Sáng 31.5, tại Hà Nội, TAND tối cao đã công bố Nghị quyết số 03/2019 của Hội đồng thẩm phán hướng dẫn áp dụng điều 324 của bộ luật Hình sự về tội rửa tiền. Buổi công bố có sự tham dự của đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ, ngành và các tổ chức quốc tế.
Nghị quyết 03/2019 của Hội đồng thẩm phán đã hướng dẫn chi tiết về việc áp dụng quy định rửa tiền trong bộ luật Hình sự. Trong đó làm rõ thêm các thuật ngữ sử dụng trong luật, các tình tiết định tội, cũng như định khung.
Theo đó, việc xác định hành vi phạm tội được căn cứ vào bản án, quyết định của tòa án; tài liệu, chứng cứ do các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; tài liệu, chứng cứ khác để xác định hành vi phạm tội (như chứng cứ của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế - Interpol), Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế - FATF, tài liệu tương trợ tư pháp về hình sự...).
Bên cạnh đó, nghị quyết cũng nêu rõ tội phạm nguồn là tội phạm được quy định trong bộ luật Hình sự và tài sản có được từ tội phạm đó trở thành đối tượng của tội rửa tiền, như: tội giết người; mua bán người; buôn lậu; thao túng thị trường chứng khoán; mua bán trái phép chất ma túy; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản....
Hành vi phạm tội nguồn có thể do công dân Việt Nam, pháp nhân thương mại Việt Nam, người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam thực hiện trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam. Các hành vi phạm tội thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam, do công dân nước ngoài, pháp nhân thương mại nước ngoài thực hiện cũng được coi là tội phạm nguồn. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội rửa tiền có thể được tiến hành đồng thời với việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm nguồn, và không loại trừ việc truy cứu trách nhiệm hình sự tội phạm nguồn.
Phát biểu tại lễ công bố, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, nghị quyết sẽ tạo ra hành lang pháp lý vững chắc để các cơ quan tố tụng mạnh tay hơn với tội phạm rửa tiền; đồng thời, cũng thể hiện được cam kết của Việt Nam với quốc tế về phòng chống các loại tội phạm liên quan đến hoạt động rửa tiền.
“Hầu hết các loại tội phạm đều có mục tiêu lợi nhuận, sau khi hoàn tất hành vi phạm tội ban đầu sẽ tiến hành các hoạt động xóa dấu vết, tẩy rửa tiền từ “bẩn” sang sạch. Trên thế giới, hoạt động tiền tệ, tài chính được quản lý chặt chẽ qua hoạt động ngân hàng, song chúng ta có nhiều hạn chế nên việc xử lý tội phạm rửa tiền gặp nhiều hạn chế, khó khăn”, Chánh án TAND tối cao nói, đồng thời khẳng định sau khi có nghị quyết này, ngành tòa án sẽ đưa xét xử một cách nhanh chóng loại tội phạm này
Theo TAND tối cao, thực tiễn phòng, chống tội phạm thời gian qua cho thấy, đã xuất hiện khá nhiều phương thức, thủ đoạn rửa tiền tinh vi, xảo quyệt. Tội phạm rửa tiền lợi dụng thói quen giao dịch bằng tiền mặt của người dân để mua tài sản có giá trị cao như bất động sản, ô tô, vàng bạc, đá quý..., sau đó nhờ người khác đứng tên, cất giấu, nhằm hợp pháp hóa nguồn tiền “bẩn” thu được từ các hoạt động tội phạm.
Để có cơ sở pháp lý nhằm xử lý ngày càng có hiệu quả loại tội phạm này, bộ luật Hình sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung và cụ thể hóa các tình tiết có tính chất định tính về tội rửa tiền, nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn áp dụng. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành hơn một năm qua cho thấy, vẫn còn một số quy định chưa thực sự rõ ràng, cụ thể, cần phải hướng dẫn để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.
Bình luận (0)