Truy trách nhiệm nạn phá rừng trồng cao su

20/11/2013 03:00 GMT+7

Là người đầu tiên đăng đàn chất vấn chiều qua (19.11), Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến trách nhiệm trong quản lý sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, nhưng gay gắt nhất vẫn là những câu hỏi xoáy vào thực trạng quản lý hồ đập, nạn phá rừng trồng cao su.

 

 
Vì sao đến nay việc ngăn chặn, xử lý tình trạng phá rừng trồng cây cao su vượt quy hoạch được duyệt trên 100.000 ha quá chậm? Ngoài trách nhiệm của địa phương thì trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu?

ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai)

“Thẩm quyền thuộc chính quyền các cấp”

ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) đánh giá cao nỗ lực của Bộ NN-PTNT trong triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhưng phê phán kỷ luật hành chính trong quản lý nhà nước chưa nghiêm, thể hiện qua công tác phát triển ngành không tuân thủ theo quy hoạch được duyệt.

Ông Vở hỏi: “Vì sao đến nay việc ngăn chặn, xử lý tình trạng phá rừng trồng cây cao su vượt quy hoạch được duyệt trên 100.000 ha quá chậm? Ngoài trách nhiệm của địa phương thì trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu?”.

Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận khi thực hiện trồng cao su có trình trạng lạm dụng và sơ hở nên đã kiến nghị Thủ tướng chỉ cho phép triển khai các dự án phê duyệt theo đúng quy hoạch, dừng việc khai thác mới. “Trách nhiệm của tôi về việc này là không quản lý chặt chẽ. Rõ ràng là chúng tôi đồng trách nhiệm với chính quyền địa phương trong việc thiếu kiểm tra sâu sát”, ông Phát trả lời.

Cảm thấy chưa hài lòng, ĐB Vở bấm nút hỏi tiếp: “Đề nghị Bộ trưởng nói rõ 100.000 ha trồng cao su vượt quy hoạch được duyệt, trách nhiệm thuộc về ai - địa phương, Bộ trưởng hay bộ, ngành nào khác?”.

 

 
Đương nhiên trách nhiệm quản lý toàn ngành thuộc về Bộ NN-PTNT, chúng tôi chịu trách nhiệm. Nhưng ở địa phương phải liên đới, vì Bộ trưởng không thể lặn lội tới từng cánh đồng để biết khu vực này có trong quy hoạch hay không
Bộ trưởng Cao Đức Phát

Bộ trưởng Phát lần này thẳng thắn hơn, ông cho biết theo quy hoạch được duyệt ngành cao su đến 2015 cả nước có 800.000 ha, nhưng đến nay đã lên tới 910.000 ha, tức vượt hơn 100.000 ha. “Đương nhiên trách nhiệm quản lý toàn ngành thuộc về Bộ NN-PTNT, chúng tôi chịu trách nhiệm. Nhưng ở địa phương phải liên đới, vì Bộ trưởng không thể lặn lội tới từng cánh đồng để biết khu vực này có trong quy hoạch hay không. Tất nhiên về kiểm tra đôn đốc của Bộ là chưa đủ mức.

Tuy nhiên, cũng theo quy định của luật khi chuyển đất nông nghiệp từ hằng năm sang lâu năm, hay chuyển đất nông nghiệp sang trồng cao su phải xin phép và được Chính phủ cho phép. Việc cho phép hay buông lỏng để dân tự trồng, thẩm quyền thuộc chính quyền các cấp”, ông Phát phân trần.

Thí điểm nhà chống lũ

Trước băn khoăn của ĐB Phan Văn Quý (Nghệ An), Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết để giúp người dân vượt qua mối đe dọa mưa lũ thường trực, việc xây nhà tránh lũ là một giải pháp. “Cơn bão Haiyan với những gì nhìn thấy ở Philippines làm cho chúng ta phải suy nghĩ rất nhiều. Có thể nói đất nước chúng ta đã gặp may, nhưng không thể may mãi”, với tư cách là Trưởng ban Phòng chống lụt bão T.Ư, Bộ trưởng Phát nói.

