Cụ thể, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều nay, 6.6, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc này, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Bộ Ngoại giao cũng như các cơ quan liên quan đã giao thiệp chính thức và không chính thức với đối tác Singapore. Chúng tôi đã có công hàm gửi tới Đại sứ quán Singapore tại Hà Nội. Tôi tin rằng phía Singapore hiểu rõ thông điệp của chúng ta”.
Trước đó, như Thanh Niên đưa tin, tại Đối thoại Shangri-La và trên trang mạng cá nhân ngày 31.5, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã dùng từ “xâm lược”, “chiếm đóng” để nói về việc quân tình nguyện Việt Nam sang trợ giúp Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ năm 1979.
Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 4.6 đã lên tiếng phản bác lại phát biểu của ông Lý, cho biết Việt Nam “lấy làm tiếc” về những nội dung “phản ánh không khách quan thực tế lịch sử, gây tác động không tốt đến dư luận” của ông Lý.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng nhấn mạnh, đóng góp và hy sinh của Việt Nam trong việc cùng nhân dân Campuchia chấm dứt tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ là sự thật đã được thừa nhận rộng rãi.
Ngày 16.11.2018, Toà án đặc biệt xét xử tội ác Khmer Đỏ (ECCC) cũng đã ra phán quyết về tội ác diệt chủng chống nhân loại của Khmer Đỏ.
Bên lề kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, một số đại biểu cũng đã lên tiếng về vấn đề này. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng phát ngôn này là hoàn toàn sai sự thật.
Theo đại biểu, bản chất của cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, là Việt Nam bị tấn công nên phải tự vệ, chứ không phải Việt Nam gây chiến. Thứ hai, Việt Nam đã giúp nhân dân Campuchia tiêu diệt chế độ diệt chủng đã tàn sát chính nhân dân họ.
"Rất cần một lời cải chính từ phía Singapore"
Trên trang cá nhân ngày 5.6, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh, cũng chia sẻ quan điểm về vấn đề này, cho rằng phát ngôn “xâm lược” của ông Lý Hiển Long là một “hạt sạn nặng”, “là điều không thể chấp nhận”.
Ông Vinh cho rằng, việc Thủ tướng Lý Hiển Long nêu lại sự kiện cách đây 40 năm như trên là không thể biện minh, dù với mục đích gì vì 40 năm trước, đất nước Campuchia trở thành một "cánh đồng chết chóc" và dân tộc Campuchia đứng trước nguy cơ diệt vong. Đến giờ tên của chế độ diệt chủng, hai chữ "Polpot- Khmer Đỏ" vẫn khiến mọi người ghê tởm.
Phát ngôn này là không thể chấp nhận, vì đó là lương tri, theo Đại sứ Phạm Quang Vinh.
“40 năm trước, cục diện chính trị thế giới, khu vực đã đẩy các nước Đông Nam Á đứng ở hai phía đối nghịch, nhưng dù bất đồng chính trị thế nào, cũng không thể chấp nhận những ai khi đó đã đứng về phía kẻ diệt chủng”, ông Vinh viết và cho rằng, họ đã và vẫn nợ Việt Nam, nợ dân tộc Campuchia một lời xin lỗi.
Cũng theo Đại sứ Vinh, Việt Nam - Singapore cũng đã là một tấm gương về vượt qua nghi kỵ, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Vì vậy, hạt sạn trên là không thể giải thích hay biện minh, dù kiên nhẫn đến mấy, cũng không thể không lên tiếng phản bác mạnh mẽ vì nó không chỉ làm đau nỗi đau đã khép của quá khứ, mà còn làm tổn thương tình cảm tốt đẹp, tin cậy đang có hiện nay, qua bao công sức hai bên và ASEAN nữa.
Ông vẫn tin rằng, cộng đồng đoàn kết ASEAN, nền tảng quan hệ tốt đẹp bấy lâu sẽ tiếp tục được vun đắp, và "rất cần một lời cải chính từ phía Singapore".
Bình luận (0)