TP.HCM: 2 công ty xử lý rác thải để nước rỉ rác thấm vào… lòng đất

16/01/2021 07:12 GMT+7

Kết quả kiểm tra thực tế của Tổng cục Môi trường cho thấy nước rỉ rác của 2 nhà máy xử lý rác thải thu gom trên địa bàn TP.HCM không được xử lý triệt để, dẫn đến thấm vào lòng đất hoặc chảy ra môi trường.

Bộ Tài nguyên - Môi trường vừa đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các sở ngành liên quan tổ chức đánh giá lại ngay hiệu quả của việc chuyển giao xử lý rác thải sinh hoạt của 2 doanh nghiệp trong Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, xã Thái Mỹ, H.Củ Chi để có biện pháp kiểm soát, quản lý phù hợp đảm bảo vệ sinh môi trường.
Đề nghị của Bộ TN-MT đưa ra sau khi tiếp nhận đơn phản ánh của người dân và kết quả kiểm tra thực tế tại Công ty CP Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa và Công ty CP Vietstar (đều trong Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc). Trước đó vào năm 2018, Tổng cục Môi trường đã thanh tra việc chấp hành pháp luật của 2 công ty này và chỉ ra nhiều vi phạm, thế nhưng hơn 2 năm sau vẫn chưa khắc phục triệt để.

Tiếp nhận rác vượt thiết kế

Theo kết quả thanh tra năm 2018 của Tổng cục Môi trường, Công ty CP Vietstar hoạt động trong lĩnh vực xử lý và tái chế chất thải sinh hoạt thành phân vi sinh và sản xuất hạt nhựa tái chế từ chất thải rắn sinh hoạt thu gom trên địa bàn TP.HCM với công suất thiết kế 1.400 tấn/ngày. Tuy nhiên, thực tế công ty tiếp nhận 1.800 tấn/ngày (vượt công suất thiết kế khoảng 28,5%).
Sau đó, Tổng cục Môi trường đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, gồm: tách riêng hệ thống thu gom nước mưa và hệ thống thu gom nước rỉ rác; lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định; thu gom và xử lý toàn bộ lượng chất thải đang lưu giữ tại 2 khu vực ngoài trời… Thế nhưng đến cuối tháng 7.2020, khi tái kiểm tra thì công ty này vẫn chưa thực hiện triệt để các yêu cầu nên Tổng cục Môi trường xử phạt thêm một lần nữa.

Lực lượng thu gom rác dân lập ở TP.HCM.

Ảnh: Sỹ Đông

Đến giữa tháng 12.2020, Tổng cục Môi trường kiểm tra hiện trường khu vực xử lý chất thải của công ty theo nội dung đơn phản ánh của người dân. Kết quả, hiện khối lượng chất thải rắn sinh hoạt công ty đang tiếp nhận khoảng 2.000 tấn/ngày trong khi công suất thiết kế của nhà máy là 1.400 tấn/ngày, lượng chất thải này được công ty đưa về phân loại làm phân bón và một phần đưa vào tái chế, phần chất thải trơ chuyển giao cho Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM để chôn lấp.
Trên khu vực ngoài trời, công ty đang lưu giữ lượng chất thải trơ tại 2 bãi lưu chứa có diện tích khoảng 32.000 m2 với khối lượng khoảng 160.000 tấn, được che phủ bằng bạt HDPE. Tuy nhiên, có nhiều khu vực không được phủ kín để lộ chất thải ra ngoài trời; nước rỉ rác được thu gom qua rãnh bao xung quanh khu vực bằng bạt HDPE nhưng có nhiều vị trí không được phủ kín nên nước rỉ rác không được thu gom triệt để và thấm trực tiếp vào môi trường đất.

Để nước rỉ rác chảy ra môi trường

Đối với Công ty CP Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa, tại thời điểm kiểm tra năm 2018 công ty này dù có công suất thiết kế 1.000 tấn/ngày nhưng tiếp nhận đến 1.200 tấn/ngày. Căn cứ vào kết quả thanh tra, Tổng cục Môi trường đã yêu cầu công ty thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, thu gom và xử lý toàn bộ lượng chất thải sinh hoạt để trên đường nội bộ, lưu giữ ngoài trời, được chất thành đống/bãi cạnh khu vực lò đốt. Đến cuối tháng 7.2020, Tổng cục Môi trường tái kiểm tra thì công ty vẫn chưa thực hiện triệt để các yêu cầu tại kết luận thanh tra.
Đến giữa tháng 12.2020, khi kiểm tra theo đơn phản ánh, Tổng cục Môi trường xác định khối lượng chất thải sinh hoạt đang tiếp nhận xử lý khoảng 1.300 tấn/ngày trong khi công suất thiết kế của nhà máy là 1.000 tấn/ngày. Lượng rác này được phân loại sau đó đưa vào lò đốt, trên khu vực ngoài trời đang lưu giữ khoảng 240.000 tấn chất thải trơ, được che phủ bằng bạt HDPE. Tuy nhiên, có nhiều khu vực không được che phủ kín để lộ chất thải ra ngoài trời, nước rỉ rác không được thu gom triệt để và chảy trực tiếp vào môi trường đất và chảy ra hồ trong khuôn viên…
“Đến thời điểm hiện tại, các vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của 2 công ty kéo dài từ năm 2018 đến nay vẫn chưa được khắc phục triệt để; lượng chất thải rắn sinh hoạt tiếp nhận xử lý vẫn vượt công suất xử lý, qua thời gian dài dẫn đến tồn đọng với khối lượng lớn”, Bộ TN-MT nêu rõ.
Do đó, Bộ TN-MT yêu cầu 2 doanh nghiệp này nghiêm túc thực hiện các biện pháp về bảo vệ môi trường theo các hồ sơ môi trường đã được phê duyệt; tiếp nhận và xử lý chất thải sinh hoạt đúng với công suất thiết kế và năng lực xử lý hiện tại. Đồng thời, có biện pháp xử lý và chuyển giao hết khối lượng lớn chất thải tồn đọng (bao gồm chất thải trơ sau phân loại) cho đơn vị có chức năng xử lý.

Rác thải sinh hoạt bị ùn ứ ở trạm trung chuyển P.Hiệp Bình Chán (Thủ Đức, TP.HCM) hồi tháng 5.2018

ẢNH: TIỂU THIÊN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.