Tham gia giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng nói Việt Nam có hai khu vực cần đặc biệt quan tâm để xây nhà tránh lũ là ĐBSCL và Tây nguyên. Với ĐBSCL, đây là khu vực thường xuyên có lũ, lũ đem lại nguồn lợi lớn về thổ nhưỡng, nhưng nếu ngập diện rộng thì tác hại khó lường. Điển hình như lũ năm 2000 làm chết 500 người.

Theo Bộ trưởng Dũng, thấy rõ tác hại này, Thủ tướng đã có quyết định phê duyệt chủ trương xây dựng vùng tuyến dân cư vùng ngập lũ ĐBSCL, đắp bờ bao, tôn nền ngập lũ. Đến nay giai đoạn 1 tổng vốn 5.400 tỉ đồng đã hoàn thành với trên 800 cụm tuyến dân cư, bố trí cho 140.000 hộ khu vực ngập lũ ở, đạt 92% kế hoạch. “Cơn lũ gần đây thiệt hại đã giảm thiểu tối đa, bà con yên tâm sống ổn định hơn”, ông Dũng nói.

Đối với giai đoạn hai, trước mắt cần xác định vùng người dân bị ngập từ 1,5 m trở lên chưa có nhà kiên cố sẽ được hỗ trợ. Bộ Xây dựng đã lập đề án và được Chính phủ phê duyệt làm thí điểm 700 ngôi nhà chống lũ, có sàn cứng ở tầng một và hai, rộng 10 - 15 m2.

Trong đợt mưa lũ từ cơn bão số 13 vừa qua, những nhà này rất an toàn. “Chính phủ hiện đang chuẩn bị cùng Bộ Tài chính, KH-ĐT có nguồn vốn cho 40.000 hộ, với 10 triệu đồng từ ngân sách, vốn vay ngân hàng chính sách 15 triệu đồng, còn lại người dân bỏ ra để tập trung làm thời gian tới”, ông Dũng thông tin.

“Phải có một ai đó chịu trách nhiệm”

Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Phạm Đức Châu cho rằng mong muốn đặt ra ở các phiên chất vấn là phải làm rõ trách nhiệm, những vấn đề lặp đi, lặp lại nhiều lần, có khuyết điểm nhiều lần thì cũng phải có ai đó, một địa chỉ nào đó chịu trách nhiệm. “Tôi ví dụ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, người nông dân hiện nay không những chịu thiệt hại rất lớn về thiên tai, mà còn tình trạng nông dân bị lừa đảo, thiếu đất sản xuất, bị thiệt hại do thủy điện… thì phải có một ai đó chịu trách nhiệm, không ai lo cho dân... Cho nên, lần sau trong báo cáo trả lời chất vấn của Chính phủ phải nêu rõ địa chỉ phải chịu trách nhiệm đối với những vấn đề bức xúc gây thiệt hại cho người dân”, ông Châu đề nghị.

Kiểm tra ngay việc vỡ hồ chứa bùn thải titan

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu vấn đề: “Ngày hôm qua và sáng nay, có nhiều tờ báo và nhiều thông tin đại chúng đưa tin về việc vỡ hồ chứa bùn thải titan ở Bình Thuận, chỉ trong vài giờ nước cuốn theo bùn thải từ trong công ty này chảy ào ạt ra đường nhựa, nhà dân, bờ biển, ba người thoát chết. Đây là việc cử tri rất lo ngại và ĐBQH cũng rất lo ngại, là sự kiện nghiêm trọng, chúng tôi đề nghị Chính phủ cho kiểm tra ngay, đánh giá nguyên nhân để nhanh chóng giải quyết. Đặc biệt là đánh giá để có giải pháp phòng ngừa, nhất là trong tình hình chúng ta khai thác bauxite hiện nay”.

