Tiết kiệm hơn 4.200 tỉ đồng/năm với cổng dịch vụ công quốc gia

Chí Hiếu
Chí Hiếu
07/12/2019 10:43 GMT+7

Với việc khai trương cổng dịch vụ công quốc gia ngày 9.12, nếu chỉ tính riêng số hồ sơ , thủ tục như trong năm 2019 của 8 nhóm thủ tục được đưa lên cổng, sẽ giúp tiết kiệm 4.200 tỉ đồng trong năm 2020.

Tính toán của Văn phòng Chính phủ cho hay, chỉ với 8 nhóm thủ tục được đưa lên cổng dịch vụ công quốc gia từ ngày 9.12, thì năm 2020 sẽ tiết kiệm khoảng 4.200 tỉ đồng, nếu số hồ sơ, thủ tục (của 8 nhóm này) thực hiện trong năm 2020 tương đương với năm 2019.
Sáng nay, 7.12, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo công bố kế hoạch đưa vào vận hành chính thức cổng thông tin dịch vụ công quốc gia.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho hay chiều 9.12, Thủ tướng sẽ ấn nút khai trương cổng dịch vụ công quốc gia, cho phép người dân, doanh nghiệp (DN) thực hiện 8 nhóm thủ tục sau: đổi giấy phép lái xe (mức độ 3); cấp giấy phép lái xe quốc tế; đăng ký khuyến mãi; cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; nộp thuế điện tử với DN; cấp mới điện hạ áp và trung áp; thanh toán tiền điện.
Tiếp đó, trong quý 1/2020 sẽ có 15 nhóm thủ tục khác được cập nhật lên cổng. 
Lý giải về việc chọn 8 nhóm thủ tục nêu trên, ông Dũng cho rằng, đó là những thủ tục thiết yếu, nhiều người dùng. "Đây là khởi đầu, chúng ta không nên quá tham vọng, làm đến đâu chắc đến đó và vừa làm vừa bổ sung, nâng cấp, hoàn thiện, đi từ cái dễ đến khó", ông Dũng nói.

Chia sẻ thêm về tiện tích của cổng dịch vụ công quốc gia, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), cho hay cổng sẽ tích hợp các dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương.

Do đó, người dân chỉ cần đăng nhập 1 lần (bằng mã số bảo hiểm xã hội hoặc số chứng minh nhân dân/căn cước công dân) thì thông tin đó sẽ được sử dụng để đăng nhập cổng dịch vụ công bộ, ngành, địa phương và dùng trong các lần sau.

Bên cạnh làm thủ tục, cổng dịch vụ công sẽ giúp người dân, doanh nghiệp theo dõi chi tiết toàn bộ quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Cùng với đó, việc tiếp nhận, phản ánh kiến nghị về giải quyết thủ tục hành chính cũng được tích hợp trên cổng dịch vụ công.
Đây cũng sẽ là công cụ để đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong giải quyết dịch vụ công.

Đảm bảo an toàn, an ninh

Nói về mức độ an toàn thông tin, ông Phan cho biết, Văn phòng Chính phủ cùng các bộ Quốc phòng, Công an, Thông tin - Truyền thông và Ban Cơ yếu Chính phủ... đã đánh giá và khẳng định hệ thống đảm bảo an toàn, an ninh.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Huỳnh Quang Liêm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT) - đơn vị được Văn phòng Chính phủ giao xây dựng hệ thống cổng dịch vụ công quốc gia - cho biết: hệ thống hạ tầng cổng dịch vụ công quốc gia được kết nối 63/63 tỉnh, thành trên toàn quốc và kết nối với quốc tế với tổng dung lượng chiếm 70% băng thông quốc tế tại Việt Nam.

Theo ông Liêm, là đơn vị phát triển và vận hành hệ thống, VNPT phải bố trí hệ thống hiện đại, thực hiện giám sát 24/7, cùng với các chuyên gia về an toàn thông tin ứng trực trong việc giám sát để đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống.

"Chúng tôi đã có kinh nghiệm quản lý thông tin của 30 triệu khách hàng. Hơn nữa, sau khi vận hành cũng có sự phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin - Truyền thông… để đảm bảo an ninh an toàn theo đúng các quy định của Chính phủ", ông Liêm nói thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.