Tổng bí thư: Chống tham nhũng khó vì lợi ích nhóm chằng chịt, lắt léo

22/01/2019 15:26 GMT+7

Tổng bí thư, Chủ tịch nước khẳng định, chống tham nhũng là lĩnh vực khó, phức tạp vì nó đụng chạm đến lợi ích con người, mà lợi ích ở đây là lợi ích nhóm, liên quan chằng chịt ở các cấp, các ngành, rất lắt léo.

Phát biểu kết luận Hội nghị tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 ngành Nội chính đảng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, nhất là năm 2018, ngành Nội chính đảng hoạt động ngày càng hiệu quả, khẳng định chủ trương tái lập Ban Nội chính T.Ư và ban Nội chính các tỉnh, thành ủy là đúng đắn.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, ngành Nội chính đảng đã làm tốt nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các quan điểm, chủ trương, định hướng lớn của Đảng về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp, góp phần hoàn thiện thể chế, pháp luật về nội chính, cải cách tư pháp và phòng chống tham nhũng, từng bước hình thành cơ chế “không thể tham nhũng”; đồng thời đã chủ động tham mưu trong phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, bảo đảm kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật; góp phần hiện thực hoá và khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai".
“Phòng, chống tham nhũng là lĩnh vực khó, phức tạp. Nó đụng chạm đến lợi ích, đụng chạm đến con người, và lợi ích ở đây là lợi ích nhóm, nó liên quan chằng chịt với nhau, ở các cấp, các ngành, rất lắt léo, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải thực sự có bản lĩnh, có kiến thức, có kinh nghiệm, đặc biệt là phải trong sáng, công tâm, liêm khiết, phối hợp chặt chẽ”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhận định, và cho biết vừa qua ông rất mừng khi Ban Nội chính cùng các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, công an, kiểm sát, tòa án phối hợp rất tốt trong viẹc điều tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định pháp luật nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp.
Ngoài ra, ngành Nội chính đảng cũng đã chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống tham nhũng thành lập 40 đoàn kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế và công tác phòng, chống tham nhũng tại 15 cấp uỷ, bộ, ngành T.Ư và 63 tỉnh uỷ, thành uỷ... 

Phải tham mưu để bịt kín "kẽ hở" nảy sinh tham nhũng

Nhấn mạnh ngành Nội chính Đảng là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp, là "tai mắt" của Đảng về lĩnh vực này, Tổng bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ, trọng trách của ngành Nội chính Đảng là phải phối hợp tham mưu cho Đảng lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế, pháp luật, đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, không cho phép ai làm trái quan điểm, cương lĩnh, đường lối của Đảng.
Theo đó, Tổng bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu ngành Nội chính đảng phải tham mưu hoàn thiện các quy định của Đảng, thể chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" để "không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không muốn tham nhũng".
Bên cạnh đó, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp.
“Các đồng chí phải "gác gôn" cho Đảng trên lĩnh vực này, không cho phép ai làm trái cương lĩnh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu ngành Nội chính tiếp tục tập trung tham mưu, đề xuất chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.
Bên cạnh đó, Tổng bí thư, Chủ tịch nước cũng nêu rõ, ngành Nội chính Đảng phải chú trọng tham mưu, đề xuất với các cấp uỷ địa phương lãnh đạo, chỉ đạo tạo sự chuyển biến rõ rệt hơn nữa trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở, khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; tập trung xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, gợi ý, lót tay, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc ("tham nhũng vặt").
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.