TP.HCM sáp nhập 19 phường ra sao?

06/01/2021 04:28 GMT+7

Các địa phương có phường thuộc diện sắp xếp cam kết sẽ tạo điều kiện tốt nhất để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân sau khi 19 phường ở TP.HCM sáp nhập còn 9 phường.

Sau khi Nghị quyết số 1111/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ban hành, UBND các quận: 3, 4, 5, 10 và Phú Nhuận đồng loạt công bố lộ trình thực hiện, riêng 4 phường của Q.2 được sắp xếp theo lộ trình của TP.Thủ Đức. Có 19 phường (tổng cộng hơn 170.000 người dân) thuộc diện sắp xếp do không đủ tiêu chuẩn 50% dân số và 50% diện tích theo quy định (dân số từ 15.000 người trở lên, diện tích từ 5,5 km2 trở lên). Sau nghị quyết này, TP.HCM giảm 10 phường (còn 312 phường, xã, thị trấn).

TP.HCM có phường Võ Thị Sáu

Tại Q.3, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ thông tin kể từ năm 1976 đến nay, quận đã trải qua 4 lần tổ chức sắp xếp đơn vị hành chính cấp phường vào các năm: 1981, 1982, 1988 và 2021. Ở lần này, 3 phường: 6, 7, 8 được sáp nhập nguyên trạng diện tích và dân số để thành lập P.Võ Thị Sáu.
Ông Võ Văn Đức, Chủ tịch UBND Q.3, cho biết P.Võ Thị Sáu rộng 2,2 km2, dân số hơn 36.700 người, đây là phường có nhiều cơ quan, đơn vị T.Ư đặt trụ sở. Sau khi sáp nhập, Q.3 chọn trụ sở của UBND P.6 cũ (số 18 Võ Văn Tần) làm trụ sở của Đảng ủy - HĐND - UBND P.Võ Thị Sáu. Trước băn khoăn về trụ sở của UBND phường mới liệu có đủ chỗ để bố trí cán bộ, công chức làm việc, ông Đức khẳng định đủ chỗ làm việc cho công chức bởi khối mặt trận, đoàn thể được chuyển sang địa chỉ mới; đồng thời cam kết giải quyết hồ sơ thông suốt cho người dân và doanh nghiệp trong thời gian chuyển tiếp. Trước ngày 1.2, toàn bộ bảng tên, biển hiệu của các đơn vị sẽ đổi sang tên P.Võ Thị Sáu; dự kiến Q.3 sẽ tổ chức lễ công bố và ra mắt P.Võ Thị Sáu vào ngày 4.2. “Các cơ quan chức năng sẽ không thu phí khi làm thủ tục chuyển đổi giấy tờ sang phường mới”, ông Đức khẳng định.

Sẽ có kế hoạch chuyển đổi giấy tờ đại trà

Để chủ động trong công tác giải quyết hồ sơ, Chủ tịch UBND Q.10 Vũ Anh Khoa cho biết đã giao Phòng Tư pháp quận nghiên cứu, tham mưu văn bản xin ý kiến Sở Tư pháp TP.HCM về việc cấp giấy xác nhận cho người dân ở phường thuộc diện sáp nhập để thuận tiện hơn khi làm các thủ tục hành chính. “Đơn cử như quận hoặc phường cấp cho công dân P.3 (sáp nhập vào P.2) tờ giấy xác nhận bị ảnh hưởng do sáp nhập phường, để các đơn vị khi giải quyết hồ sơ nhận biết được đây là trường hợp không thu lệ phí chuyển đổi giấy tờ”, ông Khoa dẫn chứng.
Liên quan đến chỗ làm việc, Chủ tịch UBND Q.10 khẳng định “chắc chắn sẽ không xây trụ sở mới, thậm chí cũng không sửa chữa lớn mà chỉ sắp xếp lại trụ sở cũ cho tinh gọn”. Theo tính toán của Q.10, sau khi sáp nhập, P.2 mới có số lượng công chức nhiều hơn không đáng kể so với một phường lớn của quận.
Cũng theo Nghị quyết 1111/2020, Q.Phú Nhuận có 4 phường thuộc diện sắp xếp, trong đó P.12 sáp nhập vào P.11, P.14 sáp nhập vào P.13. Ông Đỗ Đăng Ái, Phó chủ tịch UBND Q.Phú Nhuận, cho biết sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân khu vực bị ảnh hưởng để cùng chia sẻ với địa phương. Về vấn đề chuyển đổi giấy tờ, quận sẽ giải quyết ngay các giấy tờ cần thiết cho người dân, đối với giấy tờ còn thời hạn thì người dân vẫn sử dụng bình thường trong các giao dịch hành chính; sau khi sắp xếp bộ máy tinh gọn, quận sẽ có kế hoạch chuyển đổi giấy tờ đại trà theo kế hoạch chung của TP.HCM. Đối với việc đổi bảng tên, biển hiệu, chỉ áp dụng đối với cơ quan hành chính nhà nước, người dân và doanh nghiệp không thuộc trường hợp bắt buộc. “Các đơn vị hành chính mới sẽ bắt đầu hoạt động từ ngày 1.3.
Về việc sắp xếp, bố trí cán bộ, lãnh đạo Q.Phú Nhuận thông tin công chức được điều động sang các phường khác và phòng ban chuyên môn của quận, 24 người hoạt động không chuyên trách dôi dư giải quyết trong lộ trình 5 năm; 11 cán bộ sắp xếp theo Nghị định 92/2009.

Kiến nghị chính quyền tăng cường làm việc ngoài giờ

Sau khi sáp nhập, điều người dân quan tâm nhất là chuyển đổi các loại giấy tờ như hộ tịch, hộ khẩu, căn cước công dân, nhà đất, ngân hàng... Bà Hà Thị Lệ, cư trú P.3, Q.10 (thuộc diện sáp nhập vào P.2, Q.10) kiến nghị sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, chính quyền cấp cho người dân một quyết định thay đổi tên địa giới hành chính để thuận tiện đối chiếu cho các hồ sơ thủ tục hành chính về sau. Chính quyền tăng cường làm việc ngoài giờ, tổ chức các đợt điều chỉnh hồ sơ tại nhà hoặc trụ sở phường mới. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.