Vì sao sân bay Long Thành chậm trễ?

30/10/2018 06:15 GMT+7

Trên diễn đàn Quốc hội mấy ngày qua, câu chuyện dự án sân bay Long Thành có nguy cơ 'lỡ nhịp' là vấn đề được quan tâm, bàn luận.

Thảo luận tại hội trường về ngân sách và đầu tư công ngày 29.10 cũng như tại các buổi thảo luận về KT-XH vào cuối tuần trước, nhiều đại biểu (ĐB) QH đã lên tiếng về tình trạng chậm trễ của dự án sân bay Long Thành.
Theo các ĐB, hiếm có dự án nào hội tụ đủ cả yếu tố “nhân hòa” (người dân Đồng Nai đã chờ đợi quá lâu), “thiên thời”, “địa lợi” (vốn đã bố trí đủ, cơ chế đặc thù, khung chính sách... cũng đã có) như dự án này, mà triển khai vẫn chậm.
Chạy song song nhưng vẫn chậm
Báo cáo trước QH hôm qua (29.10), Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết ngay sau khi QH cho phép tách riêng dự án đền bù, tái định cư, giải phóng mặt bằng (GPMB) cho dự án để triển khai trước vào tháng 10.2017, Bộ GTVT và UBND tỉnh Đồng Nai đã đồng loạt triển khai 2 nhiệm vụ song song: tỉnh với cương vị là chủ đầu tư dự án GPMB đã khẩn trương hoàn thành báo cáo khả thi để trình Chính phủ phê duyệt; Bộ GTVT thì đấu thầu quốc tế để lập báo cáo khả thi cho phần thi công sân bay. 
Tháng 3 và tháng 7, UBND tỉnh Đồng Nai đã 2 lần trình Chính phủ báo cáo khả thi để thẩm định và góp ý. “Hiện nay, 25 thành viên Hội đồng thẩm định quốc gia thống nhất ý kiến và hồ sơ đang trình Chính phủ. Dự kiến đầu tháng 11.2018, Chính phủ sẽ phê duyệt dự án để Đồng Nai căn cứ vào đó tiến hành kiểm đếm và sử dụng tiền bố trí để GPMB. Tiến độ là như vậy”, ông Thể nói và cho rằng, sau tháng 11 “nếu Chính phủ phê duyệt được dự án GPMB, chúng ta sẽ sử dụng khoản 23.000 tỉ đã bố trí”.
Dự kiến đầu tháng 11.2018, Chính phủ sẽ phê duyệt dự án để Đồng Nai căn cứ vào đó tiến hành kiểm đếm và sử dụng tiền bố trí để GPMB
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể

