Xây dựng cơ chế để 'không thể tham nhũng'

26/06/2018 06:45 GMT+7

Phát biểu kết luận Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu cụ thể 6 vấn đề cần tập trung, trong đó có việc xây dựng một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”.

Hội nghị diễn ra hôm qua (25.6) tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng (PCTN). Theo Tổng bí thư, đây là dịp để sơ kết công tác PCTN 5 năm qua, chỉ ra những hạn chế, khó khăn, rút ra bài học kinh nghiệm để tiếp tục không chỉ duy trì, mà còn đẩy mạnh chống "giặc nội xâm" đang ở giai đoạn hết sức quan trọng, quyết liệt.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại hội nghị Ảnh: Đăng Khoa

Vẫn còn tình trạng "trên nóng dưới lạnh"
Báo cáo về tình hình, kết quả công tác PCTN từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng XII đến nay, ông Phan Đình Trạc, Trưởng ban Nội chính T.Ư, Phó trưởng ban thường trực, Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN, khẳng định công tác PCTN thời gian qua đã có bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt, tham nhũng từng bước được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm. Tuy nhiên, báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra những vấn đề hạn chế, yếu kém. “Vẫn còn tư tưởng lo ngại việc đẩy mạnh PCTN, xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm sẽ làm giảm sự đổi mới, sáng tạo, làm “chùn” bước những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, làm “chậm lại” sự phát triển”, ông Trạc nêu.
Cán bộ lãnh đạo các cấp phải ghi nhớ, bất cứ ai cũng không có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật, bất kỳ ai sử dụng quyền lực đều phải phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân và tự giác chịu sự giám sát của nhân dân
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Theo ông Trạc, cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực vẫn còn thiếu chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tiễn, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung, nhất là trên các lĩnh vực: quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đấu thầu... Các loại “chạy” trong công tác cán bộ chậm được ngăn chặn, đẩy lùi. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp; phát hiện và xử lý tham nhũng ở nhiều địa phương chưa có chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt; vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, nể nang, né tránh, ngại va chạm trong công tác PCTN. “Số vụ việc, vụ án được phát hiện, xử lý chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng, nhất là công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương”, ông Trạc nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội nghị, thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết công tác đấu tranh với các vụ án tham nhũng kinh tế đang gặp một số khó khăn, vướng mắc, như việc chứng minh hành vi phạm tội, giám định tư pháp, điều tra tham nhũng có yếu tố nước ngoài... Theo thượng tướng Lê Quý Vương, tội phạm tham nhũng thường là những “chủ thể đặc biệt”, là người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ chuyên môn, am hiểu pháp luật; đa số vụ án xảy ra lâu mới bị phát hiện, được che đậy tinh vi... Trong khi đó, đánh giá chứng cứ, xác định tội danh có liên quan đến nhiều quy định mới của nhà nước, nhiều nội dung chưa được hướng dẫn cụ thể, nên việc áp dụng của cơ quan tiến hành tố tụng đôi lúc khác nhau, ảnh hưởng tiến độ điều tra án. Như vụ án Huỳnh Thị Huyền Như phải trả lại hồ sơ, điều tra nhiều lần, qua 38 lần họp mới thống nhất được tội danh của Như là lừa đảo chứ không phải tham ô tài sản.
Phó viện trưởng Viện KSND tối cao Bùi Mạnh Cường cho rằng các vụ án tham nhũng liên quan tới nhiều văn bản, quy định chuyên ngành tài chính ngân hàng, xây dựng cơ bản, ngân sách trong khi đó điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán không được đào tạo chuyên sâu, việc thu thập chứng cứ có nhiều ý kiến khác nhau làm cho việc giải quyết kéo dài. Bên cạnh đó, luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước cũng là thách thức đối với cơ quan tiến hành tố tụng. “Nếu quá thận trọng thì nguy cơ bỏ lỡ cơ hội tấn công tội phạm, nếu tích cực tấn công tội phạm mà không cầu toàn, cẩn trọng thì có nguy cơ phải bồi thường nếu không chứng minh được tội phạm”, ông Cường nêu. Theo ông Cường, việc giám định, kê biên, thu hồi tài sản cũng đang gặp khó khăn khi một mặt đối tượng chủ động che giấu, tẩu tán, mặt khác, các quy định của pháp luật còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho công việc này.
Không để tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp
Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh dù công tác PCTN đã đạt những kết quả rất quan trọng, nhưng đây là công việc phải được tiến hành thường xuyên, tuyệt nhiên không được tự thỏa mãn với những gì đã đạt được. Chia sẻ việc chính bản thân mình cũng như các đại biểu tại hội nghị đều chưa được học một lớp chuyên đề nào về PCTN, cũng như không có giáo trình nào dạy PCTN, các công việc thực hiện thời gian qua đều là vừa học vừa làm, học từ thực tiễn công việc, Tổng bí thư cho rằng những hội nghị quy mô như thế này như một lớp học “để chúng ta hiểu thêm tình hình, có thêm kinh nghiệm, thông cảm, chia sẻ lẫn nhau và thấy mình sắp tới cần phải làm gì cho thiết thực”.
Tổng bí thư đã nêu ra cụ thể 6 vấn đề cần tập trung trong thời gian tới. Một là, phải tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về PCTN. Phải khẳng định rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước về PCTN; làm cho mọi người thấy rõ việc chỉnh đốn Đảng, xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm không làm “chậm lại” sự phát triển, mà ngược lại, càng làm trong sạch, tạo sức mạnh thật sự của bộ máy; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân. Tổng bí thư cũng lưu ý việc bảo vệ, khen thưởng, động viên những người làm báo tích cực, dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng; đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, lợi dụng PCTN để chống phá Đảng, Nhà nước; xử lý nghiêm khắc việc đưa tin sai sự thật, vu cáo, bịa đặt gây hậu quả xấu.
Đặc biệt, báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng phải cổ vũ, động viên sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, huy động sức mạnh của toàn dân trong cuộc đấu tranh PCTN, “làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng vạn, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp” như Bác Hồ đã căn dặn.
Mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ
Hai là, phải tập trung chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về PCTN; phấn đấu từ nay đến hết nhiệm kỳ cơ bản hoàn thành một bước về xây dựng một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”. Các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm người đứng đầu; ngăn chặn những người có chức, có quyền lợi dụng cương vị công tác để trục lợi; quy định về cho thôi, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; quy định về điều chuyển, thay thế cán bộ khi có dư luận hoặc biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, uy tín thấp; cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung... phải được hoàn thiện.
Ba là, tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới. Lưu ý mục đích của kỷ luật là để “trị bệnh cứu người”, cảnh tỉnh, răn đe, Tổng bí thư đề nghị phải quán triệt phương châm phòng ngừa chặt chẽ, ngăn chặn từ gốc, phát hiện sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.
Dù xử lý nghiêm bằng kỷ luật của Đảng, nhưng Tổng bí thư cũng nhấn mạnh: kỷ luật Đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật; đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. Ủy ban Kiểm tra T.Ư cũng được giao nhiệm vụ có thể chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng xuống đến cả Đảng bộ cấp huyện và cơ sở khi cần thiết, tránh tình trạng bao che sai phạm trong nội bộ của các địa phương, cơ quan, đơn vị.
Bốn là, tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, kiểm soát quyền lực để PCTN. Phải thiết lập cho được một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao, trách nhiệm càng lớn.
“Cán bộ lãnh đạo các cấp phải ghi nhớ, bất cứ ai cũng không có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật, bất kỳ ai sử dụng quyền lực đều phải phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân và tự giác chịu sự giám sát của nhân dân. Công quỹ là của công, cho nên một xu, một hào cũng không được chi dùng bừa bãi; công quyền là vì dân cho nên không được mảy may vì riêng tư; phải thật sự chí công vô tư, công tư phân minh, công trước tư sau, vì công mà quên tư; mọi việc đều xuất phát từ dân, vì dân”, Tổng bí thư nhấn mạnh.
Năm là, nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, nhất là ở các địa phương, cơ sở; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tệ “tham nhũng vặt”; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ. Tích cực xác minh, kịp thời áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, thu hồi triệt để tài sản tham nhũng trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; khuyến khích người phạm tội tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Sáu là, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN. Các cơ quan nội chính, kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm sát, xét xử... phải là những “thanh bảo kiếm” sắc bén, có dũng khí đấu tranh ngăn chặn những việc làm sai trái, lợi ích nhóm, mưu lợi cá nhân; có nghiệp vụ, bản lĩnh bảo vệ cái đúng, chỉ rõ cái sai, can ngăn những việc làm chưa đúng; có quy định để ngăn ngừa có hiệu quả những sự tác động tiêu cực vào hoạt động của các cơ quan này.
 
