Tranh luận về vai trò đại diện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa

17/04/2017 15:52 GMT+7

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc và Chủ tịch VINASME Nguyễn Vân Thân có cuộc tranh luận tại phiên họp sáng 17.4 của UBTVQH cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) .

Ai sẽ đại diện cho cộng đồng DNNVV?
Trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho hay, tại dự thảo mới nhất, UBTVQH đã tiếp thu, tách riêng trách nhiệm của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với Hiệp hội DNNVV Việt Nam (VINASME) và các hiệp hội ngành nghề khác thành hai khoản tại Điều 30.
Theo ông Thanh, việc quy định trách nhiệm của VCCI, VINASME trong dự thảo Luật sẽ góp phần lựa chọn đối tượng hỗ trợ cho trúng và đúng, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện.
Phát biểu tại phiên họp, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, quy định tại Điều 30 mặc dù đã điều chỉnh nhưng vẫn còn bất hợp lý. Theo ông Lộc, quy định tại dự thảo về trách nhiệm thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp quy mô lớn với DNNVV của VCCI là không đúng tinh thần Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân và điều lệ VCCI đã được Thủ tướng phê duyệt.
Theo ông Lộc, VCCI được xác định là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, là tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp, đại diện cho đội ngũ doanh nhân, các hiệp hội doanh nghiệp... “Đây là tổ chức duy nhất có Đảng đoàn do Bộ Chính trị thành lập và chỉ đạo trực tiếp, là tổ chức duy nhất của cộng đồng doanh nghiệp do Thủ tướng phê duyệt điều lệ”, ông Lộc nói.
Vì vậy, ông Lộc cho rằng không nên tách riêng vai trò của VINASME trong dự Luật, vì ngoài hiệp hội này, còn các hiệp hội doanh nghiệp địa phương, hiệp hội doanh nghiệp nữ, doanh nghiệp trẻ... mà trên 97% hội viên các hiệp hội này đều là DNNVV. Ông Lộc đề nghị dự luật chỉ thể hiện VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp khác nói chung chứ không tách riêng.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu
“Tôi thấy tổn thương, bị xúc phạm, đau lòng...”
Đăng ký phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch VINASME Nguyễn Văn Thân bày tỏ, dự luật này quy định nhiệm vụ trách nhiệm tại Điều 30 là thể hiện sự đổi mới tư duy, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước chuyển giao một số nhiệm vụ trước đây do các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện cho tổ chức xã hội, trong đó có Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Theo ông Thân, gần đây có nghe một số ý kiến, quan niệm cho rằng VINASME không là đại diện cho cộng đồng DNNVV của Việt Nam. "Với tư cách Chủ tịch VINASME, tôi đứng đây cũng là do tôi đại diện cho cộng đồng DNNVV, cộng đồng cử tôi ứng cử Quốc hội, còn nếu riêng cá nhân thì tôi không thể ở đây”, ông Thân nhấn mạnh.
Chủ tịch VINASME cho biết, cũng có ý kiến quan niệm cộng đồng DNNVV là không đáng kể, không đại diện cho các doanh nghiệp Việt Nam. “Trước thông tin này, cộng đồng DNNVV rất bất bình. Chúng tôi đi thăm Nhật, Đức... họ đánh giá cao về DNNVV của Việt Nam, là liều thuốc tiên giúp phát triển đất nước nên khi nghe ý kiến thế, chúng tôi thấy tổn thương, bị xúc phạm, đau lòng”, ông Thân nói.
Ông Thân bày tỏ, nếu dự Luật được thông qua, VINASME sẽ có chương trình kế hoạch hành động cụ thể góp phần thúc đẩy cộng đồng DNNVV. “Nếu các đồng chí giao chi tiết, chúng tôi sẽ làm. Còn nếu chung chung như trước, như anh Lộc nói, sẽ dẫn đến không làm gì. 10 năm nay chúng tôi tham gia VCCI chưa thấy tác dụng lớn”, ông Thân bày tỏ.
Trước ý kiến của Chủ tịch VCCI và Chủ tịch VINASME, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Anh Lộc, Chủ tịch VCCI là đại biểu của đoàn đại biểu Quốc hội Thái Bình, anh Thân cũng thuộc đoàn Thái Bình. Anh nào nói cũng có lý. Đoàn Thái Bình phải thảo luận, tranh luận về vấn đề này khi ra Quốc hội kỳ tới”.
Chủ tịch Quốc hội đồng thời đề nghị Ủy ban Kinh tế của Quốc hội rà soát lại điều 30 “để quy định không làm mất vai trò của ai, nhưng làm rõ ra”. Theo Chủ tịch Quốc hội, VCCI là đại diện giới chủ doanh nghiệp nhưng do yêu cầu thành lập các hiệp hội theo các tiêu chí về giới, trẻ, ngành nghề nên các hiệp hội doanh nghiệp, trong đó có VINASME, mới ra đời.
“Gọi là doanh nghiệp nhỏ mà không nhỏ, vừa không phải vừa đâu, chiếm tới 97 - 98%, nên cần phải có đại diện cho DNVVN”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Theo Điều 30 dự Luật, ngoài những nhiệm vụ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, VCCI có trách nhiệm thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp quy mô lớn với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
 Trong khi đó dự luật quy định VINASME và các hiệp hội ngành nghề có trách nhiệm đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các hội viên là DNNVV; tham gia xây dựng, phản biện, triển khai cơ chế, chính sách liên quan; huy động các nguồn lực và thực hiện hỗ trợ hội viên là các DNNVV.
 Tại dự thảo, VINASME và các hiệp hội ngành nghề cũng được quy định thực hiện cung cấp dịch vụ hỗ trợ DNNVV theo quy định của pháp luật và phối hợp với các cơ quan nhà nước tổ chức đào tạo, tư vấn, cung cấp thông tin cho DNNVV.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.