Theo đó, Ban thường trực Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nêu rõ, căn cứ tình hình dịch bệnh Covid-19 cụ thể tại địa phương, Ban thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thống nhất với ủy ban bầu cử cùng cấp về số lượng và cách thức tổ chức vận động bầu cử phù hợp với thực tế ở địa phương vừa bảo đảm quyền vận động bầu cử của người ứng cử, vừa bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.
Ban Thường trực Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng khẳng định, “không nhất thiết phải đảm bảo số cuộc tiếp xúc cử tri theo hướng dẫn” trước đó.
Đối với các địa phương đang bị áp dụng các biện pháp phong tỏa, không thể tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri theo hình thức tập trung thì lựa chọn hình thức phù hợp.
Trong đó, khuyến khích các các hình thức vận động bầu cử thông qua hình thức các phương tiện thông tin đại chúng như: phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử, trang thông tin điện tử của các tổ chức phụ trách bầu cử.
Đồng thời, niêm yết, in gửi, đăng tải về chương trình hành động và tiểu sử tóm tắt của người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến địa bàn khu dân cư, hộ gia đình và cử tri.
Các địa phương khác không bị phong tỏa (chỉ thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16) có thể tổ chức hội nghị tập trung hoặc trực tuyến. Trước khi tổ chức hội nghị, ban thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần liên hệ, xác định rõ số lượng và thành phần đại biểu tham dự hội nghị theo đúng quy định.
Việc mời và xác định số lượng, thành phần đại biểu tham dự có thể thực hiện qua hình thức điện thoại, email, tin nhắn hoặc sử dụng các ứng dụng như Zalo, Viber.
Tuy nhiên, hướng dẫn cũng nêu rõ, cần đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; đặc biệt là sắp xếp các chỗ ngồi giữ khoảng cách an toàn.
Đối với trường hợp người ứng cử bị mắc Covid-19 đang điều trị tại cơ sở y tế hoặc đang được cách ly thì Ban thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (cấp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử) thống nhất với Ủy ban bầu cử cùng cấp về cách thức tổ chức vận động bầu cử.
Theo hướng dẫn, khuyến khích các hình thức vận động bầu cử thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như: phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử, trang thông tin điện tử của các tổ chức phụ trách bầu cử.
Bên cạnh đó, niêm yết, in gửi, đăng tải chương trình hành động và tiểu sử tóm tắt của người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến địa bàn khu dân cư, hộ gia đình và cử tri.
Ngày chủ nhật, 23.5 tới, ngày bầu cử Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra trên cả nước để bầu ra 500 đại biểu Quốc hội khóa mới từ 868 ứng cử viên.
Bình luận (0)