Viện kiểm sát bác thông tin “có việc đầu độc”

Lê Hiệp
Lê Hiệp
25/01/2019 07:40 GMT+7

Đại diện cơ quan công tố khẳng định, sự chênh lệch hàm lượng florua giữa các vị trí có nhiều nguyên nhân và phù hợp với thực tế, không có dấu hiệu của việc " đầu độc ".

Ngày 24.1, phiên tòa xét xử vụ án chạy thận khiến 9 người tử vong tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình tiếp tục với phần tranh tụng giữa đại diện Viện KSND TP.Hòa Bình (VKS), giữ quyền công tố tại tòa, và các luật sư (LS).

Đề nghị dạy cho sinh viên trường y về chất lượng thiết bị và thuốc

Tại phiên tòa, tự bào chữa cho mình sau đó, bị cáo Hoàng Công Lương nói không chỉ bị cáo mà tất cả các BS và điều dưỡng tại Đơn nguyên thận nhân tạo đều biết chất lượng nước dùng cho máy chạy thận phải đảm bảo. Tuy nhiên, nhiệm vụ chuyên môn của bị cáo là BS điều trị; việc đảm bảo chất lượng nước là của kỹ thuật viên nên không có lý do gì trong ngày 29.5.2017, bị cáo không cho chạy thận.
“Nếu tại phiên tòa này bị cáo bị tuyên có tội thì đề nghị HĐXX kiến nghị Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế cho sinh viên tại các trường đại học y được học về chất lượng thiết bị và chất lượng thuốc, để sau này khi hành nghề không rơi vào trường hợp như bị cáo”, bị cáo Lương nói.    
Trong phần xét xử buổi chiều, bào chữa cho bị cáo Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Thiên Sơn), các LS cho rằng bị cáo Tuấn chỉ ký các hợp đồng giữa Thiên Sơn và BVĐK tỉnh Hòa Bình với tư cách pháp nhân, do đó không thuộc chủ thể tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. KSV Nguyễn Thị Thu Hằng đáp lại, theo luật Doanh nghiệp, giám đốc là người điều hành các hoạt động của công ty, do đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hoạt động này.
Các LS đưa ra lập luận, sau khi ký Hợp đồng số 315 với BVĐK tỉnh Hòa Bình về việc sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2, Công ty Thiên Sơn đã ký Hợp đồng 05 với Công ty Trâm Anh để thực hiện các nội dung này; Công ty Thiên Sơn chỉ có trách nhiệm thực hiện hợp đồng chứ không có trách nhiệm giám sát; việc giám sát thuộc về chủ đầu tư là BVĐK tỉnh Hòa Bình.
Tuy nhiên, đại diện cơ quan công tố khẳng định, cơ quan điều tra đã chứng minh Hợp đồng số 05 không được ký trên thực tế; Tuấn không triển khai nội dung Hợp đồng số 315 ký với BV cho Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty Trâm Anh); bỏ mặc Quốc sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2. Tại tòa, Quốc khai đã nhiều lần nhắc nhở Tuấn về việc không được để máy chạy thận chạy ngay sau khi sửa chữa hệ thống lọc nước. Tuấn không nhắc nhở yêu cầu Quốc phải xét nghiệm nước trước khi chạy dẫn đến Quốc bỏ mặc, thấy máy chạy thận hoạt động mà không ngăn cản dẫn đến sự cố.
Tại tòa, LS Phạm Quang Hưng (bào chữa cho bị cáo Tuấn) tiếp tục trình bày những suy luận cho rằng có dấu hiệu của đầu độc trong sự cố khi hàm lượng florua gây ra cái chết của 9 bệnh nhân tại các quả lọc máy chạy thận, đầu cấp nước cho máy lọc thận, cổng dịch máy thận có sự chênh lệch giữa các máy chạy thận trong khi sử dụng cùng một nguồn nước. Bên cạnh đó, hàm lượng florua tại đầu ra của máy lọc nước RO số 2 cũng thấp hơn hàm lượng florua trong cơ thể bệnh nhân. “Có hay không nhân tố khác đã đưa florua thông qua con đường máy chạy thận, vì điểm nhạy cảm nằm trong máy chạy thận chứ không nằm ở hệ thống RO”, LS này lập luận và cho rằng có người đã phá hoại Công ty Thiên Sơn nhưng đã quá tay dẫn tới sự cố nghiêm trọng.
Đáp lại quan điểm này, đại diện VKS khẳng định sự chênh lệch hàm lượng florua giữa các vị trí có nhiều nguyên nhân và phù hợp với thực tế, vì tùy thuộc vào thời gian truyền dịch của bệnh nhân cũng như tỷ lệ trộn dịch lọc thận với nước trong máy chạy thận. Việc hàm lượng florua trong mẫu nước thu tại đầu ra của hệ thống RO số 2 thấp hơn trong cơ thể bệnh nhân là do mẫu nước thu tại thời điểm sau khi bị cáo Bùi Mạnh Quốc đã sục rửa hệ thống lọc nước. Từ đó, đại diện VKS khẳng định, không có dấu hiệu của việc đầu độc.

Đủ căn cứ cáo buộc Hoàng Công Lương

Buổi sáng, đối đáp quan điểm của các LS bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương, bác sĩ (BS) BVĐK tỉnh Hòa Bình, trình bày từ chiều 23.1, đại diện VKS tiếp tục khẳng định có đủ căn cứ để cáo buộc Hoàng Công Lương phạm tội vô ý làm chết người.
Đối với quan điểm của các LS cho rằng, hành vi bị cáo Lương ra y lệnh và ký xác nhận y lệnh của các BS khác không vi phạm quy định nào của pháp luật; chữ ký của bị cáo chỉ có ý nghĩa trong việc thanh toán bảo hiểm; VKS lập luận, y lệnh của Hoàng Công Lương có ảnh hưởng quyết định dẫn đến các điều dưỡng cắm kim của máy chạy thận để chất độc tồn dư trong nước vào người bệnh nhân. Trong 3 BS điều trị tại Đơn nguyên thận nhân tạo ngày 29.5.2017, chỉ có một mình bị cáo Lương được đào tạo và có chứng chỉ về kỹ thuật chạy thận nhân tạo nên y lệnh của bị cáo mang tính chất quyết định.
Đối với quan điểm của các LS cho rằng, bị cáo Lương không phải chịu trách nhiệm về chất lượng nước; không nắm hợp đồng sửa chữa giữa Công ty Thiên Sơn và BV nên không biết phải xét nghiệm nước sau khi sửa chữa, đại diện cơ quan công tố cho rằng VKS không cáo buộc bị cáo Lương phải biết kiểm tra chất lượng nước mà thấy rằng bị cáo có trách nhiệm phải xác minh lại thông tin về nguồn nước để đảm bảo sức khỏe của bệnh nhân. Tuy nhiên, bị cáo Lương mới chỉ nghe thông báo của điều dưỡng là người không có kỹ năng xác định chất lượng nước đã ra y lệnh chạy thận cho bệnh nhân.
Đại diện VKS cũng cho rằng, bị cáo Lương là người ký xác nhận đề xuất sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2, do đó bị cáo phải biết việc sửa chữa trong hợp đồng. Đặc biệt, việc bị cáo đã được đào tạo, có chứng chỉ thì phải biết sau sửa chữa phải xét nghiệm nước.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.