông xuôi cho số phận.
Gần đến bờ, một đợt sóng hất văng ông Tú lên cao hơn 10 m, đẩy ông Tú vào bờ. Lúc đó, ông Tú nhanh trí ôm cục được cục đá để không bị sóng kéo ra trở lại. Sau đó, ông Tú chạy vội lên bờ nên thoát được các đợt sóng tiếp theo.
Ông Tú mệt quá nằm nghỉ trên bờ và sau đó đi gần 2 km mới gặp được các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đưa về bệnh viện. Lúc này, đã hơn 12 giờ ngày 4.11, trong khi các thuyền viên khác đã vào viện từ lúc 11 giờ.
Các thuyền viên tàu Nam Khánh 26 điều trị tại bệnh viện ẢNH: HOÀNG TRỌNG
|
Ngoài Bệnh viên Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa, Bệnh viện đa khoa Bình Định cũng tiếp nhận, cứu chữa cho 8 thuyền viên, Bệnh viện Quân y 13 cứu chữa 4 thuyền viên trên các tàu bị nạn tại vùng biển Quy Nhơn. Hiện sức khỏe của hầu hết thuyền viên đều ổn định, một số người đã xuất viện.
Theo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định, đến chiều 5.11, đã xác định được 9 tàu bị nạn tại vùng biển Quy Nhơn có 99 thuyền viên, còn 1 tàu chưa xác định số thuyền viên. Hiện các lực lượng đã cứu vớt được 80 thuyền viên và 3 người chết.
Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã huy động 15 tàu tham gia tìm kiếm các thuyền viên mất tích do tàu bị chìm trên khu vực vùng biển Quy Nhơn.
Bình luận (0)