Phải điều tra việc xả lũ gây ngập lụt

Sáng qua 19.11, lần đầu tiên QH có phiên thảo luận tại hội trường về Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của QH về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, thứ 4 và thứ 5, với rất nhiều câu hỏi đặt ra cho các thành viên Chính phủ. ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cho rằng qua chất vấn các kỳ họp vừa qua cho thấy đã có những chuyển biến tích cực trong hoạt động, điều hành của Chính phủ, tuy nhiên nhiều chất vấn chưa được quan tâm. Ông Đương đơn cử câu chuyện đã được nhắc đi nhắc lại từ nhiều kỳ họp trước là việc xả lũ tùy tiện ở các hồ chứa thủy điện. “Đồng bào miền Trung đang ngập chìm trong lũ, dư luận cho rằng lũ chồng lũ do nguyên nhân từ xả nước không đúng quy định của các hồ chứa thủy điện. Theo tôi phải ra một quy định trước khi bão đến, áp thấp nhiệt đới mưa lớn thì phải xả hết nước đi, tăng dung tích hồ chứa lên, chứ cứ giữ lại đấy để mà phát điện kiếm một vài tỉ đồng, nhưng khi xả lũ thì sẽ gây thiệt hại hàng trăm, hàng nghìn tỉ đồng và còn liên quan cả tính mạng người dân nữa. Nếu anh nào không thực hiện quy định thì phải xử lý trách nhiệm, truy cứu trách nhiệm hình sự rất nặng”, ông Đương nêu quan điểm, và đề nghị Chính phủ, Bộ Công thương “phải có quy định rất chặt chẽ như vậy, bây giờ nói phải đi đôi với làm”.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Phúc cũng cho rằng, không thể chấp nhận việc xả lũ mà chính quyền địa phương và người dân không biết và cho đến nay, vẫn tranh luận với nhau việc các cơ quan quản lý hồ, đập thủy điện và chính quyền địa phương về có báo với nhau không, có thông tin cho dân hay không. “Phải điều tra để xử lý kỷ luật, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự. Phải làm một vài vụ cho nghiêm, không thể để cho người dân bị chết và bị thương như thế, tài sản thiệt hại vô cùng mà không có ai bị xử lý”, ông Phúc nói.  

B.C

Một ngày hơn 1.000 cuộc gọi phản ánh đến Bộ Y tế

Phát biểu tại hội trường, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dành phần lớn thời gian nói về vấn đề y đức sau vụ việc vừa xảy ra ở thẩm mỹ viện Cát Tường. Bộ trưởng cho rằng, vụ Cát Tường là điển hình, không chỉ vấn đề đạo đức ngành y mà là mất nhân tính con người và gây ra nỗi đau đớn, bức xúc không chỉ cho nạn nhân mà là đau đớn nhất của cả ngành y, tất cả cán bộ ngành y đều cảm giác không thể tin đó là sự thật.

“Chúng tôi nghĩ đây là một lời cảnh tỉnh toàn bộ hệ thống ngành y tế của chúng tôi để có thể vượt qua mọi khó khăn và quyết tâm sửa chữa”, bà Tiến nói, và cho biết đang triển khai một loạt giải pháp chấn chỉnh, trong đó có việc lập đường dây nóng ở 3 cấp: bộ, sở và bệnh viện tỉnh, bệnh viện huyện để tiếp nhận phản ánh của người dân về tiêu cực ngành y. “Chỉ trong ngày hôm qua (bắt đầu triển khai), đường dây nóng đã nhận được hơn 1.000 cuộc gọi điện thoại trực tiếp, trong đó, 50% là phản ánh của người dân về thái độ không tốt của cán bộ y tế; số còn lại phản ánh sự tắc trách, giải quyết không kịp thời về chuyên môn ở từng bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh. Việc này chúng tôi sẽ chấn chỉnh bằng các biện pháp hành chính như thi đua và tài chính, xử phạt theo luật Công chức và viên chức”, bà Tiến nói.

B.C

 

Anh Vũ

>> Hôm nay, Quốc hội bắt đầu chất vấn các bộ trưởng
>> Bộ trưởng Cao Đức Phát: May mắn trong bão Haiyan nhưng không thể may mãi
>> Vụ thẩm mỹ viện Cát Tường: Bộ Y tế liên quan ít nhiều đến trách nhiệm
>> Truyền hình trực tuyến phiên chất vấn của Quốc hội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.