Không khí lạnh tăng cường những ngày qua đã kéo theo biển động, khiến nhiều đoạn bờ biển Phú Yên bị xói lở, cuộc sống người dân bị uy hiếp.
Lo mất nhà, mất sinh kế
Thôn Mỹ Quang Nam, xã An Chấn (H.Tuy An) nằm dọc bờ biển với chiều dài hơn 1 km. Khoảng 200 m bờ biển ở khu vực này đã được đầu tư xây dựng kè bê tông nên không bị ảnh hưởng bởi sóng biển, nhưng phần còn lại thì luôn bị sóng lớn đe dọa. Từ ngày 3.1 đến nay, triều cường, sóng lớn cao từ 2 - 3 m liên tục đánh sát vào bờ. Đã có gần 20 ngôi nhà bị sạt lở và bị uy hiếp. Các điểm giao thông nối từ thôn ra biển cũng bị sóng đánh hư hại.
Gia đình ông Nguyễn Minh Thị (ở thôn Mỹ Quang Nam) đã nhiều năm sống gần biển nhưng chưa bao giờ lại thấy bất an như lúc này. Khoảng sân của gia đình ông đã bị sóng đánh sập, cuốn ra biển. “Chưa bao giờ chúng tôi thấy triều cường kéo dài như đợt này. Những người sống gần biển đã dùng đá hộc, lưới thép để gia cố nhưng đều chịu thua sóng mạnh. Giờ chúng tôi chỉ còn biết trông mong vào ông trời để khỏi mất nhà cửa”, ông Thị nói.
Tình trạng sạt lở, xâm thực bờ biển cũng đang xảy ra tại 2 thôn Nhơn Hội và Hội Sơn, xã An Hòa Hải (H.Tuy An). Khu vực bị triều cường gây sạt lở dài khoảng 1 km, sâu vào đất liền từ 5 - 7 m, với độ sâu trên 8 m. Triều cường liên tục xuất hiện đã khiến 20 hộ dân ở khu vực sát biển phải di dời đến nơi khác; gây ảnh hưởng lớn đến việc khai thác thủy sản của hơn 600 hộ dân ở đây.
Ông Trương Tấn Lai, Trưởng thôn Nhơn Hội, cho biết: “Những ngày qua liên tục có triều cường. Một số hộ chằng, néo tàu cá không chắc chắn cũng bị sóng cuốn trôi. Bộ đội biên phòng của đồn An Hải đã giúp đắp hàng nghìn bao cát, nhưng vài ba ngày lại bị sóng lớn cuốn trôi. Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của các hộ dân”.
Tại khu vực bờ biển TP.Tuy Hòa, các bãi tắm cũng bị sóng biển đánh mạnh, ăn sâu vào bờ. Một số công trình du lịch đã bị cuốn trôi ra biển. Nếu cứ tiếp diễn tình trạng này, một số bãi tắm dọc bờ biển Tuy Hòa có thể sẽ bị xóa sổ bởi nước biển quá sâu.
|
Tìm giải pháp lâu dài
Để hạn chế tình trạng xâm thực bờ biển ở khu vực thôn Mỹ Quang Nam, xã An Chấn và thôn Nhơn Hội, xã An Hòa Hải (H.Tuy An), UBND tỉnh Phú Yên đã phê duyệt các dự án kè chống sạt lở.
Đoạn kè biển thôn Mỹ Quang Nam được đầu tư xây dựng dài khoảng 215 m với tổng vốn đầu tư hơn 21,9 tỉ đồng, từ nguồn hỗ trợ của T.Ư và ngân sách địa phương. Kè biển chống sạt lở xã An Hòa Hải được xây dựng với chiều dài 1 km, tổng kinh phí
80 tỉ đồng. Ông Đặng Khoa Đảm, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư và xây dựng tỉnh Phú Yên, cho biết: “Cả 2 công trình này đều thực hiện các thủ tục và đầu tư xây dựng từ giai đoạn 2020 - 2021. Dự kiến trong năm 2021, các công trình này sẽ hoàn thành”.
Bên cạnh đó, để chủ động phòng chống sạt lở, bảo vệ khu dân cư, cơ sở hạ tầng, tỉnh Phú Yên những năm gần đây đã xây dựng được khoảng 4.500 m kè biển và đang tiếp tục triển khai xây dựng các tuyến kè quan trọng. Tuy nhiên, theo ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, việc xây dựng các công trình bờ kè vùng sạt lở, triều cường chưa phải là phương pháp tối ưu, do có kinh phí lớn và không thể đủ kinh phí làm bờ kè chạy theo diễn biến sạt lở như hiện nay.
“Đối với những nơi thiết yếu, thật cần thiết phải bảo vệ về kinh tế, dân sinh mới làm công trình đê kè. Những nơi khác tìm những giải pháp phi công trình và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nếu cả giải pháp công trình và phi công trình không mang lại hiệu quả lâu dài, chúng ta phải chấp nhận di dân, để đảm bảo dòng chảy thuận theo hình thái tự nhiên”, ông Thế nói.
Hiện toàn tỉnh Phú Yên có 19 điểm sạt lở bờ biển với tổng chiều dài gần 40 km. Trong đó có 14 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 24,8 km.
|
Bình luận (0)