TP.HCM đề xuất ‘thưởng’ tiền tỉ để chiêu mộ người giỏi làm cơ quan nhà nước

Trung Hiếu
Trung Hiếu
01/03/2018 13:00 GMT+7

UBND TP.HCM đề xuất hỗ trợ lên tới 1,5 tỉ đồng đối với nhóm chủ trì đề tài, công trình khoa học cùng nhiều ưu đãi về lương, thưởng với mục đích tuyển người giỏi làm việc cho sở ban ngành TP.HCM.

UBND TP.HCM vừa hoàn thành dự thảo Đề án thu hút chuyên gia, nhà khoa học và lao động sáng tạo trẻ về công tác tại các sở, ban, ngành các khu công nghệ cao của TP.HCM giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến đến năm 2025.
Đề án này nhằm thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và được áp dụng tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND TP.HCM.
Mục tiêu của đề án là có chính sách đột phá về thu hút và trọng dụng nhân tài nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực phát triển khoa học công nghệ chất lượng cao cho TP.HCM.

Đáng chú ý về chính sách tiền lương, chuyên gia và trí thức sau khi trúng tuyển sẽ được nhận mức trợ cấp ban đầu 100 triệu đồng/lần nếu có học hàm giáo sư, phó giáo sư hoặc trình độ tiến sĩ; người có trình độ thạc sĩ loại giỏi, xuất sắc tốt nghiệp tốt nghiệp từ cơ sở nước ngoài được Bộ Giáo dục Đào tạo công nhận đồng thời có ít nhất 1 công trình nghiên cứu khoa học trở lên được cơ quan thẩm quyền công nhận.

Giảng viên ĐH Quốc gia TP.HCM trong giờ nghiên cứu Ảnh: Đào Ngọc Thạch

“Phần thưởng” 100 triệu đồng cũng sẽ dành cho người trúng tuyển có trình độ thạc sĩ xuất sắc ở trong nước, loại giỏi trở lên ở nước ngoài và có từ 2 công trình nghiên cứu khoa học được công bố trên tạp chí chuyên ngành ISI quốc tế uy tín và tương đương.

Đối với các trường hợp còn lại sẽ được hưởng mức trợ cấp ban đầu 80 triệu đồng.

Ngoài ra, chuyên gia trúng tuyển nhận mức trợ cấp ban đầu 100 triệu sẽ được hưởng lương bậc 2 (hệ số 9,40), khi ký hợp đồng lần 2 trở đi được hưởng bậc 3 (hệ số 10) và cố định cho tất cả lần tái kí hợp đồng.

Chuyên gia hưởng mức trợ cấp ban đầu 80 triệu đồng hưởng lương bậc 1 (hệ số 8,80), khi ký hợp đồng lần 2 trở đi được hưởng bậc 2 (hệ số 9,40) và cố định cho tất cả lần tái kí hợp đồng.

Ngoài trợ cấp ban đầu và tiền lương, chuyên gia còn được hưởng các khoản trợ cấp, phần tăng thêm thu nhập phát sinh từ các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ… khác của đơn vị, các khoản tiền thưởng, tài trợ.

"Thưởng" tới 1,5 tỉ đồng cho công trình khoa học hiệu quả 

Ngoài các khoản trên, mức phụ cấp khuyến khích nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mà chuyên gia sẽ được nhận:

Cứ mỗi công trình, đề tài nghiên cứu khoa học, giải pháp, sáng kiến đổi mới kỹ thuật, công nghệ từ cấp thành phố và tương đương trở trên được cơ quan thẩm quyền công nhận, phê duyệt thì được hưởng phụ cấp khuyến khích bằng 1% tổng kinh phí, ngân sách cho công trình, đề tài đó. Tổng mức hỗ trợ không thấp hơn 50 triệu đồng/người.

Trường hợp công trình, đề tài được phê duyệt vượt quá 100 tỉ đồng thì mức hỗ trợ tối đa là 1 tỉ đồng/người/công trình.

Trường hợp công trình, đề tài có nhiều chuyên gia, nhà khoa học trẻ tham gia thì phụ cấp khuyến khích không quá 1% tổng kinh phí dự án. Mức hỗ trợ khuyến khích cho tổ chuyên gia không thấp hơn 30 triệu/người và tổng số tiền phụ cấp cho tổ chuyên gia không quá 1,5 tỉ đồng.

Chuyên gia, nhà khoa học còn được thành phố xem xét bố trí nhà công vụ, thuế thu nhập cá nhân, chuyên gia Việt Nam có quốc tịch nước ngoài được hỗ trợ thủ tục cấp thị thực Việt Nam, chuyển đổi ra ngoại tệ và mang ra khỏi Việt Nam, khen thưởng, tôn vinh…

Đối tượng dự tuyển thuộc 1 trong 2 nhóm:

Nhóm 1: Có tuổi đời và thành tích học tập, thành tích nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu tại điều 2 Nghị định 140/2007 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.

Nhóm 2: Nếu không thuộc nhóm , ứng viên dự tuyển phải có trình độ tiến sĩ hoặc học hàm, học vị giáo sư, phó giáo sư. Nếu chưa phải tiến sĩ thì phải là thạc sĩ loại xuất sắc do các cơ sở trong nước kiểm định đạt tiêu chuẩn bộ Giáo dục đào tạo, hoặc tốt ngiệp loại giỏi ở cơ sở nước ngoài được công nhận; thời gian công tác ít nhất 5 năm; đáp ứng ít nhất một trong các yếu tố: chủ trì 1 đề án, đề tài cấp bộ và tương đương, người Việt Nam ở nước ngoài là 1 công trình khoa học cấp quốc gia/liên bang; có 2 công trình nghiên cứu, bài báo khoa học được công bố trên tạp chí khoa học của Việt Nam học nước ngoài; chủ biên ít nhất 1 sách chuyên khảo cấp quốc gia, quốc tế được hội đồng thẩm định…

Trường hợp tham gia lĩnh vực tư vấn, hoạch định chính sách thì phải là thành viên của ban soạn thảo, tổ nghiên cứu chiến lược của 2 dự án, đề án, chương trình trọng điểm về kinh tế - xã hội cấp tỉnh và tương đương…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.