Tổng bí thư, Chủ tịch nước: 'Không để lọt vào cấp ủy người chạy chức, bè phái'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
06/06/2019 14:31 GMT+7

Nhân dịp Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã có bài viết quan trọng về chuẩn bị tổ chức đại hội.

Trong bài viết Chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh 5 nhiệm vụ đòi hỏi các cấp uỷ, tổ chức đảng phải đề cao trách nhiệm, tập trung lãnh đạo thực hiện để chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp.

Phân tích thấu đáo những vấn đề đang nổi lên

Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, mỗi cấp uỷ, tổ chức đảng, đảng viên cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của đại hội để chuẩn bị thật tốt và tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp.
Thứ hai, việc xây dựng báo cáo chính trị - văn kiện trung tâm của mỗi đại hội phải thể hiện một cách tập trung nhất tầm nhìn, bản lĩnh, trí tuệ, ý chí, sức mạnh đoàn kết của cấp uỷ, tổ chức đảng, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu, việc đánh giá hạn chế, yếu kém phải nhìn thẳng vào sự thật, dũng cảm đối mặt với thực tế, chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, rút ra bài học kinh nghiệm để có giải pháp khắc phục.
“Cần phân tích thấu đáo những vấn đề đang nổi lên như: chưa bảo đảm hài hoà giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, xây dựng con người, giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường; thực hiện các chính sách đất đai, bảo đảm an toàn giao thông, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tệ nạn xã hội; những biểu hiện chủ nghĩa cá nhân, kèn cựa địa vị, tình trạng cục bộ, "lợi ích nhóm", "tư duy nhiệm kỳ"...”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước viết.

Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật

Nhiệm vụ thứ ba, Tổng bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu báo cáo kiểm điểm của cấp uỷ phải nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, chỉ ra những ưu, khuyết điểm và nguyên nhân, đề cao tự phê bình và phê bình, không nể nang, né tránh.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ tình trạng còn cấp uỷ chưa khẳng định được trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, còn thụ động, trông chờ, ỷ lại, thờ ơ trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân; có biểu hiện "trên nóng dưới lạnh", "trên có chính sách, dưới có đối sách"; dù có điều kiện, hoàn cảnh thuận lợi nhưng chưa khai thác, chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, thậm chí còn để xảy ra tiêu cực, vi phạm pháp luật.
“Báo cáo kiểm điểm của tập thể cần gắn với trách nhiệm cá nhân trên các lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách, là cơ sở để đánh giá cấp uỷ viên trong nhiệm kỳ và góp phần quan trọng cho việc chuẩn bị nhân sự khoá mới”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước viết.
Nhiệm vụ thứ tư, theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước tổ chức tốt việc thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện của đại hội cấp trên trực tiếp và Đại hội XIII của Đảng, tạo thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, hiệu quả, phát huy trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

Không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn

Nhiệm vụ về công tác cán bộ là nhiệm vụ cuối cùng được Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhắc tới.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu làm tốt hơn nữa công tác cán bộ và tích cực, chủ động chuẩn bị nhân sự cấp ủy, bảo đảm cho sự thành công của đại hội đảng bộ các cấp.
Cụ thể, Tổng bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu rà soát bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng quy hoạch cấp uỷ làm cơ sở xây dựng phương án nhân sự.
“Để chủ động phương án nhân sự, cần kết hợp hài hòa giữa chuẩn bị nhân sự tại chỗ với điều động, luân chuyển, bố trí cán bộ, bảo đảm cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực hoàn thành nhiệm vụ, đủ thời gian rèn luyện và thử thách qua thực tiễn”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước viết.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước cũng chỉ rõ, việc chuẩn bị nhân sự cấp uỷ phải trên cơ sở quy hoạch, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu, nhiệm vụ chính trị và khả năng đáp ứng của cán bộ. Đồng thời, cần chú trọng phát hiện, giới thiệu những nhân tố mới có đức, có tài, có uy tín, có triển vọng.
Trong công tác nhân sự, phải xử lý hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu, trong đó tiêu chuẩn là chính, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn; coi trọng cả đức và tài, trong đó đức là gốc; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa việc nâng cao chất lượng cấp uỷ với bảo đảm cơ cấu ba độ tuổi, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số.

Không để lọt vào cấp ủy những người có lối sống thiếu gương mẫu

Tổng bí thư, Chủ tịch nước cũng yêu cầu, công tác nhân sự cần tiến hành từng bước, từng việc, chắc chắn, thận trọng, chặt chẽ, đúng quy trình, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch nhưng phải thật sự đúng người, đúng việc.
Cần tăng cường kiểm soát công tác cán bộ và chuẩn bị nhân sự cấp ủy; nghiêm cấm mọi biểu hiện vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, tìm cách nâng người này, hạ người kia, gây nghi ngờ, làm mất đoàn kết nội bộ.
“Kiên quyết không để lọt vào cấp uỷ khoá mới những người có tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy cơ cấu, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", quan liêu, tham nhũng; bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước viết.
Phương án nhân sự cấp uỷ phải gắn kết chặt chẽ với công tác chuẩn bị nhân sự các cơ quan nhà nước ở các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 và nhân sự lãnh đạo đoàn đại biểu Quốc hội khoá XV của tỉnh, thành phố.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.