TP.HCM: Những tuyến đường nào 'hứa hẹn' hết cảnh ngập nước?

25/05/2021 16:03 GMT+7

Trong năm 2021, TP.HCM đặt mục tiêu giải quyết ngập nước cho 7 tuyến đường, gồm: Huỳnh Tấn Phát, Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn, Quốc lộ 50, Tân Quý, Trương Công Định, Ba Vân.

Cơn mưa kéo dài từ 8 giờ sáng 25.5 đến chiều cùng ngày khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn các quận 12, Bình Thạnh, Gò Vấp… và TP.Thủ Đức (TP.HCM) bị ngập nặng. Đường ngập nước khiến xe cộ chết máy, người dân bì bõm dắt bộ đi làm. Tại nhiều khu dân cư, nước tràn vào nhà dân khiến cuộc sống bị xáo trộn. Điệp khúc mưa lớn là ngập tái diễn liên tục trong các cơn mưa gần đây, dù cho hàng chục ngàn tỉ đồng được đầu tư vào nhiều dự án.

Cố gắng không để tái ngập

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, chỉ riêng giai đoạn 2016 - 2020, gần 28.500 tỉ đồng được giao để đầu tư các dự án chống ngập. Nhiều dự án hoàn thành đã phát huy tác dụng, nhưng vẫn còn nhiều dự án còn dang dở.
Về mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết sẽ cố gắng không để tái ngập tại các vị trí đã được giải quyết trong phạm vi 550 km2 thuộc giai đoạn 2016 - 2020; tập trung giải quyết ngập bền vững cho lưu vực trung tâm rộng hơn 106 km2 và cơ bản giải quyết thoát nước cho các vùng còn lại.

Ngập nước là nỗi ám ảnh đối với người dân TP.HCM hơn 10 năm qua

Ảnh: Ngọc Dương

Cụ thể, TP.HCM sẽ thực hiện các dự án nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước 18 tuyến đường ngập do mưa còn lại (Nguyễn Hữu Cảnh, Tân Quý (Q.Tân Phú), Ba Vân, Trương Công Định, Bàu Cát (Q.Tân Bình), Thảo Điền, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng, Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, Quốc lộ 1 (TP.Thủ Đức), Lê Đức Thọ, Quang Trung, Nguyễn Văn Khối (Q.Gò Vấp), Bạch Đằng (Q.Bình Thạnh), Phan Anh, Hồ Học Lãm (Q.Bình Tân).
Khu vực phía Đông TP.HCM được quan tâm, tập trung nguồn lực để xây dựng mới, hoàn thiện hệ thống thoát nước tại khu vực chưa có hệ thống thoát nước. Bên cạnh đó, thực hiện nạo vét các trục tiêu thoát nước lớn nhằm tăng cường khả năng thoát nước cho khu vực trung tâm thành phố về phía Nam, kết hợp chỉnh trang đô thị.
Đáng chú ý, một số dự án trọng điểm dự kiến được triển khai trong giai đoạn này như: xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên; cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng ven rạch Xuyên Tâm; các dự án xây dựng hệ thống thoát nước lưu vực Tây Sài Gòn và lưu vực Tham Lương - Bến Cát; dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ (giai đoạn 3) nhằm hoàn thiện hệ thống thoát nước, chỉnh trang đô thị 2 bên kênh rạch.

Cần hơn 100.000 tỉ đồng

Theo thống kê sơ bộ, tổng nhu cầu vốn thực hiện đầu tư xây dựng chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2021-2025 khoảng 101.408 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách thành phố hơn 31.400 tỉ đồng, ngân sách T.Ư hơn 4.000 tỉ đồng, vốn đối tác công tư kết hợp ngân sách hơn 41.100 tỉ đồng và vốn ODA gần 24.800 tỉ đồng.
Trong năm 2021, TP.HCM đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đối khí hậu (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng. Dự án này khởi công từ giữa năm 2016, dự kiến hoàn thành sau 36 tháng thi công nhưng đến nay vẫn còn dang dở. Khi hoàn thành, dự án sẽ giải quyết ngập trên 4 tuyến đường gồm: Huỳnh Tấn Phát, Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn và Quốc lộ 50.

TP.HCM đặt mục tiêu hoàn thành các dự án chống ngập cho 7 tuyến đường trong năm 2021

Ảnh: Ngọc Dương

Đối với các tuyến đường ngập do mưa, có 3 tuyến đường: Tân Quý, Trương Công Định, Ba Vân sẽ được hoàn thành. Ngoài ra, TP.HCM cũng đặt mục tiêu hoàn tất thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án chống ngập cho các tuyến đường: Lê Đức Thọ, Phạm Văn Chiêu, Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Kha Vạn Cân, Bạch Đằng, Quang Trung, Nguyễn Văn Khối…
Trong 8 tháng cuối năm, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết một số dự án chống ngập nước sẽ được khởi công như: xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước các tuyến đường Hàn Hải Nguyên, Nhơn Đức - Phước Lộc, Nguyễn Duy Trinh, Lã Xuân Oai, rạch Đầm Sen, Lý Chiêu Hoàng, Triệu Quang Phục, Dương Công Khi, Tô Ký…

Mưa xối xả kéo dài ở TP.HCM: nhiều nhà ngập nặng, tiểu thương buồn rầu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.