TP.HCM: Những 'bóng hồng' ở Trạm y tế lưu động số 7

Khánh Trần
Khánh Trần
05/09/2021 07:23 GMT+7

Tại Trạm y tế lưu động số 7 (P.14, Q.10, TP.HCM) bác sĩ, sinh viên Học viện Quân y cùng các tình nguyện viên tất bật với việc thăm khám, cấp cứu cho các F0.

Viết đơn xin tình nguyện đi chống dịch ở TP.HCM

Trần Thị Hạnh (21 tuổi), học viên năm 4 của Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng), cùng nhiều học viên khác viết đơn xin đi chống dịch Covid-19 ở TP.HCM. Dẫu phải đối mặt với một thử thách không hề nhỏ nhưng với những gì mình được học tập ở trường cùng những buổi tập huấn, Hạnh tự tin lên đường hỗ trợ chống dịch Covid-19 ở TP.HCM.
Để bố mẹ, gia đình bớt lo lắng khi con vào TP.HCM chống dịch, cô học viên năm 4 của Học viên Quân y chỉ báo công việc rất đơn giản.

Hàng trăm ngàn người tại TP.HCM tới thời gian tiêm vắc xin Covid-19 Moderna mũi 2

Là một trong 300 học viên Học viên Quân y được phân công nhiệm vụ tại các trạm y tế lưu động, Hạnh cùng một học viên khác được phân công về Trạm y tế lưu động số 7 (P.14, Q.10) do bác sĩ Hoàng Văn Ái (29 tuổi, Học viện Quân y) làm Trưởng trạm. Những lo lắng và bỡ ngỡ ngày đầu về trạm đều bỏ lại phía sau, Hạnh hòa mình vào công việc thăm khám, cấp cứu cho các F0 đang điều trị tại nhà ở P.14 và P.8, Q.10.
Ngày 2.9, theo lịch phân công, Hạnh và Nguyễn Thị Xuyến (21 tuổi, tình nguyện viên) hỗ trợ xét nghiệm Covid-19 cho các shipper hoạt động theo quy định của thành phố. Việc xét nghiệm bắt đầu từ 5 giờ nên từ 4 giờ 30, Hạnh và Xuyến đã chuẩn bị sẵn sàng trước cửa trạm để đón những bác tài đến sớm hơn dự kiến. Đến 7 giờ, xong công việc xét nghiệm cho các shipper, ăn vội bữa sáng, Hạnh và Xuyến tranh thủ kiểm tra lại danh sách các bệnh nhân để chuẩn bị cho buổi thăm khám.
“Ngoài thăm khám thì chúng em cũng phụ trách luôn nhập liệu hằng ngày về thông tin các bệnh nhân, từ đó nắm tình hình bệnh nhân và chuẩn bị cho công việc trong ngày”, Hạnh cho biết. Vừa kiểm tra số liệu, vừa trao đổi với một gia đình có F0 là sản phụ cần được theo dõi sát, ngoài trao đổi thông tin liên tục qua tin nhắn, Hạnh cũng trấn an tâm lý để gia đình bình tâm hơn.

Nữ quân y Trần Thị Hạnh (học viên Học viện Quân y) vừa nhập liệu vừa tư vấn cho bệnh nhân qua điện thoại

KHÁNH TRẦN

Được phân công hỗ trợ tại Trạm y tế lưu động số 7, Nguyễn Thị Xuyến (21 tuổi, sinh viên một trường đại học tại TP.HCM), tham gia hỗ trợ tiếp nhận thông tin, nhập số liệu, chở các bác sĩ đến nhà F0 để thăm khám, cấp cứu.
Khi Trạm y tế lưu động số 7 được thành lập, Xuyến được phân công hỗ trợ cố định tại trạm, cô sinh viên dọn đến ở luôn tại trạm để thuận tiện trong việc hỗ trợ. Hỗ trợ xét nghiệm cộng đồng, nhập liệu là việc Xuyến đã rất thành thục sau hơn 2 tháng tham gia tình nguyện ở nhiều nơi.
“Dịch bệnh kéo dài thế này, ở trường vẫn chưa đi học lại nên em muốn làm gì đó để giúp đỡ mọi người. Mỗi lần đi cấp cứu, mình hỗ trợ kịp thời giúp họ ổn định, rồi được nhắn tin cảm ơn, em cảm giác như mình được tiếp thêm động lực”, Xuyến chia sẻ.

