'Tình hình biển Đông vẫn đang căng thẳng, đặc biệt là tại bãi Ba Đầu'

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
23/04/2021 19:14 GMT+7

'Hiện nay, tình hình biển Đông vẫn đang căng thẳng, đặc biệt là tại bãi Ba Đầu', tiến sĩ Nguyễn Thanh Minh, chia sẻ tại Hội thảo khoa học ' Hoàng Sa và Trường Sa, trong lịch sử Việt Nam'.

Ngày 23.4, tại TP.Huế, Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức hội thảo khoa học "Hoàng Sa và Trường Sa, trong lịch sử Việt Nam".

Công bố nhiều tư liệu mới thể hiện chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa

Tham dự hội thảo, các nhà nghiên cứu lịch sử, ngoại giao trong nước và tại Thừa Thiên - Huế đã tham gia 18 báo cáo, nghiên cứu, tham luận với 2 chủ đề Hoàng Sa, Trường Sa trong lịch sử (13 tham luận) và đề xuất Giải pháp đấu tranh bảo vệ chủ quyền, di sản và giáo dục truyền thống (5 tham luận)
Các báo cáo tham luận tại hội thảo đã bổ sung tư liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, công bố một số tài liệu mới từ các nguồn nước ngoài mà các nhà nghiên cứu mới sưu tập được.
Các nhà nghiên cứu cũng đã có nhiều tham luận đánh giá việc thực thi chủ quyền nhà nước và chủ quyền lãnh thổ tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa xuyên suốt từ thời Chúa Nguyễn đến nay. Trong đó đặc biệt từ thời Pháp thuộc (từ năm 1884) với các giai đoạn: 1884 - 1954, 1954 - 1975 và từ 1975 đến nay.
Đáng chú ý là tham luận của tiến sĩ Nguyễn Quang Trung Tiến (Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học, Trường Đại học Huế) với tham luận "Diện mạo, phạm vi, hoạt động khai thác, thương mại và chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa thời Tây Sơn qua tư liệu đương thời của các nước Anh, Pháp, Hoa Kỳ và Scotland" cung cấp nhiều tư liệu mới của các nước về thực thi chủ quyền biển đảo thời Tây Sơn.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung Tiến tham luận tại hội thảo

Ảnh Bùi Ngọc Long

 
Tham luân tại hội thảo, ngoài khái quát “Quá trình xác lập chủ quyền của Nhà nước Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, tiến sĩ Nguyễn Thanh Minh, khẳng định nhà nước quân chủ Việt Nam đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi chưa có bất kỳ quốc gia nào xác lập chủ quyền" và các giai đoạn lịch sử tiếp theo Việt Nam cũng đã tiếp tục thực thi chủ quyền xuyên suốt.

"Tình hình biển Đông vẫn đang căng thẳng, đặc biệt là bãi Ba Đầu"

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Minh còn chia sẻ thêm những thách thức và thuận lợi trong bối cảnh hiện nay, một số thông tin từ thực địa mới nhất nóng bỏng.
"Luật pháp quốc tế là công cụ duy nhất để chúng ta đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trong bối cảnh hiện nay. Trong khi chúng ta đang tổ chức hội thảo ở đây, tình hình biển Đông vẫn rất căng thẳng. Hiện nay Trung Quốc đang triển khai lực lượng tại bãi Ba Đầu với lực lượng tàu cá dân binh của họ, rất nhiều. Khi chúng tôi đi tuần tra trên biển, bắt được tàu của Trung Quốc, nhìn bàn tay của ông thuyền trưởng của các tàu này rất trắng. Bàn tay của ngư dân đánh cá thường rất chai sạm nhưng tay của thuyền trưởng và thuyền phó của các tàu này rất trắng, chứng tỏ công tác đánh bắt cá chỉ là công việc phụ", tiến sĩ Nguyễn Thanh Minh chia sẻ.
“Hiện nay, tình hình biển Đông vẫn đang căng thẳng, đặc biệt là tại bãi Ba Đầu. Đảng, Nhà nước cũng đã chỉ đạo triển khai các lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển tổ chức tuần tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên biển một cách trọn vẹn”, tiến sĩ Nguyễn Thanh Minh cho biết.
Đề xuất giải pháp bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam trong bối cảnh Biển Đông hiện nay, tiến sĩ Nguyễn Thanh Minh, đề nghị: “Nhà nước cần tập trung đầu tư xây dựng lực lượng bảo vệ chủ quyền biển đảo vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển phải được đầu tư các trang thiết bị hiện đại ngang tầm với khu vực và trên thế giới”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.