TP.HCM: Người dân đem theo cơm chờ qua chốt kiểm soát Covid-19 để về quê

31/07/2021 13:21 GMT+7

Bị chặn lại tại các chốt kiểm soát Covid-19 trên đường về miền Tây, nhiều người lấy cơm chuẩn bị sẵn ra ăn. Có người còn chuẩn bị cả nồi để nấu ăn tại chỗ nếu phải chờ lâu.

Trưa 30.7, nhiều người lỉnh kỉnh đồ đạc trên xe máy từ Đồng Nai, Bình Dương, TP.Thủ Đức TP.HCM về lại các tỉnh miền Tây. Nhưng họ không thể qua các chốt kiểm soát Covid-19 tại địa bàn H.Bình Chánh để qua địa phận Long An.

Vạ vật trên đường về miền Tây vì không qua được chốt kiểm soát Covid-19

Đem theo cơm, nồi nấu ăn chờ qua chốt

Chạy chiếc xe máy chở người mẹ cùng lỉnh kỉnh ba lô đồ đạc, anh Nguyễn Kim Toàn (19 tuổi, quê Đồng Tháp) vừa đến chốt kiểm soát trên QL1 đoạn qua xã Tân Kiên, H.Bình Chánh (TP.HCM) thì bị chặn lại.

Nhiều người đến chốt kiểm soát tại H.Bình Chánh được yêu cầu quay đầu

ẢNH: TRẦN KHA

Toàn cho hay, anh cùng mẹ lên TP.HCM làm phụ hồ. Hơn tháng nay dịch bệnh bùng phát, hai mẹ con thất nghiệp không có tiền đóng trọ, tiền ăn uống, nên đành quay về lại quê Đồng Tháp. Tuy nhiên mới đi đến đây thì mẹ con anh bị chặn lại. Do đã trả lại chỗ trọ, Toàn và mẹ cũng không thể quay lại.
Ngồi nép vào cột điện trên vỉa hè trong nắng gắt, bà Ngô Thị Nga (55 tuổi, quê Cà Mau) buồn rầu vì hai vợ chồng làm thợ hồ, mất việc khoảng tháng nay. Không có tiền đóng trọ nên họ quyết định đi xe máy từ Đồng Nai về quê Cà Mau. Vừa đến đây, hai vợ chồng bà Nga được yêu cầu quay đầu xe.
“Không cho qua chốt, tôi cũng không biết làm sao, trả phòng trọ rồi giờ quay lại thì ở đâu”, bà Nga nói.

Người dân mang theo cơm ăn tại chốt chờ được đi qua

ẢNH: TRẦN KHA

Vợ chồng bà Nga đưa ra tờ giấy xác nhận của chủ phòng trọ. Trên tờ giấy, người chủ trọ ở P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa, Đồng Nai viết: “Hai vợ chồng đến thuê được mấy bữa thì dịch bệnh. Những người này đều làm thợ hồ, nay không có việc làm nên xin phường xác nhận cho họ về quê…”.
Ngoài ra, bà Nga còn mang theo cả nồi, mì gói để nấu ăn trong trường hợp xấu nhất không được qua chốt.

Bản tin Covid-19 ngày 31.7: Cả nước 8.624 ca bệnh, 19 tỉnh thành giãn cách xã hội thêm 14 ngày

Đi không được, quay lại cũng không xong

Theo ghi nhận, dọc QL1 qua địa bàn H.Bình Chánh hướng về tỉnh Long An dài khoảng 3km có đến 5 chốt kiểm soát thuộc TP.HCM.
Phần lớn những người “mắc kẹt” tại các chốt này là người Cà Mau, Bến Tre, Cần Thơ đi làm tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, khi về quê thì không thể đi tiếp.
Theo đó, hầu hết người chạy xe máy khi lưu thông đến các chốt này đều được yêu cầu quay đầu. Chỉ một số người trình ra các giấy tờ như đi chợ hay các lý do được cho phép mới được đi qua.
Ngồi nép bên mái hiên nhà dân bên đường để tránh nắng, chị Phan Thị Cẩm Nhung (35 tuổi, quê Cần Thơ) cùng chồng Nguyễn Văn Sơn (40 tuổi) cho hay đã kẹt tại chốt kiểm soát qua TT.Tân Túc (H.Bình Chánh) nhiều tiếng đồng hồ.
Vợ chồng chị Nhung thuê nhà, đi làm thợ hồ tại tỉnh Đồng Nai. Cuộc sống quá khó khăn, không thể bám trụ lại, vợ chồng chị quyết định về quê. Trước khi về, chị Nhung cho biết đã hỏi thông tin nhiều nơi từ cơ quan chức năng chỗ chị ở và được cho biết có giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính thì cứ về. “Chúng tôi đến công an, ra chốt ở Long Thành hỏi lực lượng ở đó rằng với giấy tờ như vậy thì có ra về được không thì họ nói là ra về được nên chúng tôi mới về”, chị Nhung nói.