Tổ thăm khám các F0 tại nhà bằng xe máy, trên xe chở đầy thuốc và trang thiết bị khám bệnh

KHÁNH TRẦN

Cũng được phân công hỗ trợ tại Trạm y tế lưu động số 7 khi trạm được thành lập, hằng ngày, chị Nguyễn Trần Thu Trang (tình nguyện viên) chuẩn bị các trang thiết bị trước khi bác sĩ khám, trực điện thoại tại trạm để tiếp nhận thông tin cấp cứu hay những ca nhiễm Covid-19 (F0) mới.
Rành đường trên địa bàn, chị Trang kiêm luôn tài xế chở bác sĩ đi thăm khám tận nơi và hỗ trợ phân phối thuốc, thiết bị, khử khuẩn sau khi bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân. “Dịch nên công việc của mình cũng phải tạm ngưng, mình nghĩ nên góp sức cho cộng đồng chứ ở nhà thì phí phạm thời gian lắm. Tới đây giúp đỡ mọi người, mình cảm nhận được nhiều năng lượng tích cực hơn”, chị Trang chia sẻ.

Chị Nguyễn Trần Thu Trang (bên phải) hỗ trợ bác sĩ Hoàng Văn Ái khi đi thăm khám cho F0 tại nhà

KHÁNH TRẦN

Không chỉ hỗ trợ tại Trạm y tế lưu động số 7, từ khi dịch bùng phát đến nay, chị Trang thường tham gia hỗ trợ tiêm vắc xin, xét nghiệm cộng đồng, và lúc rảnh thì tham gia phát thuốc cho các F0 cùng các nhóm tình nguyện.

Lao vào vùng dịch

Như mọi ngày, khoảng 9 giờ sáng, các thành viên của Trạm y tế lưu động số 7 chia 2 tổ thăm khám cho các F0, mỗi tổ 2 người. Cùng tổ với bác sĩ Hoàng Văn Ái, chị Nguyễn Trần Thu Trang khá quen thuộc với những con hẻm ở P.14, Q.10 nên chị đảm nhận việc dẫn đường và hỗ trợ vòng ngoài khi bác sĩ Ái vào thăm khám.

Chị Nguyễn Trần Thu Trang và bác sĩ Hoàng Văn Ái đi thăm khám cho F0 tại nhà

KHÁNH TRẦN

Trong trang phục bảo hộ kín mít, chiếc xe máy của chị Trang chất đầy các trang thiết bị và túi thuốc, mỗi ngày len lỏi vào từng con hẻm đến với F0 đang cách ly tại nhà.
Mỗi ngày, những cuộc gọi đến số máy của Trạm y tế lưu động số 7 liên tục không dứt, hết cuộc gọi này đến cuộc gọi khác. Mỗi ngày, rất nhiều F0 cần được thăm khám, chưa kể những trường hợp cần cấp cứu đột xuất.
Hoàn thành thăm khám buổi sáng khi đã quá 12 giờ, các thành viên đang ăn vội bữa trưa thì tiếng chuông điện thoại reo. Người gọi điện cho biết một bệnh nhân nữ 80 tuổi có triệu chứng khó thở, bỏ ăn. Ngay lập tức, thông tin chi tiết của bệnh nhân được ghi nhận. 
Qua đánh giá nhanh tình hình, bác sĩ Hoàng Văn Ái cho chuẩn bị bình ô xy, túi thuốc, máy đo huyết áp, máy đo nồng độ ô xy trong máu. Và tổ cấp cứu gồm chị Hạnh và Nguyễn Trí Thanh (học viên Học viện Quân y) cấp tốc đến nhà bệnh nhân.

