Sáng 8.5, tại TP.Mỹ Tho, UBND tỉnh Tiền Giang và Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cùng Liên doanh các Nhà đầu tư đã ký phụ lục hợp đồng của Hợp đồng Đầu tư xây dựng Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 theo hình thức hợp đồng BOT.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết thực hiện theo chỉ đạo tại Thông báo số 99/TB-VPCP ngày 18.3.2019 của Chính phủ, ngày 22.3, UBND tỉnh Tiền Giang bắt đầu tiếp nhận bàn giao vai trò cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận từ Bộ GTVT, đồng thời là cơ quan có thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu tính khả thi của Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Ngày 12.4, tỉnh bắt đầu nhận bàn giao hiện trường thi công dự án cùng các hồ sơ có liên quan nhưng Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận chưa bổ sung phần hồ sơ kiểm tra và bản vẽ thi công nên tỉnh chưa nhận bàn giao, chưa thể ký phụ lục hợp đồng.
|
Theo ông Tuấn, 2 vấn đề khó khăn đối với UBND tỉnh Tiền Giang vẫn là bài toán về kỹ thuật thi công dự án và nguồn tài chính. Bởi nếu thực hiện theo quy trình về kỹ thuật của dự án trước đó thì không đảm bảo tiến độ đến cuối năm 2020 phải thông tuyến. Vì vậy hiện nay tỉnh đang phối hợp với nhà đầu tư nghiên cứu đưa ra phương án thi công khả thi để trình Bộ GTVT phê duyệt việc thay đổi.
Về khó khăn tài chính, hiện Quốc hội thông qua được 500 tỉ đồng trong tổng số hơn 2.158 tỉ đồng vốn dự phòng giai đoạn 2016 - 2020 từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ dự án này. Nhưng hiện Chính phủ vẫn chưa phân bổ kịp thời nguồn vốn này nên UBND tỉnh Tiền Giang đã chuẩn bị sẵn sàng ứng vốn từ ngân sách địa phương để đảm bảo việc giải phóng mặt bằng, bàn giao kịp thời cho doanh nghiệp thực hiện dự án. Dự kiến tỉnh Tiền Giang sẽ ứng khoảng 260 tỉ đồng cho khoản này.
|
|
Ông Mai Mạnh Hồng, Tổng giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, cho biết việc chính thức nhận trách nhiệm với nhà đầu tư của UBND tỉnh Tiền Giang sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tháo gỡ các “nút thắt" đã đình trệ, gây chậm tiến độ 10 năm qua đối với dự án này.
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng vốn được phê duyệt đầu tư 9.668 tỉ đồng, có chiều dài 51,1 km; điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương) với điểm cuối giao với QL30 tại nút giao An Thái Trung (H.Cái Bè, Tiền Giang).
Dự án được tái khởi động từ ngày 7.2.2015, do liên danh các nhà đầu tư Tuấn Lộc - Yên Khánh - BMT - Thắng Lợi - Hoàng An - Công ty CP đầu tư cầu đường CII; đại diện cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền là Bộ GTVT.
Cuối năm 2018, Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh, thành viên chiếm 30% cổ phần trong liên doanh nhà thầu thi công Dự án Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, có liên quan đến các vụ án hình sự và vẫn đang bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an, Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng điều tra làm rõ khiến các ngân hàng dừng giải ngân cho dự án.
Thêm nữa, các điều kiện giải ngân vốn tín dụng trước đó bất hợp lý; các cơ sở đầu vào của phương án tài chính không đảm bảo, lãi suất vay vốn tín dụng thấp, tổng mức đầu tư thiếu tính khả thi... đã khiến dự án lâm vào bế tắc.
Tổng vốn đã đầu tư vào dự án khoảng 2.000 tỉ đồng, tổng khối lượng thi công đạt 15%.
|
Bình luận (0)