TP.HCM đối mặt 4 đợt dịch Covid-19 ra sao?

13/06/2021 13:59 GMT+7

Với vị trí là thành phố lớn nhất cả nước, trung tâm đầu não kinh tế ở phía Nam, TP.HCM chưa từng “thoát” một đợt dịch Covid-19 nào. Dù cho dịch xuất phát từ đâu, cuối cũng đều xuất hiện ở TP.HCM.

Đợt dịch Covid-19 thứ 4 phức tạp nhất

TP.HCM xuất hiện bệnh nhân Covid-19 đầu tiên vào ngày 23.1.2020, cũng là ngày VN xuất hiện ca bệnh đầu tiên, là 2 bố con người Trung Quốc nhập cảnh vào VN (2 ca bệnh có nguồn gốc từ Vũ Hán). Đến ngày 17.3, tức gần 2 tháng sau, TP.HCM mới ghi nhận ca bệnh trong cộng đồng đầu tiên (là các bệnh nhân liên quan tới bệnh nhân 34 tại Bình Thuận, nhập cảnh sân bay Tân Sơn Nhất).
Trong đợt dịch Covid-19 thứ nhất (từ 23.1.2020 - 16.4.2020) TP.HCM chỉ ghi nhận 54 ca bệnh và chỉ có 15 ca lây nhiễm cộng đồng (chiếm 27,7%). Tính trung bình, đợt dịch này ghi nhận 0,63 ca/ngày. Các ca bệnh tại TP.HCM (cả cách ly, nhập cảnh) tập trung trong khoảng 14 ngày cuối của đợt dịch (từ 18.3.2020 - 2.4.2020) là đợt dịch coi như được kiểm soát.

TP.HCM chưa có quyết định cuối cùng về nới lỏng giãn cách xã hội chống Covid-19

Cũng trong đợt dịch Covid-19 thứ nhất, TP.HCM chỉ có một ổ dịch trong cộng đồng là ổ dịch liên quan tới bar Buddha (P.Thảo Điền, TP.Thủ Đức). Ổ dịch được cho là bắt nguồn từ 1 bữa tiệc được tổ chức tại đây ngày 14.3. Tổng cộng đã có 19 bệnh nhân Covid-19 liên quan tới ổ dịch này, trong đó 14 người từng có mặt trong bữa tiệc, 5 trường hợp còn lại bị lây nhiễm do tiếp xúc với những người này. Trong số này, có 4 bệnh nhân là F2 trở thành F0; và 1 F3 trở thành F0.
Trong đợt dịch Covid-19 thứ 2 (từ 25.7.2020 - 1.12.2020), TP.HCM cũng chỉ ghi nhận 77 ca bệnh, trong đó chỉ có 11 ca bệnh trong cộng đồng (14%). Trung bình mỗi ngày 0,59 ca, còn thấp hơn tỷ lệ của đợt dịch thứ nhất. Các ca bệnh cũng tập trung ở giai đoạn cuối của đợt dịch, sau khi “tâm dịch” là TP.Đà Nẵng đã kiểm soát được dịch.

Qua xét nghiệp sàng lọc, TP.HCM đã phát hiện hàng trăm ca Covid-19 trong cộng đồng

Ảnh: NGỌC DƯƠNG

Trong đợt dịch Covid-19 thứ 3 (từ 28.1.2021 - 25.3.2021), TP.HCM có 54 ca bệnh, trung bình mỗi ngày cũng chưa tới 1 ca. Số ca lây nhiễm cộng đồng nhiều hơn (36 ca, chiếm hơn 66%). 35/36 ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng của đợt dịch này đều liên quan tới 1 nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất (chưa rõ nguồn lây). Tuy nhiên, các ca bệnh chỉ xuất hiện từ 6.2 cho tới 13.2 (8 ngày) thì gần như đã được kiểm soát, khi không xuất hiện thêm ca bệnh mới.
Đợt dịch Covid-19 thứ 4 đến nay đã kéo dài 48 ngày (từ 27.4) lan rộng trên 43 tỉnh, thành của cả nước.
Riêng TP.HCM, từ 27.4 đến sáng 13.6 có hơn 700 ca nhiễm Covid-19 (trung bình hơn 15 ca/ngày; gấp từ khoảng 15 - 30 lần so với mỗi đợt dịch trước đó), gấp hơn 3 lần của tổng số ca nhiễm 3 đợt trước cộng lại. Hiện TP.HCM có hàng trăm điểm, khu vực tạm phong tỏa; khoảng 8.000 người đang cách ly tập trung, 14.000 trường hợp đang cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú.

Có mấy điểm đáng chú ý của đợt dịch thứ 4 này. Thứ nhất là xuất hiện nhiều ca bệnh Covid-19 không rõ nguồn lây, có những người không có lịch sử dịch tễ tiếp xúc với ai, nhưng vẫn mắc bệnh; có người tình cờ đi khám phát hiện ra mắc bệnh, cho thấy có những nguồn bệnh chưa được tìm thấy. Cần nhấn mạnh là chưa bao giờ ở VN xuất hiện nhiều ca bệnh chưa rõ nguồn gốc như vậy.