Ý kiến
Quân ủy T.Ư xác định PCTN là nhiệm vụ thường xuyên
Trước khi vào xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, Quân ủy T.Ư thể hiện quyết tâm chính trị cao, xác định PCTN là nhiệm vụ thường xuyên, đã chỉ đạo cơ quan tư pháp quân đội kịp thời khởi tố điều tra một số vụ án lớn, điển hình là vụ Đinh Ngọc Hệ (tức Út trọc), Nguyễn Văn An, vụ Công ty 636 và các vụ án khác đã được báo cáo Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN. Công tác PCTN trong quân đội là nhất quán và với quyết tâm chính trị cao của Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng, tình hình quân đội ổn định, nhiều mặt tốt lên, sức chiến đấu ngày càng được nâng cao, trình độ sẵn sàng chiến đấu đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu
Xác định kết quả PCTN là tiêu chí, thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu. Kịp thời điều chuyển cán bộ quản lý lãnh đạo có nhiều dư luận, uy tín giảm sút và có dấu hiệu tham nhũng không hoàn thành nhiệm vụ. Xử lý kịp thời, nghiêm minh người đứng đầu, nếu không chủ động phát hiện để xảy ra tham nhũng tại cơ quan mình phụ trách hoặc bao che ngăn cản việc phát hiện xử lý tham nhũng.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong
Nghiên cứu xây dựng mô hình cơ quan chuyên trách về PCTN
Cần nghiên cứu xây dựng mô hình cơ quan chuyên trách về PCTN để sửa đổi, bổ sung cơ bản luật PCTN. Việc quy định rõ mô hình cơ quan chuyên trách PCTN sẽ tạo ra thiết chế mới hoạt động có hiệu lực và hiệu quả hơn. Quan hệ phối hợp của các cơ quan tiến hành tố tụng phải được chú trọng, phải thực sự cầu thị vì nhiệm vụ chung, không được có tư tưởng quyền anh quyền tôi...
Phó viện trưởng Viện KSND tối cao Bùi Mạnh Cường
Phải có quy định cho người thân trực tiếp phải kê khai tài sản
Việc kê khai tài sản, công khai, xác minh làm rõ nguồn gốc tài sản tăng thêm của cán bộ công chức phải quy định cụ thể hơn. Đặc biệt, một số chức danh quan trọng ở các lĩnh vực nhạy cảm, ở những môi trường dễ tham nhũng nên có quy định cho người thân trực tiếp như cha, mẹ, vợ, con, anh chị em ruột phải kê khai tài sản.
Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Tiền Giang Nguyễn Văn Thắng
Lê Hiệp - Vũ Hân (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.