TP.HCM phối hợp với các tỉnh lân cận ‘chống’ đình công có kích động, xúi giục

Trung Hiếu
Trung Hiếu
21/12/2018 20:37 GMT+7

Liên đoàn lao động TP.HCM phối hợp với cơ quan công đoàn các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh có giải pháp hỗ trợ hiệu quả công nhân cũng như tránh việc công nhân bị xúi giục đình công tập thể.

Chiều 21.12, tại TP.HCM diễn ra Lễ ký kết quy chế phối hợp giữa Liên đoàn lao động (LĐLĐ) TP.HCM và các LĐLĐ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến công nhân, người lao động, đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên các địa bàn giáp ranh.
Mục đích của quy chế là kịp thời thông tin và phối hợp chặt chẽ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các vụ tranh chấp lao động tập thể, ngừng việc tập thể không xuất phát từ quan hệ lao động trên các địa bàn giáp ranh.
Từ đó xác định rõ trách nhiệm phối hợp giữa 5 LĐLĐ tỉnh, thành trong lãnh đạo, chỉ đạo cấp công đoàn ổn định việc làm cho người lao động, dảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp được thông suốt, đảm bảo tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội…
Phát biểu tại lễ ký kết, ông Nguyễn Hữu Hiệp, Trưởng ban Dân vận Thành ủy TP.HCM, cho biết qua các phát biểu của đại diện LĐLĐ các tỉnh có thể thấy các cuộc đình công của công nhân ở nhà máy, xí nghiệp không xuất phát từ nguyên nhân là quan hệ lao động mà xuất phát từ nguyên nhân khác, trong đó có nguyên nhân nhân chống phá của các thế lực thù địch.
Từ đó ông Hiệp tin tưởng sự phối hợp giữa công đoàn các tỉnh tổ chức có hiệu quả ổn định việc làm cho người lao động, đảm bảo sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì thông suốt, góp phần giữ vững an ninh chính trị, xã hội của các tỉnh thành trọng điểm phía nam.
Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại lễ ký kết Ảnh: Trung Hiếu

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho hay do có nhiều giải pháp các vụ đình công, nghỉ việc tập thể nhiệm kỳ 2013 - 2018 giảm gần 50% so với trước đây. Năm đơn vị ký kết lần này nằm trong 5 tỉnh thành trọng điểm về kinh tế của khu vực phía nam với hơn 3,1 triệu công đoàn viên trong tổng số 10 triệu công đoàn viên của cả nước, chiếm hơn 30% với gần 30.000 công đoàn cơ sở. Từ đó nói lên vai trò quan trọng của lực lượng công nhân ở đây.

Tuy nhiên theo ông Hiểu, khu vực 5 tỉnh thành này thường phát sinh nhiều cuộc đình công ngoài quan hệ lao động và lan tỏa sang tỉnh thành khác, cho nên việc ký kết quy chế hết sức có ý nghĩa và cần thiết.

Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM, cho biết công nhân cả nước và của 5 tỉnh thành nói trên có số lượng đông, nhạy cảm và rất dễ tác động bởi các thành phần đối tượng khác. Điều đáng nói những tác động đó ảnh hưởng chiều hướng không tích cực đến đời sống, công việc của người lao động.

“Do đó mục tiêu của việc ký kết này là sự tham gia của chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước, cấp ủy địa phương phối hợp để làm sao công đoàn 5 tỉnh thành nắm được thông tin nhanh nhất và có sự hỗ trợ sớm nhất đến người lao động, công đoàn viên”, bà Thúy khẳng định.

Xảy ra 186 vụ đình công với hơn 120.000 công nhân tham gia

Thông tin tại lễ kí kết cho hay trong thời gian qua ở 5 tỉnh thành nói trên xảy ra 186 vụ đình công, ngừng việc tập thể trái quy định pháp luật với hơn 120.000 công nhân tham gia. Tình hình đình công diễn ra phức tạp, khó dự báo. Nguyên nhân chủ yếu do doanh nghiệp nợ tiền lương, bảo hiểm xã hội, tranh chấp hợp đồng lao động, tiền thưởng, tiền ăn giữa ca, phụ cấp thâm niên…

Nhất là trong 6 tháng đầu năm 2018, tình hình an ninh trật tự ở TP.HCM và các tỉnh lân cận trở nên căng thẳng trong thời điểm Quốc hội thông qua nhiều dự luật quan trọng. Các thế lực phản động đã có những hành động kích động, xúi giục lợi dụng người công nhân, người lao động ngưng việc tập thể, diễu hành thành từng đoàn, từng nhóm trên đường phố gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, giao thông. Đồng thời có những hành động phá hoại tài sản của nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Bên cạnh đó tình hình có diễn biến phức tạp khi đối tượng kéo vào các nhà máy, xí nghiệp ở ngoài thành TP.HCM và khu vực giáp ranh nhằm lôi kéo, xúi giục những công nhân đang làm việc phải cúp điện, ngừng làm việc tạo thành một nhóm lớn để biểu tình, gây rối trật tự xã hội, kích động và xúi giục công nhân đình công…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.