Tổ cấp cứu đến nhà bệnh nhân

KHÁNH TRẦN

Bất kể ngày hay đêm, mỗi khi có cuộc gọi cần hỗ trợ, tổ cấp cứu Trạm y tế lưu động số 7 đều cố gắng có mặt sớm nhất có thể.
“Có những cuộc gọi cấp cứu lúc nửa đêm, trời lại mưa to, bác sĩ Ái cùng Thanh gọi xe chở, chuẩn bị thuốc bình ô xy rồi lại đi tiếp dù đã thăm khám bệnh cả ngày. Em nhìn chẳng cầm nổi nước mắt vì thương mọi người, tự nhủ mình sẽ luôn cố gắng cùng mọi người đến khi đẩy lùi được dịch Covid-19”, Hạnh bộc bạch.
Ca cấp cứu đầu tiên của nữ học viên Học viện Quân y Trần Thị Hạnh là một bệnh nhân lớn tuổi, bị khó thở nặng và người nhà gọi cấp cứu. Hỏi thăm thông tin, biết bệnh nhân có tiền sử đột quỵ, huyết áp cao, tiểu đường, Hạnh quyết định thực hiện cấp cứu một mình.
Lần đầu tiên thực hiện một mình, Hạnh không khỏi hồi hộp. “Không rành đường nên em nhờ một bạn tình nguyện viên chở đi. Lúc đến nhà, lập tức cấp cứu cho bác và cho thở ô xy nhưng nồng độ ô xy trong máu của bác vẫn khá thấp. Bác gái nằm ở lầu 2 nên việc đưa bác xuống đi cấp cứu rất khó khăn, may sao xe cấp cứu đến kịp thời, em cùng tài xế có đồ bảo hộ mới đưa bác xuống được để chở đi cấp cứu kịp thời”, Hạnh nhớ lại.

Một ca cấp cứu trong đêm

NHÂN VẬT CUNG CẤP

Khi được hỏi làm việc với cường độ như vậy có đuối sức không, Hạnh chia sẻ: “Là một sinh viên trường y, em cũng quen với việc thức khuya dậy sớm rồi. Khác với lúc học ở bệnh viện và trường học, những thắc mắc đều được thầy cô hướng dẫn, nay vào đây, những tình huống thực tế em vận dụng hết những gì đã được học và tập huấn ở trường. Cũng đã đi trực đêm tại bệnh viện nên khi vào đây hỗ trợ, dù mệt nhưng cũng biết cách để thích nghi và động viên bản thân”.
Sau mỗi ca cấp cứu, khi bệnh nhân ổn định, mọi chỉ số đều trở lại bình thường cũng là lúc cả tổ cấp cứu thở phào nhẹ nhõm. Và cũng là lúc gia đình người bệnh nở nụ cười vui mừng, rối rít lời cảm ơn. Đó là sự động viên lớn nhất đối với các thành viên Trạm y tế lưu động số 7 trong cuộc chiến với Covid-19.

Covid-19 sáng 5.9: 511.170 ca nhiễm, 282.516 ca khỏi | Giải pháp cho người chưa tiêm mũi 2 Moderna?

Hiện Trạm y tế lưu động số 7 (P.14, Q.10, TP.HCM) đang chăm sóc cho khoảng 130 F0. Tổ đảm nhận việc thăm khám cho các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại nhà mỗi ngày, đồng thời test nhanh Covid-19 cho người dân nếu có biểu hiện hoặc nguy cơ nhiễm. Trước nhu cầu chăm sóc và hỗ trợ rất lớn, bác sĩ Hoàng Văn Ái luôn động viên các thành viên của trạm chịu khó, nỗ lực hơn vì lúc này người dân đang cần được chăm sóc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.