Thứ hai, TP.HCM đang phải đối mặt với ổ dịch Covid-19 rất phức tạp là nhóm truyền giáo Phục Hưng (441 ca nhiễm), gây ra 6 chuỗi lây nhiễm trên địa bàn TP và nhiều địa phương lân cận. TP.HCM cũng phát hiện 48 bệnh nhân Covid-19 qua khám sàng lọc tại các bệnh viện, phòng khám; từ các ca chỉ điểm đã phát hiện thêm 4 chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng. Việc kiểm soát, truy vết, khoanh vùng dập dịch vẫn đang tiếp tục ở mức cao. Dịch cũng đã xuất hiện tại một số cơ sở sản xuất của doanh nghiệp có quy mô lớn.
Thứ ba, có nhiều F2, F3 đã trở thành F0, cho thấy đã trải qua nhiều chu kỳ lây nhiễm (Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng ổ dịch Covid-19 nhóm truyền giáo Phục Hưng có thể đã trải qua 4 - 5 chu kỳ lây nhiễm).

Nhìn lại gần một năm rưỡi chống dịch và dấu mốc 10.000 ca Covid-19 ở Việt Nam

Ý nghĩa của giãn cách

Nếu nói về số liệu thuần túy, trong ngày cao điểm nhất là 1.6, TP.HCM ghi nhận 70 ca bệnh Covid-19, chưa đáng kể so với Bắc Giang trong đợt này, hay Hải Dương trong đợt dịch thứ 3. Nhưng về mức độ nguy hiểm, TP.HCM gây lo lắng hơn cho các nhà chuyên môn, vì 3 điểm đã đề cập ở trên, và vì độ phức tạp của địa bàn.
Cũng như Đà Nẵng trong đợt 2, TP.HCM bây giờ cũng đã thực hiện giãn cách (15 ngày, tính từ 0 giờ ngày 31.5). Trong đợt dịch thứ 2 và thứ 3, TP.HCM đã không cần đến biện pháp này.

Q.Gò Vấp (TP.HCM) lập chốt kiểm soát dịch bệnh khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng

Ảnh: KHẢ HÒA

Mấy ngày vừa qua, số ca bệnh Covid-19 tuy có giảm so với ngày 1.6, và từ 7.6 số ca nhiễm có xu hướng tăng trở lại (Sở Y tế TP.HCM dự báo sẽ tăng 40 - 50 ca mỗi ngày nhưng đều trong khu cách ly, phong tỏa) nhưng bức tranh tổng thể dịch ở TP.HCM vẫn còn chưa rõ.
Muốn có bức tranh này, chính quyền và các nhà chuyên môn trước hết phải “đuổi kịp” dịch, phong tỏa các khu vực nguy cơ cao, truy vết triệt để, kiểm soát nguồn lây, rồi mới tới giai đoạn xét nghiệm sàng lọc diện rộng Covid-19 trong cộng đồng để đánh giá. Với địa bàn rộng, dân số đông và chuyển động chằng chịt của một TP năng động nhất cả nước, thì việc đánh giá nguy cơ của TP.HCM cũng thách thức hơn tất cả các TP khác, kể cả Hà Nội.
Một điểm bất lợi nữa cho TP.HCM, là đợt dịch này xảy ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều địa bàn, như Bắc Giang, Bắc Ninh, thậm chí cả Hà Nội, nên khi F1, F2, F3 có thể chưa được kiểm soát một cách triệt để nhất, thì nguy cơ về dịch vẫn còn cao.
Cùng với đủ thứ “hơn” khác đã được phân tích ở trên, thời gian để kiểm soát được dịch Covid-19 ở TP.HCM dự báo cũng sẽ kéo dài hơn Đà Nẵng. Dịch cũng đã lây nhiễm đối với nhân viên nhiều bệnh viện, nhất là tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM với 22 ca nhiễm đã được Bộ Y tế công bố sáng 13.6.

sáng 13.6, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM cho hay, tinh thần của TP.HCM trong những ngày tới là nới các biện pháp không quá cần thiết

Ảnh: ĐỘC LẬP

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, sau khi kiểm soát được dịch ở Đà Nẵng, ngành y tế đã xét nghiệm sàng lọc 15.000 mẫu và phát hiện ra 57 trường hợp đã mắc Covid-19, nhưng chuỗi lây nhiễm bị cắt đứt vì Đà Nẵng thực hiện giãn cách thành công. Nếu không giãn cách, thì 57 trường hợp này có thể trở thành 57 ổ dịch khác nhau, và việc có kiểm soát được dịch hay không, trở nên bất định hơn nhiều.
Đó là ý nghĩa của giãn cách, và là câu trả lời cho những hy sinh của người dân khi phải tuân thủ giãn cách.
Trong tình cảnh vẫn chưa thể nhận định đầy đủ nhất về dịch Covid-19 như tại TP.HCM hiện nay (đã qua 14 ngày giãn cách xã hội nhưng số ca nhiễm vẫn phát sinh hàng chục ca mỗi ngày và từ nhiều chuỗi lây nhiễm khác nhau), điều tốt hơn cả người dân có thể làm là bảo vệ chính mình, bảo vệ người thân của mình bằng cách tuân thủ các hướng dẫn an toàn; và làm cho thời gian giãn cách đáng giá, cũng bằng cách tuân thủ nghiêm quy định phòng chống dịch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.