TP.HCM sẽ có trung tâm báo chí ‘tầm quốc gia và quốc tế’

Đình Phú
Đình Phú
11/12/2018 16:35 GMT+7

Trung tâm báo chí giúp các cơ quan báo chí trong và ngoài nước tiếp cận thông tin, dữ liệu chính thống từ cơ quan hành chính nhà nước TP.HCM một cách nhanh chóng, đầy đủ, chính xác.

Sáng 11.12, Sở TT-TT TP.HCM tổ chức hội thảo về Trung tâm Báo chí hiện đại TP.HCM.

Ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở TT-TT TP cho hay, TP có 38 cơ quan báo chí (16 báo, 20 tạp chí, 1 đài phát thanh và 1 đài truyền hình). Bên cạnh đó, có 142 cơ quan báo chí T.Ư và địa phương trú đóng trên địa bàn TP...

Dự kiến, từ nay đến năm 2020, TP sẽ hình thành một trung tâm báo chí - truyền thông đa phương tiện, hiện đại, chuyên nghiệp, đủ khả năng phục vụ các sự kiện quan trọng, có tầm quốc gia và quốc tế.

Trung tâm sẽ được xây dựng tại địa điểm số 255 Trần Hưng Đạo (Q.1) với thiết kế hiện đại, tối giản, đa năng, gồm các phòng họp báo quy mô 50 - 100 người, phòng giao lưu, cabin dịch thuật, khu vực làm việc của phóng viên có đường truyền internet tốc độ cao… Đây là địa điểm chính thức để các cấp chính quyền TP cung cấp thông tin và trả lời báo chí về các sự kiện, các vấn đề xã hội, dư luận quan tâm một cách kịp thời, đầy đủ và chính xác; phục vụ nhu cầu tác nghiệp của các nhà báo đến từ các cơ quan báo chí trong và ngoài nước. Giai đoạn 2 (sau năm 2020), TP.HCM xem xét bố trí địa điểm có diện tích rộng khoảng 2.000 - 3.000 m2 để xây dựng trung tâm báo chí.

“Chủ trương thành lập trung tâm báo chí là thể hiện sự quyết tâm của TP trong thực hiện quyền được thông tin, tiếp cận nguồn tin của báo chí; tích cực sử dụng thông tin báo chí như một nguồn lực, phương tiện và phương thức kết nối các nguồn lực xã hội và tham gia phản biện chính sách”, ông Từ Lương nói.

Tại hội thảo, đại diện lãnh đạo một số cơ quan báo chí đã có những góp ý để hướng đến mục tiêu trung tâm báo chí hoạt động chất lượng và hiệu quả thiết thực ẢNH: LONG HỒ

Tại hội thảo, đại diện lãnh đạo một số cơ quan báo chí đã có những góp ý để hướng đến mục tiêu trung tâm báo chí hoạt động chất lượng và hiệu quả thiết thực; trong đó việc đầu tư xây dựng cần chú trọng đến cơ sở vật chất, cơ sở dữ liệu phù hợp, giải pháp kỹ thuật đáp ứng nhu cầu truyền thông đa phương tiện, đội ngũ nhân lực chất lượng cao đủ khả năng vận hành trung tâm trong bối cảnh hội nhập quốc tế…

Ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu, phát biểu tại hội thảo, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho hay, trong kế hoạch xây dựng đề án “thành phố thông minh”, TP sẽ xây dựng trung tâm dữ liệu dùng chung theo dạng mở, tức là người dân, doanh nghiệp đều có thể truy cập, khai thác nguồn dữ liệu.

“Kho dữ liệu của trung tâm báo chí sẽ gắn chặt với trung tâm dữ liệu dùng chung của TP để cơ quan báo chí, nhà báo có thể truy cập, tìm hiểu thông tin chính thống, góp phần phục vụ tác nghiệp thuận lợi hơn”, ông Trần Vĩnh Tuyến nói thêm.

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, hiện nay, các phóng viên tác nghiệp còn rất vất vả có khi dẫn đến tình huống thông tin chưa đầy đủ, thiếu chính xác... Việc xây dựng trung tâm báo chí sẽ góp phần khắc phục điều đó.

Dự kiến chiều 12.12, Sở TT-TT TP sẽ báo cáo chi tiết với Ban Thường vụ Thành ủy về trung tâm báo chí. Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, Sở TT-TT sẽ triển khai thực hiện.

Ngày 17.10.2017, tại cuộc gặp gỡ với Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, lãnh đạo một số cơ quan báo chí đã có nhiều đề xuất liên quan đến nội dung “Phát huy vai trò của báo chí cho sự phát triển của TP.HCM”.

Trong đó, kiến nghị TP có chủ trương xây dựng trung tâm hạ tầng về cơ sở dữ liệu chung để báo chí cùng khai thác và thành lập trung tâm báo chí để tập hợp thông tin của TP; là nơi xử lý, phản hồi thông tin của TP với cơ quan báo chí, tạo điều kiện tiếp cận giữa các cơ quan báo chí với cơ quan chức năng để giải quyết các vấn đề mà dư luận quan tâm…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.