Mỗi đội tiêm gồm 5 người, 1 bác sĩ (BS) khám sàng lọc, 2 nhân sự tiêm, 1 BS và 1 điều dưỡng theo dõi sau tiêm. Nhiều nhất trong đợt bổ sung này là BV Nhân dân 115 với 30 đội, BV Nguyễn Trãi, Hùng Vương, Chấn thương chỉnh hình mỗi BV 20 đội; BV An Bình, Nhân dân Gia Định mỗi BV 17 đội… Ngay cả đơn vị tư nhân như Hệ thống tiêm chủng vắc xin VNVC cũng đã cung cấp đến 100 đội tiêm chủng.
Ngay trong chiều cùng ngày, Sở Y tế đã huy động các đội tiêm này đi tiêm. Như vậy, hiện tại, TP.HCM có 1.110 đội tiêm với tổng cộng 5.500 nhân sự. Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo an toàn trong xử trí tình huống cấp cứu do các phản ứng sau tiêm, các kíp cấp cứu cùng phương tiện va li hồi sức cấp cứu, xe cứu thương cũng túc trực tại tất cả các điểm tiêm để cấp cứu tại chỗ, hỗ trợ xử trí cấp cứu nâng cao và chuyển viện an toàn khi cần.
Chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 tại TP.HCM khởi động từ ngày 19.6 nhưng tiêm đồng loạt từ ngày 21.6 và dự kiến sẽ kết thúc vào 27.6 với 836.000 liều, tức sẽ còn 3 ngày tiêm nữa. Tính tới trưa 24.6, TP.HCM đã tiêm vắc xin cho gần 300.000 người. Trước đó, hôm 23.6, TP.HCM đã tiêm cho 246.000 người; đã có 23.100 người hoãn tiêm sau khám sàng lọc và gần 170 người có phản ứng sau tiêm 30 phút.
Theo quyết định hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin Covid-19 của Bộ Y tế ban hành, có nhiều đối tượng phải hoãn tiêm Covid-19 hoặc chống chỉ định tiêm. Căn cứ vào hướng dẫn này, từ ngày 21 - 23.6, có hơn 23.000 người đến các điểm tiêm cộng đồng, khu công nghiệp, khu chế xuất ở TP.HCM nhưng phải hoãn tiêm.
Theo BS Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm, con số hoãn tiêm như trên là quá lớn, có thể khiến người dân nản, không đi tiêm nữa và như vậy sẽ là chưa đạt tỷ lệ bao phủ đối tượng ưu tiên. Về giải pháp tiêm cho các đối tượng này, theo BS Khanh, nếu không đến BV thì ở các điểm tiêm lưu động, cộng đồng nên dành ra một bàn tiêm có đầy đủ phương tiện hồi sức để tiêm cho họ và ứng cứu kịp thời nếu xảy ra sự cố.
“Nếu chiếu theo quy trình sàng lọc trên và nếu người dân khai đúng, có lẽ phải đến 60% người hoãn tiêm. Ai không một lần dị ứng nổi mề đay và đa số không ai không có bệnh nền, tăng huyết áp? Do vậy, cần có sự linh hoạt, chuẩn bị phương tiện, nhân sự để tiêm tại chỗ cho các đối tượng này để vừa tiện cho dân, vừa đạt yêu cầu tiến độ và đảm bảo an toàn”, BS Khanh nói.
Bình luận (0)