Viện kiểm sát khẳng định 'Không có dấu hiệu đầu độc như suy luận của luật sư'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
24/01/2019 17:30 GMT+7

Đại diện Viện kiểm sát (VKS) nhân dân TP.Hòa Bình bác bỏ toàn bộ suy luận của luật sư cho rằng có dấu hiệu đầu độc trong sự cố tai biến chạy thận tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình ngày 29.5.2017.

Chiều nay, 24.1, phiên tòa vụ án tai biến chạy thận khiến 9 người tử vong tại BVĐK tỉnh Hòa Bình tiếp tục với phần tranh tụng giữa luật sư và VKS.
Luật sư Phạm Quang Hưng (bào chữa cho bị cáo Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên Sơn) dành phần lớn bài bào chữa cho thân chủ để "bào chữa" cho yêu cầu giao nộp chứng cứ mới cho rằng có dấu hiệu đầu độc trong sự cố chạy thận tại BVĐK tỉnh Hòa Bình đã bị VKS đề nghị HĐXX có hình thức xử lý kỷ luật vì không đưa ra được chứng cứ, gây ảnh hưởng tới việc xét xử vài ngày trước.
Theo đó, luật sư này cho rằng, có nhiều điểm bất thường nếu đối chiếu các kết luận giám định về hàm lượng florua tồn dư dẫn tới cái chết của 9 bệnh nhân trong sự cố ngày 29.5.2017 là cơ sở để vị này cho rằng, cơ quan tố tụng đang đi không đúng hướng.
Cụ thể, ông Hưng cho hay, theo kết quả giám định, hàm lượng florua tồn dư tại các quả lọc máy chạy thận rất khác nhau. Chẳng hạn tại phòng lọc máu số 3 của bệnh viện thì quả lọc của máy số 10 có tồn dư là 46 mg/lit, máy số 12 là 37,1 mg/lit thì máy số 11 ở bênh cạnh chỉ 5,9 mg/lít.
Tương tự, luật sư Hưng cũng dẫn chứng từ kết luận giám định về hàm lượng florua tồn dư ở các "đầu cấp nước cho máy lọc thận", "cổng dịch máy thận" cũng có sự chênh lệch rất bất thường giữa các máy.
Ngoài ra, luật sư Hưng cũng cho biết, trong khi mẫu nước thu tại đầu ra của máy lọc nước RO số 2 thì hàm lượng florua chỉ là 0,55 mg/lit, trong khi tại máy thận thì tăng vọt lên tới 57 mg/lit và vào cơ thể thì theo kết luận giám định là khoảng 3 mg/lit. Nghĩa là hàm lượng florua tại đầu bình nước RO số 2 lại thấp hơn trong cơ thể của bệnh nhân.
Luật sư Hưng cho biết, đã tham vấn các chuyên gia về hóa chất và khẳng định, "điểm nghi vấn" không phải là ở hệ thống lọc máu mà phải là ở máy chạy thận ở phòng lọc máu của Đơn nguyên thận nhân tạo.
"Việc bị cáo Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty Trâm Anh - PV) sửa chữa hệ thống lọc nước RO thì không liên quan gì tới phòng lọc máu của bệnh viện mà chỉ có cán bộ, nhân viên y tế. Có thể ở đây có kẻ nào muốn phá hoại Công ty Thiên Sơn về kinh tế nhưng đã quá tay hoặc không lường hết được hậu quả của hành vi…", luật sư này nói.
Theo luật sư Hưng, nguyên nhân tử vong của các bệnh nhân theo kết luận giám định là florua chứ không phải là hóa chất Axit Flohydric (HF), một trong 3 hóa chất mà Quốc sử dụng để sửa chữa hệ thống RO số 2.
"Có hay không nhân tố khác đã đưa florua thông qua con đường máy thận vì điểm nhạy cảm nằm trong máy chạy thận chứ không nằm ở hệ thống RO", vị luật sư này nói và cho biết, mong muốn tìm được thủ phạm đích thực.
Đối đáp với quan điểm của luật sư Hưng, đại diện VKS cho rằng, việc cáo trạng khẳng định tồn dư hóa chất Axit Flohydric là phù hợp với nguyên nhân ngộ độc florua trong kết luận giám định.
Đối với sự chênh lệch của hàm lượng florua tại các quả lọc thận có sự chênh lệch, không đồng đều nhau, VKS cho rằng, có thể có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực tế này, vì hàm lượng florua trong hệ thống RO thay đổi liên tục khi vận hành. Bên cạnh đó, thời gian bệnh nhân cắm kim truyền vào người cũng ảnh hưởng đến hàm lượng florua tồn dư.
Ngoài ra, khi chạy thận thì nước từ hệ thống lọc RO sẽ trộn với dịch lọc nên tỷ lệ trộn khác nhau cũng sẽ làm hàm lượng florua tại các quả lọc cũng nhau.
Đối với suy luận hàm lượng florua trong mẫu nước thu tại đầu ra của hệ thống RO số 2 thấp hơn trong cơ thể bệnh nhân, VKS đề nghị luật sư chú ý thời điểm thu mẫu vì cho rằng, mẫu nước thu tại thời điểm sau khi bị cáo Bùi Mạnh Quốc đã sục rửa hệ thống lọc nước nên hàm lượng florua thấp hơn rất nhiều.
Từ đó, đại diện VKS khẳng định, không có dấu hiệu của việc đầu độc như luật sư nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.