3 vị Phó chủ tịch Quốc hội được trình miễn nhiệm là bà Tòng Thị Phóng, ông Uông Chu Lưu và ông Phùng Quốc Hiển.
Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ là người duy nhất chưa được trình miễn nhiệm trong đợt này, vì nhân sự dự kiến thay thế chưa phải đại biểu Quốc hội, phải đợi kết quả bầu cử Quốc hội khóa XV.
Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng năm nay 67 tuổi, là người dân tộc Thái, quê tại xã Chiềng An, TP.Sơn La, tỉnh Sơn La.
Bà là cử nhân luật, có trình độ cao cấp lý luận chính trị, vào Đảng năm 1981.
Là một cán bộ kỳ cựu của Đảng, bà Tòng Thị Phóng là Ủy viên Bộ Chính trị 2 khóa (XI, XII); Ủy viên T.Ư Đảng 5 khóa (từ khóa VIII đến khóa XII); Bí thư T.Ư Đảng 2 khóa (IX, X); là Đại biểu Quốc hội 5 khoá (từ khóa X đến khóa XIV); giữ trọng trách Phó chủ tịch Quốc hội 3 khóa (từ khóa XII đến khóa XIV).
Tại khóa XIV, bà là đại biểu của tỉnh Đắk Lắk.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu năm nay 66 tuổi, quê quán tại xã Xuân Trường, H.Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Ông là tiến sĩ luật, có trình độ cao cấp lý luận chính trị, vào Đảng năm 1983.
Ông Uông Chu Lưu là Ủy viên T.Ư Đảng 4 khóa (từ khóa IX đến khóa XII) và đại biểu Quốc hội 4 khoá (từ khóa XI đến khóa XIV), giữ trọng trách Phó chủ tịch Quốc hội 3 khóa (từ khóa XII đến khóa XIV). Nhiệm kỳ khóa XIV, ông là đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa.
Tại Đại hội Đảng lần thứ XII, ông Uông Chu Lưu là một trong 5 trường hợp được giới thiệu tái cử “đặc biệt” vào T.Ư vì quá tuổi. Khi đó, ông đang là Phó chủ tịch Quốc hội.
Ông Uông Chu Lưu là một chuyên gia về pháp luật và tổ chức bộ máy. Ông đã phụ trách đợt giám sát về tổ chức bộ máy nhà nước giai đoạn 2011 - 2016, cho ra một sản phẩm đồ sộ, nhưng chưa giúp cải thiện đáng kể tổ chức bộ máy.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển là người trẻ nhất trong số 3 người được trình miễn nhiệm, năm nay 63 tuổi, quê quán xã Yên Luật, H.Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ.
Ông vào Đảng năm 1986, là tiến sĩ kinh tế chuyên ngành tài chính, tín dụng, có trình độ cao cấp lý luận chính trị.
Ông là Ủy viên T.Ư Đảng 3 khóa (X, XI, XII), đại biểu Quốc hội 3 khóa (XII, XIII, XIV).
Ông Phùng Quốc Hiển được bầu làm Phó chủ tịch Quốc hội năm 2016. Trước đó, ông là Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.
Phát biểu tại Quốc hội năm 2019, ông Phùng Quốc Hiển cho rằng, Phó chủ tịch Quốc hội cũng chỉ là "phó nói", lá phiếu của các đại biểu là ngang nhau chứ không có chuyện "lãnh đạo" Quốc hội có quyền áp đặt.
"Tôi đã nhiều lần nhắc lại, là không cẩn thận chúng ta trở thành đơn vị hành chính. Một luật ban hành, đồng chí chủ nhiệm không thể nói khác đa số ý kiến của thành viên ủy ban. Không thể áp đặt được. Thậm chí, đồng chí Chủ tịch Quốc hội cũng vậy thôi, là “speaker”. Chúng tôi là “vice speaker” tức chỉ là “phó nói” thôi. Trở thành hành chính thì không còn đúng nguyên tắc làm việc tập thể, quyết định theo đa số và các lá phiếu là ngang nhau”, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tháng 9.2019.
Bình luận (0)