Viện KSND cấp cao tại TP.HCM kháng nghị vụ án buôn lậu liên quan bị cáo Nguyễn Văn Hoan

27/05/2021 13:51 GMT+7

Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.HCM kháng nghị, đề nghị TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm vụ 'buôn lậu' liên quan bị cáo Nguyễn Văn Hoan theo hướng tăng hình phạt.

Ngày 26.5, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM (Viện cấp cao 3) cho biết đã ban hành kháng nghị, đề nghị TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm, theo hướng tăng hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Văn Hoan (40 tuổi, ngụ Bình Dương) về tội “buôn lậu”.
Theo nội dung kháng nghị, bản án cấp sơ thẩm đã áp dụng tình tiết giảm nhẹ không chính xác, thiếu sót trong việc xem xét tình tiết tăng nặng dẫn đến việc xử phạt bị cáo mức án nhẹ, không đánh giá hết được tính chất mức độ hành vi phạm tội của bị cáo.
Theo bản án sơ thẩm, Nguyễn Văn Hoan là người điều hành Công ty TNHH - MTV Xuất nhập khẩu Thanh Nam Phát (gọi tắt Công ty Thanh Nam Phát). Ngày 29.12.2017, Công ty Thanh Nam Phát mở tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn Khu vực 1. Khai báo nhập khẩu hàng hóa từ Công ty T&A Partners (trụ sở tại Mỹ) 38 kiện hàng gồm chăn lông cừu, nước xả vải… Tổng giá trị hàng hóa khai báo là 16.368 USD.
Ngày 9.1.2018, Đội kiểm soát hải quan (Cục Hải TP.HCM) tiến hành kiểm tra toàn bộ hàng hóa thuộc tờ khai nói trên, phát hiện hàng hóa là bánh kẹo các loại và 810 cái chăn hiệu Plush blanket Queen do Trung Quốc sản xuất. Kết luận định giá lô hàng vi phạm trị giá hơn 2,6 tỉ đồng.
Xử sơ thẩm, TAND TP.HCM tuyên phạt Hoan 7 năm tù về tội “buôn lậu”. Tuy nhiên, theo Viện cấp cao 3, tòa sơ thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo điểm h, khoản 1, Điều 51 Bộ luật hình sự “phạm tội nhưng chưa gây thiệt hoặc gây thiệt hại không lớn” là không có căn cứ. Vì lô hàng vi phạm hơn 2,6 tỉ đồng đồng, có giá trị gấp 2,668 lần so với mức khởi điểm quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 188 Bộ luật Hình sự là “vật phạm pháp có giá trị 1.000.000.000 đồng trở lên”, có khung hình phạt từ 12 - 20 năm tù.
Bên cạnh đó, Viện cấp cao nêu, cấp sơ thẩm nhận định “hàng hóa nhập khẩu trái phép chưa được lưu thông ra thị trường đã bị ngăn chặn nên hành vi phạm tội chưa gây thiệt hại” là sai lầm nghiêm trọng.
Bởi bị cáo đã che giấu hành vi phạm tội bằng cách mượn danh người khác để thành lập công ty, khai báo gian dối khi làm thủ tục hải quan. Theo Viện cấp cao 3, đây là tình tiết tăng nặng, không phải tình tiết giảm nhẹ là phạm tội nhưng chưa gây thiệt hoặc gây thiệt hại không lớn như cấp sơ thẩm nhận định. 

Rút kinh nghiệm từ vụ vận chuyển hàng cấm, hưởng án treo sai

Liên quan đến áp dụng tình tiết giảm nhẹ “phạm tội nhưng chưa gây thiệt hoặc gây thiệt hại không lớn”, Viện KSND tối cao từng thông báo rút kinh nghiệm ở vụ án Trần Minh, do có kháng nghị giám đốc thẩm của Chánh án TAND tối cao.
Trong vụ án này, bị cáo Trần Minh bị TAND tỉnh Quảng Trị tuyên phạt 4 năm tù tội “vận chuyển hàng cấm”, cụ thể là vận chuyển 40.450 bao thuốc lá không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp. Xử phúc thẩm, TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã tuyên Minh 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Đến ngày 28.7.2020, Chánh án TAND tối cao đã có kháng nghị về bản án phúc thẩm về phần quyết định hình phạt.
Với nội dung kháng nghị của Chánh án TAND tối cao, Viện KSND tối cao đề nghị các đơn vị nghiệp vụ liên quan rút kinh nghiệm chung ở các vụ án tương tự.
Cụ thể, tòa phúc thẩm nhận định “… vật chứng bị thu hồi toàn bộ, bị cáo chưa hưởng lợi gì” để áp dụng tình tiết giảm nhẹ “phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc thiệt hại không lớn” để sửa bản án sơ thẩm thành 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo là sai lầm nghiêm trọng. Bởi, bị cáo vận chuyển 40.450 bao thuốc lá ngoại, gấp 9 lần so với số lượng quy định tại điểm b, khoản 3, điều 191 BLHS “thuốc lá điếu nhập lậu 4.500 bao trở lên, có khung hình phạt 5 - 10 năm tù”. Đồng thời, việc đã đi 3 km bị bắt quả tang, không thuộc trường hợp “chưa gây thiệt hại hoặc thiệt hại không lớn”. Do đó, hình phạt cấp phúc thẩm quyết định đối với bị cáo là quá nhẹ, chưa nghiêm minh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.