Ủy ban Tư pháp: 'Tòa, Viện còn e ngại, nể nang cơ quan quản lý địa phương'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
25/03/2021 11:14 GMT+7

E ngại, nể nang cơ quan quản lý địa phương khi xử lý các vụ án hành chính được Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho là một tồn tại, hạn chế của cả VKSND tối cao lẫn TAND tối cao trong nhiệm kỳ vừa qua.

Còn e ngại, nể nang cơ quan quản lý địa phương

Báo cáo thẩm tra các báo cáo công tác của cả TAND tối cao và VKSND tối cao tại kỳ họp 11, sáng 25.3, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga đều lưu ý vấn đề giải quyết các vụ án hành chính (thường gọi là dân 'kiện' quan).
Cụ thể, đối với công tác kiểm sát của VKSND tối cao, Ủy ban Tư pháp cho rằng, công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính đạt được một số kết quả. Tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm của VKSND ngang cấp tăng.
Tuy nhiên, tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm được tòa án chấp nhận một số năm chưa đạt chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội. Đáng lưu ý, năm 2020, tỷ lệ kháng nghị được tòa án chấp nhận giảm mạnh so với năm 2019.
“Một số kiểm sát viên còn có sự e ngại, nể nang nhất định đối với cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương trong một số vụ án hành chính khi thực hiện chức năng kiểm sát xét xử và kiểm sát thi hành án hành chính”, bà Nga nhấn mạnh.
“E ngại, nể nang cơ quan quản lý địa phương” cũng là hạn chế mà bà Nga nhắc tới khi thẩm tra báo cáo công tác của ngành.
Bà Nga cho biết, trong công tác giải quyết, xét xử các vụ án hành chính, TAND các cấp đã khắc phục được nhiều hạn chế của công tác này. Tỷ lệ giải quyết án hành chính sau nhiều năm đạt thấp, thì đến năm 2020 đã giải quyết đạt 68,8%, vượt 8,8% so với chỉ tiêu của Quốc hội.
Theo báo cáo, đến năm 2020, không còn vụ án nào để quá thời hạn luật định do nguyên nhân chủ quan. Đã khắc phục căn bản việc tuyên bản án không rõ, khó thi hành. Số lượng vụ án phải thụ lý, giải quyết tuy tăng cao, song tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan giảm so với đầu nhiệm kỳ.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, một số vụ án hành chính thời gian giải quyết còn dài. Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội.
“Một số vụ án, thẩm phán có sự e ngại, nể nang nhất định đối với cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương”, bà Nga nhấn mạnh.

Vẫn để xảy ra trường hợp bị oan

Về công tác kiểm sát điều tra các vụ án hình sự của VKSND, Ủy ban Tư pháp cho rằng, các VKSND vẫn còn để xảy ra các trường hợp bị oan trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố có liên quan đến trách nhiệm của VKSND.
Số vụ tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung mà Viện kiểm sát chấp nhận còn khá lớn trong đó có nhiềutrường hợp tòa án trả hồ sơ cho viện kiểm sát yêu cầu khởi tố tội phạm mới, người phạm tội mới, phản ánh chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra trong các vụ án này còn chưa đáp ứng yêu cầu.
Đối với công tác kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng, dù đạt được nhiều kết quả song vẫn còn để xảy ra một số trường hợp bị truy tố oan; truy tố sai tội danh, sai khung hình phạt; VKSND phải rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa.
“Một số kháng nghị thiếu căn cứ, sau đó VKSND cấp trên phải rút kháng nghị của VKSND cấp dưới”, bà Nga thông tin.
Một vấn đề khác được bà Nga nêu ra là việc giải quyết đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại cho người bị oan. Theo bà Nga, đây là vấn đề đã được VKSND tối cao quan tâm chỉ đạo, cơ bản kịp thời, đúng trình tự, thủ tục, , bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị oan.
Tuy nhiên, theo bà Nga vẫn còn một số vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm và kéo dài qua nhiều năm.
Bên cạnh đó, mặc dù có nhiều nguyên nhân khách quan do vụ việc phức tạp, xảy ra đã lâu nên việc thu thập tài liệu, xác minh thiệt hại gặp nhiều khó khăn nhưng các vụ việc này vẫn gây dư luận không tốt, nhiều trường hợp khiếu nại, tố cáo bức xúc, kéo dài.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.