Tuy nhiên, kể cả đến tháng 11 dự án GPMB được Chính phủ phê duyệt thì cũng đã chậm tiến độ khoảng 10 tháng và lý do được Bộ GTVT cho biết trong báo cáo gửi QH về tiến độ triển khai dự án sân bay Long Thành là “chưa có quy định cụ thể của pháp luật và việc lập báo cáo khả thi là chưa có tiền lệ” nên UBND tỉnh Đồng Nai “gặp một số khó khăn, lúng túng”.
Báo cáo của Bộ GTVT mới cho thấy một mảng ghép của dự án. Tại một báo cáo khác Bộ KH-ĐT gửi đến QH hồi giữa tháng 10, bộ này cho biết lý do báo cáo nghiên cứu khả thi chậm được phê duyệt do “chưa đủ điều kiện trình”.
Cụ thể, hồi tháng 4 Bộ đã nhận hồ sơ của UBND tỉnh Đồng Nai, nhưng do “hồ sơ dự án chưa đầy đủ; báo cáo nghiên cứu khả thi dự án còn một số tồn tại, chưa đủ điều kiện trình Thủ tướng quyết định”.
Đến 30.7, Bộ KH-ĐT nhận được tờ trình kèm Báo cáo nghiên cứu khả thi đã được tỉnh Đồng Nai hoàn thiện vào tháng 6, và bộ này đã thực hiện thủ tục xin ý kiến các thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước.
Bộ KH-ĐT cũng nhấn mạnh việc “đến 27.9 đã có văn bản đôn đốc các thành viên Hội đồng thẩm định có ý kiến”, nhưng đến ngày 2.10 vẫn còn 5/15 thành viên hội đồng chưa có ý kiến. Bộ KH-ĐT cũng hứa sẽ hoàn thành báo cáo kết quả thẩm định, trình Thủ tướng phê duyệt dự án trong tháng 10.
san_bay_Long_Thanh
Phối cảnh nhà ga sân bay Long Thành Ảnh: Mai Hà chụp lại
Càng để lâu, càng thiệt hại
Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 29.10, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho biết Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai đã tiến hành giám sát tiến độ dự án vào nửa đầu tháng 9 và người dân địa phương rất hoang mang vì phải chờ quá lâu mà rất nhiều quyền lợi phải treo lại. Theo ĐB Quốc, QH phê duyệt thông qua việc tách dự án đền bù GPMB là để tiến hành nhanh gọn, vì nếu kéo dài sẽ lâm vào vết xe đổ của rất nhiều dự án đầu tư công trước đó, là trượt giá, đội vốn, rồi thậm chí phải phê duyệt lại dự án... QH đã tạo mọi điều kiện để triển khai mà dự án vẫn chậm là một điều rất khó thông cảm.
“Tôi lưu ý là chúng ta còn phải triển khai mặt bằng xây dựng hạ tầng cho các khu tái định cư trước để người dân chuyển ra đó cho đỡ xáo trộn. Chưa kể những tác động ai cũng lường trước được là các khu vực xung quanh đó đất sẽ lên, sẽ sốt, sẽ chuyển nhượng mua bán rất phức tạp. Đó là cái tỉnh rất lo lắng. Bản thân người dân muốn ổn định sớm và đương nhiên họ có đòi hỏi chính đáng là được đền bù cao nhất có thể, cho nên chính sách thế nào càng phải công bố sớm để người dân chia sẻ được”, ĐB Quốc nói thêm.
ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cũng bức xúc việc 2 công trình quan trọng quốc gia (sân bay Long Thành và cao tốc Bắc - Nam) đã có chủ trương đầu tư, tiền, cơ chế đặc thù, khung chính sách... từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa giải ngân được một đồng vốn nào.
“Đến hết năm 2020, khả năng các dự án này cũng không giải ngân hết vốn, trong khi nhiều công trình khác cần vốn là rất lãng phí nguồn lực. Đây còn là 2 công trình phải đền bù GPMB lớn, liên quan đến đời sống của nhân dân. Riêng Long Thành liên quan đến hơn 4.800 hộ dân, hơn 15.000 nhân khẩu, hơn 10 năm nay thấp thỏm không an cư được vì biết sẽ phải di dời nhưng chưa biết sẽ về đâu, sinh kế như thế nào; nơi đang ở thì quy hoạch, không phát triển sản xuất được, thậm chí sửa chữa lớn nhà cửa cũng khó khăn. Đây còn là công trình hạ tầng rất quan trọng của quốc gia, với kỳ vọng khi hoàn thành sẽ đóng góp lớn cho phát triển của đất nước”, ĐB nhấn mạnh và cho rằng Chính phủ cần xác định nguyên nhân và trách nhiệm của việc chậm trễ, đặc biệt là cần xem xét trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan; đồng thời quyết liệt đẩy nhanh tiến độ.
Ý kiến
“Một số dự án chậm tiến độ đã gây thiệt hại rất lớn về mặt KT-XH. Việc chậm tiến độ làm tăng chi phí, trượt giá, làm giảm hoặc không còn hiệu quả đầu tư do qua thời điểm và nó còn tác động tiêu cực đến nền kinh tế”
ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long)
“Theo nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), việc chậm thực hiện dự án (nói chung) làm tăng 17,6% chi phí mỗi năm, trong đó 6,5% do lạm phát và 11,1% do lợi ích của dự án bị mất đi. Tính trung bình, nếu chậm trễ 2 - 3 năm sẽ làm tăng chi phí đến 50% do phát sinh thâm hụt tài chính”
ĐB Bùi Xuân Thống (Đồng Nai)
Theo nghị quyết được QH thông qua năm 2017, dự án GPMB, đền bù tái định cư cho sân bay Long Thành có thời gian thực hiện từ 2017 - 2021, quy mô 5.000 ha thu hồi đất 1 lần để xây dựng sân bay Long Thành và 364,21 ha để xây dựng 2 khu tái định cư. Tổng số trường hợp bị thu hồi đất và ảnh hưởng là 4.864 hộ, với 15.557 nhân khẩu và 26 tổ chức sử dụng đất. Ngoài thu hồi đất, GPMB, dự án còn có trách nhiệm xây dựng 2 khu tái định cư: khu dân cư, tái định cư Lộc An - Bình Sơn (282,35 ha) cho 4.805 hộ và phân khu 3 khu dân cư, tái định cư Bình Sơn (81,86 ha) cho 391 hộ; tái lập hạ tầng ngoài ranh giới cảng hàng không; đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống của người dân. Dự án có tổng mức đầu tư gần 23.000 tỉ đồng.
Tại báo cáo mới nhất gửi QH cập nhật tiến độ dự án này, Bộ GTVT cho biết, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã xây dựng và phê duyệt đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm và tổ chức lại cuộc sống của người dân bị thu hồi đất; hoàn thành đo đạc, lập bản đồ và kiểm đếm sơ bộ tài sản trên đất đối với phần diện tích đất trồng cây cao su của Công ty TNHH MTV Tổng công ty cao su Đồng Nai (khoảng 2.200 ha). Phần lớn diện tích đất cần bàn giao trước mắt cho Bộ GTVT để xây dựng sân bay Long Thành là diện tích đất vườn cây cao su của Công ty TNHH MTV Tổng công ty cao su Đồng Nai (khoảng 1.099 ha/1.165 ha); còn lại là của khoảng gần 200 hộ dân. Hiện UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo cắm mốc, kiểm đếm sơ bộ tài sản trên phần diện tích của Công ty TNHH MTV Tổng công ty cao su Đồng Nai, để có thể bàn giao toàn bộ diện tích đất này trong năm 2019.
Đối với phần diện tích đất của gần 200 hộ dân, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ tập trung triển khai GPMB trước, "phấn đấu bàn giao đất vào cuối năm 2019". Phần diện tích còn lại của dự án (tức khoảng 4.000 ha nữa) UBND tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục thực hiện để hoàn thành trước năm 2021.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.