TP.HCM dứt khoát thực hiện cho được mục tiêu kiểm soát dịch bệnh trước 15.9

15/08/2021 06:11 GMT+7

Dự kiến hôm nay (15.8), UBND TP.HCM sẽ công bố kế hoạch triển khai các biện pháp để kiểm soát dịch bệnh trước ngày 15.9 theo 2 giai đoạn (15 - 31.8 và 1 - 15.9).

Hôm qua (14.8), Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ gửi Thành ủy, UBND TP.HCM và Bộ Y tế về báo cáo sơ kết 7 ngày triển khai Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM (Chỉ thị 12 về việc tăng cường một số biện pháp thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ).
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu TP.HCM thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và Chỉ thị 12; kiên định, dứt khoát thực hiện cho được mục tiêu được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 86. TP.HCM cần tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các cơ quan, địa phương, đơn vị liên quan để tiếp tục thực hiện các giải pháp có hiệu quả, nhanh chóng giảm nhanh số ca bệnh nặng, hạn chế tối đa số ca tử vong do Covid-19.

Nghẹn ngào, bật khóc ngày đến chùa gửi cốt cha mất vì Covid-19

Tại Nghị quyết 86, một trong các nội dung đáng chú ý nhất là Thủ tướng đặt mục tiêu cho TP.HCM là phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15.9.
Dự kiến hôm nay (15.8), UBND TP.HCM sẽ công bố kế hoạch triển khai các biện pháp để kiểm soát dịch bệnh trước ngày 15.9 theo 2 giai đoạn (15 - 31.8 và 1 - 15.9).
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp và khó lường, việc TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 là điều khó tránh khỏi. Thống kê cho thấy từ đầu tháng 8 đến nay, số ca nhiễm mỗi ngày tại TP dao động 3.000 - 4.000 ca, dù giảm so với cuối tháng 7 nhưng chưa bền vững. Trong tình huống khả quan, dịch bệnh được kiểm soát vào giữa tháng 9 thì người dân TP.HCM sẽ trải qua 3 tháng rưỡi giãn cách xã hội ở nhiều cấp độ khác nhau.
Về các giải pháp cụ thể, tại buổi họp báo ngày 13.8, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết sẽ tiếp tục nỗ lực để làm được việc đã tuyên bố lâu nay, là giãn cách xã hội phải “chặt ngoài, chặt trong” chứ không để “chặt ngoài, lỏng trong”. Trong đó, kiểm soát giãn cách xã hội ở các khu phong tỏa sẽ được quan tâm đặc biệt theo yêu cầu “nhà cách nhà” kết hợp với xét nghiệm bóc tách F0; chỉ cần giảm 50% số ca F0 trong khu phong tỏa thì sẽ giảm được hàng ngàn ca mỗi ngày.

Quận 3 bắt đầu tiêm vắc xin Vero Cell ngừa Covid-19 cho người dân

Một giải pháp khác là đánh giá đúng thực trạng “vùng xanh”, “vùng đỏ” để áp dụng biện pháp phù hợp trên tinh thần “đã xanh càng xanh hơn, vàng thì chuyển lên xanh, và đỏ thì chuyển màu dần để tiến về xanh”.
Như bước chuẩn bị cho chiến lược giữ vững và mở rộng “vùng xanh” ở mức nghiêm ngặt và triệt để, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu vừa có văn bản hướng dẫn 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức nhằm chuẩn hóa mô hình hoạt động các chốt bảo vệ “vùng xanh” do người dân lập ra tự phát. “Vùng xanh” chỉ có 1 lối ra và 1 lối vào riêng biệt, kiểm soát 24/24, các lối phụ, hẻm nhỏ được đóng chặt; người dân bên trong “vùng xanh” chỉ đi chợ mỗi tuần 1 lần, bổ sung các điểm cung ứng thực phẩm; cư dân kiểm danh, kiểm diện hằng ngày…

Công nhân, sinh viên dậy sớm mang thẻ đi tiêm vắc xin Covid-19

Ùn ứ cục bộ ngày đầu kiểm tra “di biến động dân cư”

Từ chiều 14.8, lực lượng trực chốt kiểm soát khu vực nội đô TP.HCM bắt đầu kiểm tra “di biến động dân cư” của người dân thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh. Theo quy trình, người dân qua chốt sẽ được hướng dẫn kê khai thông tin lịch trình di chuyển trên website https://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn hoặc mã QR có sẵn tại chốt. Cụ thể, người dân điền đầy đủ thông tin cá nhân, phương tiện, lộ trình di chuyển (điểm đi, điểm đến), yếu tố dịch tễ… rồi gửi lên hệ thống và nhận được một mã QR; sau đó đưa mã này cho lực lượng trực chốt kiểm tra rồi đi qua. Ngoài khai báo bằng mã QR nêu trên, người dân vẫn phải xuất trình các loại giấy tờ chứng minh việc ra đường là cần thiết.
Trong ngày đầu triển khai, tại nhiều chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM xảy ra tình trạng người dân tập trung để khai báo theo mẫu, nhiều người bối rối vì quá bất ngờ, nhầm lẫn với khai báo y tế. Hậu quả là ùn ứ cục bộ có thời điểm rất nghiêm trọng.
Trước khi áp dụng cho toàn TP.HCM, hình thức kiểm tra này được áp dụng từ tối 12.8 đối với 12 chốt kiểm soát dịch ở khu vực cửa ngõ giáp ranh với 4 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Tây Ninh.
Cũng trong ngày 14.8, tin từ Sở Y tế TP.HCM cho biết trong ngày, TP đã tiêm được hơn 61.000 liều vắc xin Covid-19. Như vậy, tổng số người được tiêm trong đợt 5 đến 21 giờ ngày 14.8 là hơn 3,4 triệu người. Riêng trong 2 ngày 13 và 14.8, TP.HCM đã có hơn 53.000 người tiêm vắc xin Vero Cell (ngày 13.8 có 17.748 người tiêm vắc xin này và ngày 14.8 số tiêm tăng hơn).
Nguyên Vũ - Duy Tính
Ghi nhận những ngày gần đây, dù dịch bệnh vẫn phức tạp nhưng lượng người ra đường tại TP.HCM đã đông hơn, nhiều chốt kiểm soát khu vực nội ô không còn nghiêm ngặt như những ngày đầu. Thực trạng này đã được lãnh đạo TP.HCM nhận diện, đồng thời kêu gọi sự chung sức, đồng lòng của người dân để sớm kiểm soát dịch bệnh, sớm quay trở lại cuộc sống bình thường mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.