Sáp nhập quận, phường ở TP.HCM: Đã thấy hết những tác động tới dân?

07/10/2020 05:28 GMT+7

Nhiều ý kiến cho rằng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã ở TP.HCM giai đoạn 2019 - 2021 còn khá đơn giản, chưa đánh giá được hết những tác động đến đời sống người dân.

Ngày 6.10, Ủy ban MTTQ TP.HCM tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã ở TP.HCM giai đoạn 2019 - 2021, nhằm lắng nghe, góp ý thêm cho đề án trước khi trình cơ quan có thẩm quyền

Cần chọn cách ít xáo trộn nhất

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho rằng đề án thành lập TP.Thủ Đức chưa luận giải được sự cần thiết phải sáp nhập 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức để lập đơn vị hành chính mới.
Trụ sở UBND Q.Thủ Đức hiện tại được đề xuất làm trụ sở HĐND và UBND TP.Thủ Đức  Ảnh: Website UBND Q.Thủ Đức

Trụ sở UBND Q.Thủ Đức hiện tại được đề xuất làm trụ sở HĐND và UBND TP.Thủ Đức

Ảnh: Website UBND Q.Thủ Đức

TP.Thủ Đức ngoài giải quyết công việc hành chính hằng ngày thì còn giải quyết các yêu cầu phát triển của TP sáng tạo, tương tác cao nên cần có phương án tổ chức bộ máy hành chính khoa học để giải quyết đồng thời 2 công việc. “Cơ sở khoa học của đề án chưa nêu bật được lý do bắt buộc phải sáp nhập 3 quận và cũng chưa làm rõ được nội dung nào các quận không làm được mà chỉ khi sáp nhập vào mới làm được”, ông Cương phân tích và đề nghị Sở Nội vụ TP.HCM đánh giá nghiêm túc giữa phương án giữ nguyên 3 quận với phương án thành lập TP.Thủ Đức. Ngoài ra, đơn vị lập đề án cũng cần nêu rõ phương án hỗ trợ người dân trong việc giải quyết các thủ tục hành chính khi sáp nhập.
Đồng quan điểm, luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn luật sư TP.HCM, đề nghị đánh giá tác động việc thành lập TP.Thủ Đức qua những số liệu, chứng minh cụ thể chứ không chỉ đơn giản vì muốn lược bớt đơn vị hành chính, giảm biên chế. Cần lý giải việc lựa chọn tên đơn vị hành chính, vì sao lựa chọn trụ sở ở phường, quận này mà không phải quận khác, bởi trụ sở cơ quan hành chính phải tạo sự thuận tiện cho tất cả người dân.

Nếu thành lập, thành phố phía Đông (thành phố Thủ Đức) trực thuộc TP.HCM sẽ như thế nào?

Thiếu tướng Phan Anh Minh, nguyên Phó giám đốc Công an TP.HCM, cho rằng việc sáp nhập đã được lấy ý kiến cử tri nên “giờ chỉ tập trung góp ý cho đề án thực hiện hiệu quả, mang lại lợi ích cho người dân và công tác điều hành chứ không bàn đến căn cứ pháp lý nữa”. Dựa trên kinh nghiệm công tác, ông Minh lưu ý công tác quản lý địa bàn sẽ rất khó khăn. Ngoài ra, ông Minh nhấn mạnh sau khi sáp nhập thì toàn bộ giấy tờ của người dân, tổ chức, doanh nghiệp phải thay đổi nên chính quyền phải hỗ trợ, khi đó cần tăng thêm cán bộ để giải quyết.
Cũng theo ông Minh, việc xác định tên đơn vị hành chính mới cần tính toán trên cơ sở ít xáo trộn nhất đến đời sống người dân. Dù đồng tình với việc tên Võ Thị Sáu xứng đáng đặt cho một địa danh nào đó nhưng ông Minh đặt vấn đề liệu rằng có cần thiết đặt tên cho một phường hay không (Q.3 dự kiến sáp nhập P.6, P.7 và P.8 thành P.Võ Thị Sáu), mặt khác cần làm rõ về mặt lịch sử, tên Võ Thị Sáu có gắn bó gì với 3 phường này hay chỉ vì có tuyến đường Võ Thị Sáu đi qua.
“Nếu lấy tên mới thì tất cả người dân, tổ chức trên địa bàn 3 phường đều phải thay đổi giấy tờ hết. Để tránh xáo trộn nhất thì nên chọn một tên cũ, để ít nhất có một phần dân cư không phải thay đổi. Còn nếu thật sự buộc phải đổi tên mới thì phải lý giải cho thật rõ ràng lý do và phải đảm bảo rằng đây là lần cuối cùng đổi, không mai mốt lại đổi nữa thì khổ dân”, ông Minh lo ngại.
Cơ sở khoa học của đề án chưa nêu bật được lý do bắt buộc phải sáp nhập 3 quận và cũng chưa làm rõ được nội dung nào các quận không làm được mà chỉ khi sáp nhập vào mới làm được
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM

“Nếu có luật Đặc khu sẽ áp dụng cho TP.Thủ Đức”