Lực lượng chức năng trao đổi, lập danh sách những người có nhu cầu về quê để báo chỉ huy

ẢNH: TRẦN KHA

Tuy nhiên trên đường về quê, chị Nhung bị kẹt tại chốt đoạn qua H.Bình Chánh khiến chị rất lo lắng. “Trước khi đi, chủ trọ thông báo nếu quay lại họ sẽ không hỗ trợ vì sợ mang dịch bệnh về. Bây giờ mình đi không được, quay lại cũng không xong, ăn nằm ở đây luôn chứ sao giờ”, chị Nhung buồn rầu.
Trong khi đó, một số trường hợp khác bị kẹt lại tại chốt cho hay có biết quy định không được đi xe máy về quê, nhưng rơi vào cảnh “đuổi khỏi chỗ trọ” nên không thể ở lại. 
Tại chốt kiểm soát cuối của H.Bình Chánh (TP.HCM) trên QL1 giáp Long An, một cán bộ đang làm nhiệm vụ tại đây cho hay chỉ giải quyết cho đi qua với xe tải chở hàng, xe chở người trọng bệnh đi cấp cứu. Các trường hợp khác phải quay đầu, hoặc bị lập biên bản xử phạt.
Trong trường hợp người dân có nguyện vọng trở về quê thì sẽ phải đi có sự tổ chức, phối hợp giữa TP.HCM và địa phương nơi người dân về. Người dân có thể liên hệ với các hội đồng hương để được hỗ trợ.
Đến chiều muộn cùng ngày (30.7), vẫn còn rất nhiều người tập trung tại chốt kiểm soát Covid-19 qua xã Tân Kiên. Lực lượng chức tại đây tiến hành vận động, tuyên truyền cho bà con hiểu các quy định về phòng chống dịch bệnh, bên cạnh đó tìm các phương án giải quyết.
Qua mạng xã hội, một cán bộ văn hóa xã Tân Kiên tìm ra được một liên kết về thông tin hỗ trợ người dân Đồng Tháp về quê. Vị cán bộ này sau đó phát loa, lấy thông tin khai báo, lập danh sách người dân để có thể có phương tiện là xe ô tô chuyên chở từ nhóm hội đồng hương trên mạng xã hội hỗ trợ người dân quay về quê.

TP.HCM sẽ có thêm 5 triệu liều vắc xin Covid-19 trong tháng 8

TP.HCM ra văn bản khẩn phối hợp các địa phương đưa người dân về quê

Trước tình hình diễn biến dịch phức tạp, người dân tại TP.HCM đang tự ý về quê, di chuyển bằng xe cá nhân, không đảm bảo các yêu cầu về kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19, ngày 30.7, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình ký 2 văn bản khẩn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; Sở GTVT TP.HCM và các sở ngành khác tại TP.HCM phối hợp tổ chức đưa người dân tại TP.HCM đang có nguyện vọng về quê trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Cụ thể, văn bản số 2544 của UBND TP.HCM đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư khi có nhu cầu tổ chức cho người dân đang cư trú tại TP.HCM về địa phương, cần gửi kế hoạch tổ chức đưa đón để TP.HCM phối hợp thực hiện; chỉ định cơ quan, tổ chức, hoặc Hội đồng hương tại TP.HCM làm đầu mối tiếp nhận đăng ký theo yêu cầu, tổ chức xét nghiệm, thông báo số lượng người dân được tổ chức vận chuyển, địa điểm và thời gian vận chuyển.
Đồng thời, UBND TP.HCM đề nghị UBND các tỉnh, thành khác chỉ đạo tổ chức vận chuyển tập trung bằng các phương tiện giao thông công cộng: hàng không, đường sắt, đường bộ. Không di chuyển bằng phương tiện giao thông cá nhân; yêu cầu đơn vị cung ứng vận chuyển chấp hành nghiêm phương án phòng dịch Covid-19.
UBND TP.HCM cũng ban hành văn bản 2548, giao Sở GTVT, sẽ là đầu mối của TP.HCM để phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân di chuyển đến các vị trí tập kết trên địa bàn TP.HCM, sau khi UBND TP.HCM nhận được văn bản, kế hoạch của các tỉnh, thành trực thuộc T.Ư; thông tin đến UBND TP.Thủ Đức và UBND quận, huyện, các đơn vị liên quan về phương thức vận chuyển, số lượng người dân di chuyển theo danh sách, địa điểm cùng thời gian vận chuyển.
Ngoài ra, UBND TP.HCM giao Sở Y tế phối hợp các quận, huyện, TP.Thủ Đức tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có tên trong danh sách hoặc kế hoạch di chuyển về quê, được ưu tiên xét nghiệm và trả kết quả trong thời gian sớm nhất; khuyến cáo các trường hợp không được di chuyển.
UBND TP.HCM cũng giao UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện; Công an TP.HCM, Bộ Tư lệnh TP.HCM chỉ đạo tăng cường tuyên truyền vận động người dân có nguyện vọng trở về địa phương phải chấp hành các quy định phòng chống dịch, không tự ý di chuyển khỏi nơi cư trú. Chỉ di chuyển khi có kế hoạch và được sự đồng ý tiếp nhận của tỉnh, thành phố liên quan…
 Phan Thương
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.