Áp đặt khai thác ở sân bay Long Thành

24/10/2018 00:00 GMT+7

Khuyến nghị của đơn vị tư vấn về việc phân chia khai thác giữa sân bay Long Thành và sân bay Tân Sơn Nhất vấp phải nhiều ý kiến phản đối từ các chuyên gia.

"Đẩy" Vietnam Airlines qua Long Thành
Mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ vừa chủ trì cuộc họp Báo cáo đầu kỳ công tác khảo sát và lập Báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 dự án Cảng hàng không (CHK) quốc tế Long Thành. Ngoài những thông tin về tiến độ dự án, dự thảo ý kiến của đơn vị tư vấn JFV liên quan đến việc phân chia khai thác giữa sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất nhận được nhiều sự quan tâm. Cụ thể, cơ quan tư vấn khuyến nghị sân bay Long Thành sẽ đảm nhiệm 85% chuyến bay quốc tế (gồm các chuyến bay quốc tế của Vietnam Airlines và các hãng hàng không nước ngoài) và 12% chuyến bay quốc nội của Vietnam Airlines (đường bay TP.HCM - Hà Nội và TP.HCM - Đà Nẵng). Các hãng hàng không khác như: Vietjet Air, Jetstar Pacific, Bamboo Airways (nếu có), Vasco sẽ chỉ khai thác ở Tân Sơn Nhất...
Như vậy, nếu khuyến nghị của JFV được thông qua, sau khi sân bay Long Thành hoàn thiện, sẽ chỉ có duy nhất một hãng hàng không nội địa là Vietnam Airlines được quyền hoạt động tại sân bay này.
Một chuyên gia trong ngành hàng không phân tích thực tế, việc “đẩy” hãng hàng không quốc gia vào thế “một mình một chợ” bên Long Thành chưa chắc đã là ưu ái. Hiện nay sân bay Tân Sơn Nhất có lợi thế khai thác hơn rất nhiều. Lượng khách đông, gần thành phố trong khi sân bay Long Thành ở xa hơn, giao thông kết nối chưa hoàn thiện. Nếu đến lúc đó chưa có cao tốc Bến Lức - Long Thành thì giao thông kết nối rõ ràng là bài toán và lượng khách tại sân bay Tân Sơn Nhất chắc chắn vẫn nhiều hơn. “Xét thêm về mặt kinh tế hàng không, việc khai thác một chuyến bay từ Bangkok - Thái Lan về đến sân bay Tân Sơn Nhất cũng có lợi hơn nếu bay về Long Thành. Như vậy trong khi Vietnam Airlines một mình ra đó “chịu trận” thì tại Tân Sơn Nhất, các hãng hàng không còn lại sẽ có thêm đất để mở rộng khai thác. Vì thế chưa biết ai lợi, ai hại” - vị này nhận định.
Hãng nào đủ điều kiện thì khai thác
TS Huỳnh Thế Du, giảng viên chính sách công - Trường đại học Fulbright, khẳng định chưa cần biết ai lợi, ai hại nhưng rõ ràng phương án đưa ra của đơn vị tư vấn là phi thị trường, bất hợp lý. Ông đánh giá việc phân chia như vậy thể hiện hai điều: thứ nhất, do Vietnam Airlines đang chiếm thị phần lớn nhất nên được “ưu ái” đưa ra Long Thành. Thứ hai, giành Long Thành cho hãng hàng không quốc gia và các hãng nước ngoài khai thác tạo tâm lý định hình sân bay Long Thành là cao cấp, Tân Sơn Nhất là bình dân. Điều này cũng không hợp lý vì ngay cả các hãng hàng không quốc tế cũng có hãng giá rẻ, chất lượng trung bình và hàng không nội địa cũng có chất lượng tốt. Bên cạnh đó, có thể trong tương lai, thị phần các hãng hàng không sẽ đảo ngược nên không thể áp cơ chế phân chia cứng nhắc như vậy. Chưa kể việc khoảng trống của Vietnam Airlines để lại tạo tâm lý cho các hãng hàng không khác tha hồ cạnh tranh mở rộng hoạt động, Tân Sơn Nhất lại nhanh chóng “phình ra”.
Theo ông Du, đã ở nền kinh tế thị trường, cứ đơn giản tuân theo nguyên tắc của thị trường. Hãng nào có nhu cầu, đủ điều kiện đáp ứng thì được phép vào khai thác. Nhà nước chỉ đứng ra điều chỉnh khi nhu cầu khai thác bất cân đối và cơ chế điều chỉnh cũng phải linh hoạt, hợp lý. Đơn cử chỗ nào ít được các hãng “nhòm ngó” thì có chính sách khuyến khích, chỗ nào các hãng tranh giành quá nhiều thì đánh thuế...
PGS-TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế T.Ư, cũng cho rằng có thể quy định sân bay Long Thành là sân bay quốc tế, chỉ khai thác những chuyến bay quốc tế đường dài và các đường bay nội địa quan trọng, đi kèm những điều kiện khai thác nhất định. Tuy nhiên, ông Thiên lưu ý chỉ nên xác định, định hướng tính chất sân bay, không nên phá vỡ nguyên tắc thị trường, đưa ra những quy định áp đặt kiểu chỉ có hãng này mới được khai thác, hãng khác không được. “Nếu Long Thành là sân bay cạnh tranh, những quy định như vậy sẽ chẳng có ý nghĩa gì. Ai có nhu cầu, tiềm lực mạnh, trả tiền cao, đủ tiêu chuẩn thì sẽ vào, không ai cấm được!” - ông Thiên nói.
Đang lấy ý kiến các hãng hàng không
Ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không VN, thông tin ngay sau buổi báo cáo với Bộ GTVT, Cục Hàng không đã tổ chức họp lấy ý kiến của các hãng hàng không vào sáng hôm qua (23.10). Có rất nhiều ý kiến nhưng do thời gian gấp nên một số hãng chưa kịp chuẩn bị kỹ. Cục đang tổng hợp, tiếp tục lấy ý kiến các hãng thêm một lần nữa và dự kiến sẽ gửi Bộ GTVT trong tuần này để đầu tuần sau Bộ có văn bản gửi đơn vị tư vấn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.