Tại hội nghị, nhiều chuyên gia cho rằng cần tạo cơ chế để TP.Thủ Đức phát triển, tìm “áo mới” cho TP này chứ không chỉ đơn thuần là gom 3 quận lại thành một đơn vị hành chính mới, đồng thời kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết tăng thẩm quyền cho TP.Thủ Đức, kể cả việc xử phạt hành chính, vì nếu thẩm quyền chỉ dừng lại ở đơn vị hành chính cấp huyện thì sẽ lặp lại “cơ chế xin cho”.
Theo ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó trưởng ban Đô thị HĐND TP.HCM, cần tận dụng hạ tầng kỹ thuật sẵn có của 3 quận, kết hợp với các địa phương như Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương hình thành trục tam giác kinh tế. Do đó, ngoài tận dụng nguồn lực đang sẵn thì cần có cơ chế tạo vốn mồi, hành lang pháp lý, cơ chế đặc thù từ nguồn ngân sách được giữ lại để đầu tư cho TP phát triển. Việc sáp nhập là để tinh gọn bộ máy, cần có ứng dụng công nghệ số theo các bước chính quyền điện tử để người dân ở bất cứ phường nào cũng có thể giải quyết công việc chứ không phải đến trực tiếp...
Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, cho biết ngoài việc sắp xếp các đơn vị hành chính thì trong giai đoạn 2021 - 2030, TP.HCM cũng thực hiện đề án chuyển một số huyện ngoại thành như: Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn thành quận. Về việc chọn trung tâm hành chính của TP.Thủ Đức, ông Nhân thông tin Sở Nội vụ đề xuất chọn trụ sở UBND Q.2 hiện nay làm nơi đặt trụ sở Thành ủy TP.Thủ Đức; trụ sở UBND Q.Thủ Đức làm trụ sở HĐND và UBND TP.Thủ Đức; trụ sở UBND Q.9 làm trụ sở Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể.
Về việc giải quyết giấy tờ cho người dân và tổ chức sau khi sáp nhập, ông Nhân cam kết sẽ có phương án hỗ trợ để không xảy ra ách tắc, chậm trễ làm ảnh hưởng đến công việc của người dân. “Chúng tôi không kỳ vọng khi mới sáp nhập phường hoặc thành lập TP.Thủ Đức thì đòi hỏi bộ máy phải chạy ngay mà cần giai đoạn sắp xếp, chắc chắn có vướng mắc nhưng sẽ giải quyết thuận lợi các nhu cầu hành chính”, ông Nhân nói.
Trong đề án chính quyền đô thị mà TP.HCM trình T.Ư, khác với các quận khác chỉ có UBND, TP.Thủ Đức có HĐND và UBND. “Nếu có luật Đặc khu thì sẽ có cơ chế áp dụng cho TP.Thủ Đức, nhưng luật Đặc khu tạm thời chưa được thông qua nên sẽ cố gắng vận dụng quy định pháp luật tạo cơ chế tốt nhất cho TP.Thủ Đức”, ông Nhân nói và thông tin các bộ, ngành đang góp ý theo hướng nâng cao vai trò của UBND, Chủ tịch UBND và công chức ở TP.Thủ Đức.
 

Cử tri hỏi được hỗ trợ gì khi thay đổi các giấy tờ do sáp nhập?

Ngày 6.10, tổ ĐBQH TP.HCM đơn vị số 7 tiếp xúc cử tri Q.9 và Q.Thủ Đức trước kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV. Nhiều ý kiến cử tri băn khoăn về việc sáp nhập 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức thành TP.Thủ Đức.
Bà Nguyễn Thị Dung (P.Tăng Nhơn Phú A, Q.9) đề nghị làm rõ sự khác biệt căn bản về việc thành lập TP trong TP với việc sáp nhập 3 quận thành 1 quận lớn. TP.Thủ Đức có ưu điểm gì thu hút đầu tư, cũng như tạo cơ hội cho khu vực quận 2, 9 và Thủ Đức trong tương lai phát triển hơn. Bà Dung cho rằng nếu chỉ sáp nhập cơ học về mặt địa bàn, dân số, chính quyền... thì cũng giống như “bình mới rượu cũ” trong khi việc thay đổi này sẽ gây ra nhiều phiền toái cho người dân trong việc thay đổi các loại giấy tờ.
Ông Trần Việt Trung (P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức) đặt vấn đề liệu việc thành lập TP.Thủ Đức có giải quyết được nạn kẹt xe, ngập nước, cải cách hành chính hay không, người dân được hỗ trợ gì khi thay đổi các giấy tờ tùy thân, nhà đất...
Trao đổi với cử tri, ĐBQH Phan Nguyễn Như Khuê cho biết việc thành lập TP.Thủ Đức được lãnh đạo TP.HCM cân nhắc, tính toán dựa trên những điều kiện và tiền đề thuận lợi. UBND TP.HCM đang tiếp tục hoàn thiện đề án, tiếp thu ý kiến các bộ, ngành T.Ư để nơi đây là một đô thị thông minh, sáng tạo, tương tác cao và là đô thị đáng sống.
Công Nguyên 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.