Dự thảo lần thứ 2 về tiêu chí quốc gia về đô thị văn minh do Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch (VH-TT-DL) đưa ra xin ý kiến tại hội nghị gồm 10 nhóm, 59 tiêu chí cụ trên các lĩnh vực: quy hoạch kiến trúc, giao thông đô thị, nước sạch vệ sinh môi trường, nhà ở và công trình công cộng, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, y tế - giáo dục, sự hài lòng của người dân...
Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng, quy định đưa ra thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng lại khá mơ hồ, chưa rõ, thậm chí chưa phù hợp với thực tế tại Việt Nam hiện nay.
Dẫn tiêu chí 10% người dân phải mai táng bằng hình thức hỏa táng, hay quy định tỉ lệ sàn nhà bình quân trên 29 m2 sàn/người, ông Trần Ngọc Tăng, Ủy viên Hội đồng tư vấn Văn hóa - xã hội của Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nêu vấn đề: Căn cứ nào để đưa ra các tiêu chí loại này?
Theo ông Tăng, cần phải xác định rõ tiêu chí ở đây là tiêu chí mang tính nguyên tắc, hay tiêu chí nội dung. “Quy định như dự thảo nhiều cái chi tiết nhưng theo tôi là không khả thi, không phù hợp”, ông Tăng nói.
Trong khi đó, GS-TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, thì cho rằng, tiêu chí tỉ lệ bình quân nhà ở 29 m2 mỗi người là quy định duy ý chí. “Làm gì có 29 m2 sàn một người. Hà Nội là đô thị loại 1 nhưng cũng chưa đạt được tỉ lệ này. Bản thân tôi cũng chưa được 10 m2”, ông Đường nói.
Tiêu chí vào thực tiễn thế nào mới quan trọng
Các ý kiến phản biện tại hội nghị cũng cho rằng, tiêu chí đô thị văn minh là vấn đề phức tạp, đòi hỏi sự tham gia của nhiều bộ, ngành lĩnh vực khác nhau. Do đó, việc Bộ VH-TT-DL biên soạn dự thảo theo hình thức một quyết định có tính chất hành chính của bộ này là không phù hợp và dẫn tới những tiêu chí cụ thể chưa phù hợp.
Ông Đỗ Duy Thường, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật, cho rằng tiêu chí quốc gia về đô thị văn minh thì không thể là một quyết định hành chính của một bộ mà phải là nghị định của Chính phủ hoặc một quyết định của Thủ tướng.
Trong khi đó, ông Trần Văn Môn, Phó cục trưởng, Phó chánh Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới, Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn, lưu ý việc xây dựng tiêu chí là rất cần thiết nhưng quan trọng hơn vẫn là các quy định, tiêu chí đi vào thực tiễn như thế nào.
“Quan trọng là tính khả thi và làm sao để các bộ, ngành và người dân có trách nhiệm trong việc thực hiện mới có thể thành công. Ban hành quy định, tiêu chí mà không rõ trách nhiệm thì sẽ khó”, ông Môn nói và cho rằng, mục tiêu cuối cùng là phải hướng tới thay đổi được diện mạo, chất lượng của đô thị chứ không phải là vấn đề tiêu chí quy định thế nào.
Phó chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị Ban Soạn thảo cần tiếp thu, chỉnh sửa để bộ tiêu chí đảm bảo theo hướng xác thực hơn, phạm vi áp dụng gần gũi hơn và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
“Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam sẽ phối hợp cùng với Bộ VH-TT-DL kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ để ban hành bộ tiêu chí quốc gia về đô thị văn minh, từ đó huy động sự tham gia của các bộ, ban, ngành liên quan trong triển khai thực hiện”, Phó chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh.
Bình luận (0)