Toàn cảnh ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai cho đến ngày 29.3

Lê Hiệp
Lê Hiệp
29/03/2020 11:28 GMT+7

Tới thời điểm hiện tại, đã có 16 bệnh nhân Covid-19 liên quan tới ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai . Điều quan trọng là vẫn chưa xác định rõ nguồn lây nhiễm virus vào bệnh viện.

Sáng 29.3, Bộ Y tế công bố thêm 5 trường hợp bệnh nhân Covid-19 mới được ghi nhận tại Việt Nam (từ bệnh nhân thứ 175-179). Trong số này, có tới 4 bệnh nhân liên quan tới Bệnh viện Bạch Mai.

Công bố các bệnh nhân từ 175 đến 179 mắc bệnh Covid-19

Cả 4 bệnh nhân thứ 175, 176, 177, 178 đều làm việc tại Công ty Trường Sinh, chuyên cung cấp dịch vụ cho Bệnh viện Bạch Mai, và theo Bộ Y tế thì cả 4 bệnh nhân “đều tiếp xúc với nhiều người”.
Cùng với 4 ca bệnh mới được ghi nhận sáng nay, Bệnh viện Bạch Mai đang trở thành nơi lây nhiễm dịch Covid-19 trong cộng đồng lớn nhất tới thời điểm hiện tại, với 17 bệnh nhân liên quan. Các bệnh nhân đều được ghi nhận trong khoảng 10 ngày qua.

Sơ đồ 16 trường hợp bệnh nhân Covid-19 liên quan tới Bệnh viện Bạch Mai được công bố

Đồ họa Lê Hiệp

Trước đó, 2 ca bệnh đầu tiên tại Bệnh viện Bạch Mai là bệnh nhân 86, 87 (nữ điều dưỡng của Phòng khám ngoại trú HIV - Trung tâm Bệnh nhiệt đới thuộc Bệnh viện Bạch Mai, được xác nhận nhiễm bệnh vào 20.3).
Tới ngày 22.3, con gái của bệnh nhân thứ 86 cũng được xác nhận dương tính với SARS-CoV-2. Đây là bệnh nhân thứ 107 tại Việt Nam.
Sau khi nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ Bệnh viện Bạch Mai được xác nhận, các y, bác sĩ và bệnh nhân tới khám tại bệnh viện này được tiến hành xét nghiệm Covid-19, thì tới ngày 24.3, Việt Nam đã ghi nhận bệnh nhân 133 (66 tuổi, quê Lai Châu), là bệnh nhân tại Khoa Cấp cứu thần kinh của Bệnh viện Bạch Mai.
Bệnh nhân này được phát hiện nhiễm bệnh khi được Bệnh viện Bạch Mai đưa trở về Lai Châu, sau khi phát hiện 2 nữ điều dưỡng nhiễm Covid-19.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra tại thời điểm đó là bệnh nhân thứ 133 được điều trị tại Khoa Cấp cứu thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai, trong khi 2 nữ điều dưỡng lại làm việc tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới thuộc Bệnh viện Bạch Mai và không có tiếp xúc trực tiếp.
Tới ngày 27.3, câu hỏi này dần sáng tỏ khi Bộ Y tế công bố thêm 3 trường hợp bệnh nhân Covid-19 liên quan tới Bệnh viện Bạch Mai, gồm bệnh nhân 161, 162, 163. Trong đó, bệnh nhân 161 là người nằm cùng giường với bệnh nhân 133 tại Khoa Cấp cứu thần kinh của Bệnh viện Bạch Mai. Các bệnh nhân 162, 163 lần lượt là con dâu và cháu gái của bệnh nhân 161.

Cận cảnh binh chủng hóa học tẩy độc ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai

Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của TP.Hà Nội chiều 27.3, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Dương Đức Hùng cho rằng, Bệnh viện Bạch Mai có 2 “ổ dịch” khác nhau. Trong đó 1 “ổ dịch” liên quan đến 2 điều dưỡng của bệnh viện, còn “ổ dịch” thứ 2 liên quan đến 2 bệnh nhân (133, 161) và một người nhà vào Khoa Cấp cứu thần kinh (bệnh nhân 162, 163).
Ông Hùng cũng nhận định rất có thể bệnh nhân 162, con dâu bệnh nhân 161, đã mắc Covid-19 ở cộng đồng, rồi lây cho mẹ (bệnh nhân số 161) và bệnh nhân 133 ở Lai Châu, chứ không phải nguồn lây là từ Bệnh viện Bạch Mai.
Tới sáng 28.3, Bộ Y tế tiếp tục công bố thêm 2 trường hợp bệnh nhân Covid-19 liên quan tới Bệnh viện Bạch Mai là bệnh nhân 168 bệnh nhân 169, đều là nữ, 49 tuổi, là nhân viên cung cấp nước sôi của Bệnh viện Bạch Mai.
Trong chiều cùng ngày, Bộ Y tế công bố thêm 3 ca bệnh liên quan tới Bệnh viện Bạch Mai gồm các bệnh nhân 170, 172 và 174.
Trong đó, bệnh nhân thứ 170 (27 tuổi quê Kim Sơn, Ninh Bình) đến Bệnh viện Bạch Mai chăm sóc bố tại Khoa Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân số 172 là con dâu của bệnh nhân 133 ở Lai Châu. Còn bệnh nhân 174 là nhân viên làm việc tại nhà ăn Bệnh viện Bạch Mai.
Bộ Y tế cũng nhận định có khả năng dịch Covid-19 tại Bệnh viện Bạch Mai là lây trong nhóm người nhà chăm sóc bệnh nhân, nguồn lây nhiễm từ bên ngoài vào bệnh viện, chứ không phải từ bệnh viện. Tới nay, vẫn chưa có bác sĩ, nhân viên y tế nào của Bạch Mai được ghi nhận là nhiễm Covid-19, ngoài 2 trường hợp nữ điều dưỡng kể trên.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất là việc người nhà bệnh nhân và nhân viên phục vụ đưa nước trong bệnh viện nhiễm bệnh khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh trong Bệnh viện Bạch Mai là rất cao, khi những người này đều có lịch sử đi lại rất phức tạp. Tới nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa thể xác định được đường lây nhiễm ở Bệnh viện Bạch Mai.

Quyết tâm dập "ổ dịch Bạch Mai"

Chiều 28.3, trong cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo, khẳng định hiện có 2 ổ dịch cần đặc biệt lưu ý là quán bar Buddha (TP.HCM) và ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
Ông Đam chỉ đạo “lên danh sách toàn bộ những người đã đến Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 12.3 đến nay. Tỉnh, thành nào có bệnh nhân, người nhà tới Bệnh viện Bạch Mai trong thời gian kể trên đều phải vào cuộc quyết liệt, chứ không chỉ TP.Hà Nội. “Các lực lượng phải phối hợp chặt chẽ, đồng bộ để dập bằng được ổ dịch này”, ông Đam nói.

Số bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam đã tăng lên 179, trong đó Hà Nội đã ghi nhận tới 63 ca.

Đồ họa Lê Hiệp

Ai đến Bệnh viện Bạch Mai từ 12/3 cần làm 3 việc sau đề phòng virus corona

Tới tối qua, 28.3, vào lúc 19 giờ, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đã ra công điện khẩn yêu cầu các quận, huyện, thị xã, chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thành lập các tổ công tác để tiến hành rà soát tất cả các trường hợp (trong khoảng thời gian từ ngày 10.3 - 28.3) gồm: bệnh nhân nội trú của Bệnh viện Bạch Mai đã ra viện; bệnh nhân ngoại trú đến khám, điều trị; người đến thăm, chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai; sinh viên, học sinh thực tập tại Bệnh viện; các y, bác sĩ và nhân viên Bệnh viện Bạch Mai; bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại bệnh viện Bạch Mai cư trú hoặc tạm trú tại các xóm trọ trên địa bàn; các đối tượng khác liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, để cách ly y tế và lấy mẫu xét nghiệm.
Đến 22 giờ cùng ngày, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội tiếp tục ra một công điện khẩn khác yêu cầu chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn tiếp tục rà soát toàn bộ các trường hợp đến, thăm, chăm sóc bệnh nhân, điều trị tích cực tại Bệnh viện Bạch Mai trong thời gian từ 10.3 đến 25.3 đã sử dụng dịch vụ tại căng tin của bệnh viện, yêu cầu những người này lập tức thực hiện việc tự cách ly y tế tại nhà và liên hệ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội qua sổ điện thoại: 0969082115 hoặc 0949396115 để được tư vấn về lấy mẫu xét nghiệm.
Bộ Y tế trong ngày hôm qua cũng đưa ra khuyến cáo, đề nghị tất cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và những ai đã đến Bệnh viện Bạch Mai trong khoảng thời gian từ 12 - 27.3 thực hiện các biện pháp sau:
- Gửi tin nhắn thông báo họ tên đầy đủ và địa chỉ nơi ở của mình vào số điện thoại 8889.
- Liên lạc với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tại địa phương để được tư vấn.
- Thực hiện khai báo y tế trên ứng dụng NCOVI (ncovi.vn), hoặc khai trực tuyến tại tokhaiyte.vn, thường xuyên cập nhật tình trạng sức khỏe để được tư vấn và trợ giúp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.