TP.HCM cần khoảng 30.000 lao động trong tháng 3.2018

04/03/2018 09:28 GMT+7

Trong tháng 3, TP.HCM cần khoảng 30.000 lao động cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu hội nhập. Tuy nhiên, nghịch lý hiện nay là TP đang rất thừa lao động, nhưng lại thiếu nhân lực có trình độ cao.

Nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động trong tháng 3
Ngày 4.3, Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM cho biết, “Sàn giao dịch việc làm cố định lần 1 năm 2018” sẽ diễn ra vào lúc 8 giờ đến 16 giờ 30 ngày 7.3, tại số 153 Xô Viết Nghệ Tĩnh (P.17, Q.Bình Thạnh). Tham gia sàn giao dịch, có hơn 20 đơn vị trên địa bàn TP.HCM tham gia tuyển dụng, với tổng số lượng cần tuyển hơn 1.382 lao động.
Trong đó, nhiều vị trí tuyển dụng với các ngành nghề khác nhau như: Kỹ sư Điện - Điện tử, Kỹ sư thiết Kế; Kỹ thuật viên sản xuất, Thợ hàn, Thợ tiện; Kế toán, Kiểm toán; Nhân viên bán hàng; Nhân viên hành chính - Lễ tân; Công nhân may; Công nhân lắp ráp linh kiện điện tử; Nhân viên bảo vệ; Nhân viên kho; Tài Xế; Lao động phổ thông… và nhiều vị trí tuyển dụng khác.
Cũng theo dự đoán của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM trong tháng 3 này, TP.HCM cần khoảng 30.000 lao động cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu hội nhập. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn chú trọng tuyển dụng lao động qua đào tạo và có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hướng đến cách mạng 4.0, nên chất lượng lao động càng được chú trọng.
Sự phát triển mạnh mẽ thiết bị điện tử như máy tính cá nhân, điện thoại thông minh, điện thoại di động, máy tính bảng và thiết bị chơi game để tương tác với người dùng, kéo theo xu hướng tuyển dụng nhân lực trong năm 2018 như: Chuyên ngành Digital marketing; Công nghệ thông tin cũng tập trung tuyển dụng nhân sự ở các lĩnh vực: Phân tích dữ liệu (Big Data), Bảo mật mạng, lập trình ứng dụng di động, lập trình game, lập trình thiết kế game 3D, lập trình thiết kế hiệu ứng hình ảnh và hoạt hình 3D.
Thừa lao động nhưng lại thiếu nhân lực có trình độ cao
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết, thị trường lao động TP hiện nay tương đối ổn định, vì các doanh nghiệp đều có kế hoạch ổn định nhân lực, thông qua các chính sách lương thưởng, phúc lợi và các hoạt động hỗ trợ lao động. Do vậy, tình trạng thiếu hụt lao động tại TP sẽ không lớn, bình quân từ 3% đến 4%, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, mức độ di chuyển lao động trong các doanh nghiệp bình quân từ 6% đến 8%.
“Thông thường tại các đô thị lớn, đặc biệt là TP.HCM thì trong quý I và quý II là giai đoạn thường xuyên có biến động về mặt nhân sự. Vì vậy, trong giai đoạn này, nhiều công ty rao tuyển lao động với số lượng lớn, bao gồm nhu cầu về nhân sự cấp trung và cấp cao cho sản xuất kinh doanh. Riêng ở những ngành sử dụng nhiều lao động như: Dệt may, chế biến, dịch vụ - phục vụ nhà hàng, khách sạn mức độ thiếu hụt trung bình từ 8 đến 10%, do gia tăng tuyển thêm nhiều lao động”, ông Tuấn thông tin.
Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng việc phát triển thị trường lao động vẫn chưa đồng bộ, còn thể hiện sự chênh lệch Cung - Cầu lao động về số lượng. Đặc biệt, chất lượng chưa phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập. Nghịch lý ở TP.HCM hiện nay là đang rất thừa lao động, nhưng lại thiếu nhân lực có trình độ cao cho những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển.
Kiến nghị giải pháp cho vấn đề này, ông Tuấn cho rằng cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh sự liên kết, hợp tác đồng bộ các hoạt động hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo, thực hành gắn kết nhu cầu sử dụng lao động. Đồng thời, kết nối cổng thông tin hướng nghiệp, thông tin đào tạo, việc làm TP với các tỉnh, thành, khu vực và quốc gia; Điều tra, khảo sát việc làm của sinh viên và nhu cầu thị trường lao động về xu hướng việc làm và học nghề; Hướng dẫn hỗ trợ các doanh nghiệp hoạch định chiến lược tuyển dụng, sử dụng nhân lực trung hạn và dài hạn.
Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM dự báo năm 2018, TP.HCM có nhu cầu 300.000 chỗ làm việc, tăng bình quân 5% so với năm 2017. Trong đó, có 130.000 chỗ làm việc mới, tăng 4% so với năm 2017. Theo cơ cấu trình độ Đại học trở lên: 20%, Cao đẳng: 17%, Trung cấp và CNKT lành nghề: 32%, Sơ cấp nghề: 10%; Lao động chưa qua đào tạo chiếm 21%.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.